Doanh nghiệp lữ hành 'hóng' kỳ nghỉ lễ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất hoán đổi ngày làm việc để người dân nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày. Điều này không chỉ được người lao động hào hứng đón nhận mà các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng rất tán thành.

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày sẽ tạo cơ hội kích cầu du lịch. Ảnh: Quang Vinh.

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày sẽ tạo cơ hội kích cầu du lịch. Ảnh: Quang Vinh.

Cơ hội kích cầu du lịch

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch, lữ hành, kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày sẽ là cơ hội để người dân được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế. Người dân sẽ tận dụng cơ hội đến các điểm nghỉ dưỡng, từ đó góp phần kích cầu du lịch. Phía các đơn vị du lịch, lữ hành thì họ sẽ có thêm cơ hội quảng bá và thúc đẩy các sản phẩm tour du lịch tốt hơn cho du khách. Kỳ nghỉ thực sự là cơ hội "vàng" cho các DN lữ hành đầu mùa cao điểm du lịch nội địa và nhiều lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khác.

Ông Nguyễn Đạt Trường, chủ chuỗi nhà hàng Red Dao ở Sa Pa (Lào Cai) cho biết, sức ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19 đã tác động mạnh đến ngành du lịch. Chính bởi vậy, chính sách về thị thực được cởi mở đã và đang tạo nên sự chuyển dịch mới cho ngành này. Từ đây cũng tác động tích cực đến hoạt động của các DN dịch vụ, lữ hành. “Đặc biệt, kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5 này nếu được nghỉ dài sẽ là cơ hội để người dân đi đến các điểm nghỉ dưỡng, các DN dịch vụ như chuỗi nhà hàng của chúng tôi sẽ có cơ hội để tăng trưởng, khởi đầu cho một mùa du lịch hè sôi động” - ông Trường nói.

Đại diện Wondertour cũng cho rằng, kỳ nghỉ nghỉ lễ 5 ngày sẽ tác động đến nhu cầu du lịch của người dân. Nghỉ kéo dài nên thay vì các chuyến đi dã ngoại ngắn ngày thì chuyến đi 4 - 5 ngày có chi phí thấp được các gia đình ưu tiên lựa chọn. Các tour đường bộ đến Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Sapa, Mộc Châu, Ninh Bình… hay tour đường bay đến Đà Nẵng, Thái Lan, Singapore chi phí hợp lý sẽ được các gia đình lựa chọn.

Trong khi đó, theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, các thành phố du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quy Nhơn, Huế… có lẽ sẽ sụt giảm lượng khách khi giá vé máy bay tăng cao; thậm chí có thể phải lường trước tình huống ít khách khi hãng hàng không ngừng khai thác chặng ngắn (Bamboo Airways dừng khai thác chặng tới Côn Đảo, Quảng Bình...).

Do đó, các địa phương cần có phương án đa dạng sản phẩm, nguồn khách. Ví dụ, Phú Quốc có thể khai thác tour đường thủy giá thấp để phục vụ khách du lịch tại các tỉnh phía Nam. Quảng Bình có thể đẩy mạnh khai thác tour đường sắt. Mặt khác, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà hàng, khách sạn, nhà xe với DN lữ hành để tạo được sản phẩm đột phá.

Nhiều DN lữ hành cũng cho rằng, việc nghỉ lễ kéo dài 5 ngày là tín hiệu tốt, thúc đẩy hỗ trợ thêm các sản phẩm mà đơn vị lữ hành đã thiết kế sẵn và sớm "tung" ra thị trường. Tuy nhiên, nếu như có kế hoạch sớm hơn thì các đơn vị sẽ có kế hoạch phát triển các sản phẩm tour phù hợp với quỹ thời gian được nghỉ và đủ thời gian chuẩn bị, quảng bá rộng rãi hơn nữa cho các sản phẩm.

Theo ý kiến của một số DN du lịch, lữ hành, các cơ quan chức năng nên ra quyết định số ngày nghỉ lễ sớm hơn nữa để DN nắm bắt được cơ hội, phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách.

Đại diện HVN Travel cho biết, đã thiết kế sẵn những sản phẩm tour nước ngoài như Dubai, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… trước khi có thông tin người dân sẽ được nghỉ 5 ngày. Việc này không có sự thay đổi nào với du khách bởi vé máy bay và các dịch vụ đã được HVN Travel đặt cọc trước đó từ 3 - 4 tháng, đúng ngày giờ là hành khách lên đường.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho biết: Việc giá vé máy bay tăng cao là một thách thức với phát triển du lịch nội địa. Bởi giá vé máy bay chiếm từ 40 - 60% cấu thành giá tour nên giá vé tăng cao sẽ đẩy giá tour lên theo. Điều này khiến cho các gia đình, đoàn khách đông sẽ chuyển hướng, thay vì đi xa bằng máy bay thì chuyển sang các điểm đến gần, đi bằng đường bộ, tàu hỏa hoặc phương tiện cá nhân.

Thay đổi cơ cấu sản phẩm vì vé bay cao

Ngay khi hàng không tăng giá trần vé máy bay, các DN lữ hành đã linh hoạt thay đổi cơ cấu sản phẩm. Họ giới thiệu nhiều tour đường bộ trong nước và quốc tế, đặc biệt tập trung các tuyến tour quốc tế có giá phù hợp với mức chi tiêu chung của khách hàng như tour Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Điểm khó của du lịch năm nay là giá vé máy bay tăng quá cao, gây khó khăn cho du khách còn giá dịch vụ vẫn tương đối ổn định. Do đó, khách nội địa chủ yếu chọn đi chặng gần hoặc chọn tour du lịch nước ngoài vì giá tour nội địa đang tương đương du lịch nước ngoài.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI) nêu quan điểm, việc khách Việt Nam ra nước ngoài là một thiệt thòi đối với ngành du lịch cũng như kinh tế trong nước. Bởi khi khách đi du lịch, không chỉ những dịch vụ khách đặt tour được hưởng lợi mà các hành trình khách đi qua nếu khai thác tốt đều mang lại những nguồn lợi vô cùng lớn.

Trước thực tế khách Việt có xu hướng lựa chọn du lịch nước ngoài do giá tour nội địa tăng cao, ông Quỳnh cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận lại tổng quan bức tranh du lịch cũng như có những chính sách, chế tài, những dịch vụ mang tầm quốc gia để hỗ trợ cho những dịch vụ đang phải bù lỗ. Từ đó bình ổn giá, cân bằng thị trường. "Nếu làm được điều đó, giá du lịch trong nước sẽ không bị đắt hơn du lịch nước ngoài như bây giờ. Qua đó Việt Nam mới lấy lại được sức hút của mình"- ông Quỳnh nói.

Trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi nhưng vẫn phải đối diện với rất nhiều thách thức, nhất là các tác động từ giá vé máy bay, nhiều ý kiến cho rằng, ngành hàng không và du lịch cần ngồi lại để tìm “tiếng nói chung”, tạo ra sản phẩm có giá tốt nhất cho thị trường và khách hàng. Đặc biệt là phải có một “nhạc trưởng” để dung hòa lợi ích các bên, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, nhất là vào dịp lễ, Tết, nhu cầu du lịch tăng cao.

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doanh-nghiep-lu-hanh-hong-ky-nghi-le-10277182.html