Doanh nghiệp lúng túng vì giảm thuế GTGT

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc điều chỉnh thuế GTGT chỉ nên áp dụng đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ trực tiếp gắn với người tiêu dùng

Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28-1 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, điểm nhấn là chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%, áp dụng từ ngày 1-2 đến hết 31-12 (trừ những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10% theo danh sách được Chính phủ công bố đính kèm).

Triển khai quy định này, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ đã cấp tập điều chỉnh code cho tất cả hàng hóa đang kinh doanh để thực hiện giảm thuế GTGT cho khách hàng. Theo các DN, đến nay mọi việc đã đi vào ổn định, người tiêu dùng có thể kiểm tra thuế suất thuế GTGT đối với từng mặt hàng trên hóa đơn mua hàng. Đơn cử, tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, có hơn 10.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm thời trang may mặc và một số mặt hàng đồ dùng gia đình đã được áp dụng thuế GTGT 8%.

Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi các DN phân phối cơ bản ổn thỏa trong việc thực hiện giảm thuế GTGT cho người tiêu dùng thì các DN sản xuất lại đang gặp phiền phức khi thực hiện điều chỉnh thuế GTGT xuống còn 8%. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM (HAMI), đến giờ nhiều DN và đối tác vẫn đang cãi nhau việc tính thuế GTGT 10% hay 8%, cơ quan hải quan cũng không thống nhất mức 8% hay 10% mà tùy địa phương. "Chúng tôi đã có văn bản góp ý Cục Thuế TP HCM một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện giảm thuế GTGT nhưng hơn 1 tháng trôi qua, Cục Thuế chưa có văn bản trả lời. Lo nhất là khi không có hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan thuế, đến khi DN quyết toán thuế năm 2022 thì bị bắt chẹt, truy thu và phạt chậm nộp sẽ rất phiền" - ông Tống phản ánh.

Ghi nhận từ HAMI, các DN đang hiểu rằng nếu mặt hàng được giảm thuế 8% nhưng DN xuất hóa đơn GTGT 10% thì bên bán phải nộp 10% và bên mua được khấu trừ 8%; nếu mặt hàng chịu thuế 10% nhưng DN xuất hóa đơn GTGT 8% thì bên bán sẽ bị truy thu 2% kèm theo tiền chậm nộp và kê khai sai, bên mua chỉ được khấu trừ 8%. Với mặt hàng phát sinh doanh thu trước ngày 1-2-2022 nhưng tháng 2 mới xuất hóa đơn GTGT thì vẫn xuất hóa đơn theo thời điểm phát sinh doanh thu. Với hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn phát sinh trước ngày 1-2-2022 thì thuế suất đi theo hóa đơn bị điều chỉnh. "Hiện nay, để xác định hàng hóa nào được giảm GTGT từ 10% xuống 8% còn chưa thật sự rõ ràng. Nhiều sản phẩm có thể hiểu nhiều cách (ví dụ như sản phẩm khuôn mẫu, motor…) tuy nhiên nghị định đã cho áp dụng từ 1-2-2022. Nếu bên bán xuất hóa đơn GTGT 10% cho an toàn nhưng bên mua chỉ được khấu trừ 8% thì rất bất cập" - đại diện Ban Chấp hành HAMI phản ánh và đề nghị hóa đơn GTGT nếu đã đóng theo mức 10% thì cho phép DN mua hàng được khấu trừ 10% theo đúng hóa đơn.

Ngoài ra, các DN còn lo ngại khả năng bị truy thu và phạt kê khai sai. Bởi theo quy định, nếu mặt hàng chịu thuế 10% nhưng DN xuất 8% thì bên bán sẽ bị truy thu 2% kèm theo tiền chậm nộp và phạt kê khai sai. Bên mua chỉ được khấu trừ 8%. Do nghị định mới được ban hành và áp dụng thực tiễn, không thể tránh khỏi việc các DN hiểu chưa sâu sát nội dung và làm chưa đúng về việc kê khai các vấn đề về thuế suất miễn giảm. Trường hợp thiếu sót, thì theo quy định, các DN bán hàng sẽ bị phạt và truy thu thêm 2% nhưng DN mua chỉ được khấu trừ 8%. "Trường hợp này nên yêu cầu DN nộp bù 2% GTGT theo hóa đơn bổ sung, để bên mua có thể khấu trừ thuế 2% và không phạt vi phạm hành chính vì DN không cố tình làm sai" - ông Tống đề xuất.

Trước những phiền toái như vậy, nhiều DN cho rằng việc điều chỉnh thuế GTGT chỉ nên áp dụng đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ trực tiếp gắn với người tiêu dùng, với DN sản xuất là không cần thiết, thậm chí gây khó khăn cho họ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Cục Thuế TP HCM đề nghị cơ sở kinh doanh, DN cần xác định các hàng hóa, dịch vụ của mình có thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 43 và Nghị định 15 hay không để thực hiện xuất hóa đơn theo đúng mức thuế suất quy định kể từ ngày 1-2.

Riêng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp theo một tỉ lệ nhất định trên doanh thu thì được giảm 20% trên số tiền thuế GTGT. Ví dụ, Công ty A đang kinh doanh khách sạn (ngành dịch vụ lưu trú), tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp và có tỉ lệ tính thuế GTGT trên doanh thu là 5%. Như thế, công ty A thuộc đối tượng được áp dụng mức giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022 NĐ-CP. Giả sử công ty A xuất hóa đơn bán hàng với giá 30 triệu đồng thì mức thuế GTGT phải nộp của công ty này là 30 triệu đồng x 5% = 1,5 triệu đồng. Số thuế GTGT được giảm 20%, tức là: 1,5 triệu đồng x 20% = 300.000 đồng. Số tiền phải thanh toán cuối cùng của hóa đơn này là: 30 triệu đồng - 300.000 đồng = 29,7 triệu đồng.

Thanh Nhân - Thy Thơ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-lung-tung-vi-giam-thue-gtgt-20220321220117673.htm