Doanh nghiệp lưu ý trong hoạt động M&A

Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang là xu hướng và tăng trưởng mạnh sau đại dịch COVID-19, để từ đó doanh nghiệp (DN) có thể xác định được hướng đi mới cho mình. Tuy nhiên, hoạt động M&A vẫn còn tiềm ẩn không ít rủi ro…

Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, vì vậy hình thức đầu tư là vấn đề được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Với hình thức M&A có tác động kích thích thị trường tài chính phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng quy mô và tăng tính minh bạch, tạo điều kiện cho các DN trong nước dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn mới.

Hoạt động mua bán, sáp nhập dự án BĐS trở lên sôi động nhờ vốn FDI. Ảnh minh họa.

Hoạt động mua bán, sáp nhập dự án BĐS trở lên sôi động nhờ vốn FDI. Ảnh minh họa.

Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận: M&A đã trở thành hình thức đầu tư phổ biến tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Bất chấp sự khó lường của tình hình dịch bệnh COVID-19, giá trị và số lượng thương vụ M&A liên tục tăng trưởng, điều này đã chứng minh rằng Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng của năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm 2019 - trước dịch COVID-19. Mặc dù có phần chậm lại vào đầu năm 2022, nhưng nhiều thương vụ với giá trị lớn đã được triển khai nâng tổng giá trị các giao dịch M&A quý I/2022 cao hơn cả tổng giá trị từng năm 2019 - 2021.

Về phương diện pháp luật, những năm qua, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, việc hoàn thiện khung pháp lý luôn được ưu tiên, hàng loạt các dự luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh được sửa đổi, có hiệu lực đã tạo nên bước đệm vững chắc thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường M&A.

Với nhiều tác động tích cực từ môi trường, chính sách, các DN có nhiều điều kiện và nhiều lựa chọn hơn trong việc mở rộng các thương vụ đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, song hành với đó, DN cũng đối diện nhiều hơn với các thách thức, rủi ro về mặt đối tác, quản trị hợp đồng, quản trị tranh chấp.

Ông Châu Việt Bắc cũng cho biết, qua thực tiễn xét xử tại VIAC, các tranh chấp liên quan đến hoạt động M&A có dấu hiệu tăng, có sự tham gia đa dạng hơn của các chủ thể và diễn biến vụ việc cũng nảy sinh nhiều tình huống hơn. Điều này vô hình trung đặt ra cho các DN định, đang hoặc sẽ tiến hành các thương vụ M&A bài toán về việc làm sao để quản trị rủi ro, thiết lập một tiến trình giao dịch an toàn và phòng ngừa được các tranh chấp phát sinh.

Ông Lê Viết Anh Phong cũng đánh giá, các nhà đầu tư vẫn nhận thấy nhiều rào cản khi đầu tư theo hình thức M&A. Một trong những rào cản này đó là hành lang pháp lý còn nhiều điểm chưa thống nhất, còn chồng chéo. Vì vậy, để thu hút đa dạng hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, việc cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi tích cực hơn khung pháp lý là điều cần thiết và nên được ưu tiên trong giai đoạn này.

Thực tế cho thấy, những rủi ro trong các thương vụ M&A chủ yếu đó là về mặt pháp lý và tài chính, cụ thể: DN sẽ thổi phồng hóa giá trị ảnh hưởng đến quá trình định giá DN hay việc cấu trúc giao dịch M&A không phù hợp, không đầy đủ giấy tờ hợp pháp để tiến hành giao dịch…

"Đối với tranh chấp liên quan đến M&A thì phương thức trọng tài thường được lựa chọn thay cho Tòa án vì những ưu điểm mà trọng tài đem lại, đặc biệt là khi tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Qua thực tiễn xét xử tại VIAC, trong giai đoạn 2017 đến tháng 7/2022, tổng cộng có 39 vụ việc tranh chấp và chủ yếu phát sinh trong thời gian gần đây. Hầu hết các tranh chấp đều có yếu tố nước ngoài và trị giá dưới 10 triệu USD. Những vấn đề được giải quyết trong các giao dịch mua bán sáp nhập quốc tế gồm: vi phạm cam đoan và bảo đảm; cơ chế xác định, điều chỉnh giá; thanh toán thêm dựa vào hiệu quả kinh doanh; vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng của một bên; điều kiện tiên quyết; bồi hoàn và các vấn đề khác như tranh chấp cổ đông và lao động".

Luật sư Trương Nhật Quang - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH YKVN nhận định. Vì vậy, hợp đồng chính là "nguồn cơn" của mọi vấn đề phát sinh sau này. Do đó, việc xây dựng một hợp đồng đầy đủ, chi tiết và chặt chẽ là một trong những yếu tố tiên quyết để quyết định sự thành công của một thương vụ. Ở giai đoạn soạn thảo hợp đồng, DN được khuyến nghị cần phải tập trung vào một số điều khoản chính như điều khoản về giá, thanh toán; nhóm điều khoản phân chia rủi ro, các điều khoản về pháp lý, giải quyết tranh chấp…

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-luu-y-trong-hoat-dong-m-a-i661537/