Doanh nghiệp mạnh mẽ 'đối đầu' với các vụ kiệnDoanh nghiệp mạnh mẽ 'đối đầu' với các vụ kiện
Tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp giảm liên tục trong giai đoạn 2013-2016 biểu hiện sự thiếu tin tưởng vào hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, con số này đã thay đổi kể từ năm 2017 đến nay.
Báo cáo về môi trường kinh doanh (thực hiện Nghị quyết 02/2019) và góc nhìn từ doanh nghiệp về cải thiện môi trường kinh doanh (Nghị quyết 35/2016) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm 17-12 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ở cấp tỉnh đã được cải thiện so với năm 2017.
Đồng thời với việc công bố, VCCI đồng thời gửi đến Thủ tướng báo cáo một số kết quả chính tại báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) và nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 (về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) từ góc nhìn của các doanh nghiệp.
Báo cáo kể trên được thực hiện dựa trên kết quả các cuộc điều tra doanh nghiệp hàng năm của VCCI trên các lĩnh vực thuế, hải quan và môi trường kinh doanh. Hơn 10.000 doanh nghiệp đến từ tất cả các tỉnh thành trên cả nước đã tham gia trả lời phiếu khảo sát.
Về cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản, báo cáo cho biết, sau 5 năm giảm liên tục (từ 60% năm 2013 xuống 36% năm 2017) năm vừa qua, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ra tòa án khi có tranh chấp đã tăng trở lại, lên mức 45% vào năm 2018.
Với lĩnh vực thuế thì các thủ tục hành chính thuế có sự cải thiện, dễ thực hiện nhất là thủ tục nộp thuế, khó thực hiện nhất là thủ tục hoàn thuế và đề nghị miễn giảm thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử lên đến 98,4%. Mặc dù vậy, hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% doanh nghiệp cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh tra, kiểm tra thuế.
Nếu như năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ở tất cả các tỉnh đều dưới 50% thì đến năm 2018, đã có 14 tỉnh có tỷ lệ nói trên vượt 50%. Trong đó, tòa án các tỉnh được lựa chọn khởi kiện nhiều nhất là Lào Cai (60%), Trà Vinh (55%), Đắk Lắk (55%), Đồng Nai (54%), Quảng Trị (53%) và Sơn La (52%). Ở chiều ngược lại, các tỉnh thành có mức độ tin tưởng của doanh nghiệp vào hệ thống tòa án thấp là Kon Tum (35%), TPHCM (36%), Thái Bình (36%), An Giang (38%), Hải Phòng (38%) và Hà Nội (38%).
Điều đó cho thấy Hà Nội và TPHCM là hai địa phương có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp nằm trong nhóm thấp nhất.
Còn trước đó, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp giảm liên tục trong giai đoạn 2013-2016 và bắt đầu tăng trở lại trong 2 năm gần đây. Nó cho thấy những nỗ lực cải cách tư pháp trong vài năm qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Theo đánh giá của một số luật sư, kết quả này có thể được giải thích dựa trên 2 biện pháp cải cách quan trọng được tòa án thực hiện gần đây là công bố án lệ và công khai bản án. Các biện pháp này giúp giảm sự tùy tiện trong các phán quyết của hệ thống tòa án, từ đó khiến hệ thống tư pháp bớt rủi ro hơn
Các doanh nghiệp khi kinh doanh luôn phải giao kết hợp đồng với rất nhiều bên, gồm đối tác kinh doanh, người lao động, người cho thuê mặt bằng, khách hàng… Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ bên còn lại của hợp đồng không thực hiện các cam kết hoặc các nghĩa vụ trong hợp đồng, gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo đảm thực thi hợp đồng.
Nếu hệ thống tư pháp làm việc tốt, nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả thì hợp đồng được bảo đảm, môi trường kinh doanh trở nên an toàn, ít rủi ro. Ngược lại, nếu hệ thống tư pháp không bảo vệ được quyền hợp đồng thì sẽ khiến cho các bên luôn thường trực tâm lý sẵn sàng vi phạm hợp đồng bất kỳ lúc nào, môi trường kinh doanh từ đó trở nên rủi ro, bất định.
Nhận thức rõ điều này, các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh trên thế giới luôn dành một mục quan trọng để đánh giá về tốc độ, tính hiệu quả, chi phí và mức độ tin cậy của hệ thống tư pháp khi giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại. VCCI cũng thường xuyên tiến hành theo dõi cảm nhận của các doanh nghiệp đối với hệ thống tư pháp.
Về kiểm soát tham nhũng, các đánh giá của doanh nghiệp về mức độ phổ biến và giá trị của chi phí không chính thức đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hiện tượng tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính vẫn không giảm.
Vẫn theo báo cáo, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận khi tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm từ 58% xuống 48% và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm từ 42% xuống 34%. Song, việc cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại phụ lục IV Luật Đầu tư và các điều kiện kinh doanh nằm ở cấp luật cần tiếp tục được thực hiện.
Đề nghị bỏ lệ phí môn bài cho doanh nghiệp
Hiện các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH phải nộp lệ phí môn bài căn cứ trên số vốn kinh doanh và giấy phép đầu tư. Tùy theo quy mô vốn của doanh nghiệp mà số tiền lệ phí được quy định cụ thể. Ví dụ như doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 10 tỉ đồng thì mỗi năm phải nộp 3 triệu đồng lệ phí mục này.
Việc phải nộp lệ phí môn bài sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp được đánh giá là một trong những thủ tục khiến chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam trong Báo cáo cải thiện môi trường kinh doanh của VCCI (Doing Business) bị giảm điểm.
Lan Nhi