Doanh nghiệp may xuất khẩu nỗ lực tăng tốc

Thời gian gần đây, thị trường xuất khẩu hàng may mặc tiếp tục phục hồi nhanh hơn, nhờ đó nhiều doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xác lập được các đơn hàng đến hết quý III/2024, thậm chí là cả năm.

May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT - Chi nhánh Đại Từ. Ảnh: V.V

May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT - Chi nhánh Đại Từ. Ảnh: V.V

Từ nhiều tháng qua, hoạt động sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (trụ sở chính tại huyện Phú Bình) diễn ra rất nhộn nhịp. Đến nay, đơn vị đã xác lập đủ đơn hàng đến hết năm 2024. Theo đại diện DN, các đơn hàng chủ yếu là xuất khẩu sang các nước Mỹ, Hàn Quốc, Canađa... và tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực giúp DN từng bước vượt khó, sớm hoàn thành kế hoạch cả năm.

Để đáp ứng đủ số lượng đơn hàng và đúng tiến độ, hiện nay, 2/2 nhà máy của TDT tại đặt huyện Phú Bình và Đại Từ đang hoạt động từ 85-90% công suất thiết kế; đơn vị cũng tuyển mới thêm 200 người lao động.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP May Thành Hưng... cũng đã ký được các đơn hàng đến hết quý III, IV/2024. Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty CP May Thành Hưng, phấn khởi nói: So với cùng kỳ năm trước, đơn hàng may xuất khẩu tăng trưởng từ 20-30%, giá trị đơn hàng cũng tăng từ 5-10%. Hiện tại, chúng tôi đã đầu tư thêm một số chuyền may và các thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu sản xuất, phấn đấu doanh thu năm 2024 (tương ứng 4,5 triệu USD) về đích sớm so với kế hoạch.

Theo ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, sản lượng may toàn tỉnh ước đạt 48,9 triệu sản phẩm, tăng 21% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu may đang trên đà phục hồi và có sự khởi sắc. Cụ thể tại các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, châu Âu... đang tích cực kiềm chế lạm phát.

Các kho hàng tồn dư của các nhãn hàng thời trang vì thế cũng đã giảm, khiến sức mua tăng lên. Ngoài ra, các DN may của Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên, cũng đang nhận được sự dịch chuyển đơn hàng từ phía các quốc gia khác do tỷ giá Việt Nam đồng (VND) giảm 5% so với đồng đô la Mỹ (USD) kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD...

Nắm bắt cơ hội, các DN may đã nỗ lực, tập trung tái cơ cấu thị trường. Cùng với việc duy trì các thị trường truyền thống (như Mỹ, châu Âu), nhiều DN đã mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc và một số nước châu Á. Một số DN may đã bắt đầu tái cấu trúc và đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu nhà mua hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh; chuyển đổi phương thức gia công sang các phương thức khác. Điển hình như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, cho hay: Hiện nay, TNG đã thực hiện minh bạch toàn bộ thông tin Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) theo tiêu chuẩn Sáng kiến báo cáo toàn cầu và hiện đáp ứng 17 mục tiêu phát triển bền vững. Toàn bộ nhà máy cho đến văn phòng của dệt may TNG đều đang hướng đến các tiêu chuẩn xanh như LOTUS hay LEED.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã đầu tư nhiều loại máy móc, thiết bị tự động nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đã đầu tư nhiều loại máy móc, thiết bị tự động nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.

Ban lãnh đạo Dệt may TNG cho biết, năm nay Công ty tiếp tục đẩy mạnh triển khai lộ trình hướng đến mục tiêu 100% không phát thải carbon và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo. Đơn hàng đã được lấp đầy cho đến cuối năm nay. Trong đó, lượng đơn hàng FOB từ các khách hàng truyền thống như Decathlon, Asmara, TCP hay Columbia đều hồi phục mạnh trong bối cảnh hàng tồn kho tại Mỹ đã giảm dần...

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo các chuyên gia, DN may hiện vẫn đối diện một số khó khăn, thách thức. Đó là đơn hàng dệt may đã phục hồi nhưng đơn giá gia công còn rất thấp, dung lượng đơn hàng nhỏ nhưng yêu cầu về thời gian giao hàng bị rút ngắn. Những chi phí về nguyên phụ liệu, logistics vẫn còn quá cao trong bối cảnh Việt Nam dần mất đi lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ.

Hơn nữa, phần lớn thị trường xuất khẩu hiện nay đều kiểm soát chặt chuỗi cung ứng từ nguồn lao động cho đến tác động môi trường. Những đòi hỏi khắt khe từ nguồn gốc nguyên phụ liệu, đáp ứng chứng chỉ xanh đối với nhà máy, sản phẩm có sử dụng sợi tái chế để đảm bảo chuẩn về kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững toàn cầu, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA thế hệ mới cùng cam kết mạnh mẽ về NetZero, dệt may đứng trước áp lực giảm khí thải nguy hại trong quá trình sản xuất; cải thiện về nguồn lao động và môi trường, nguyên phụ liệu, tiết kiệm năng lượng và xanh hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng...

Trước bối cảnh nói trên, các chuyên gia khuyến nghị DN may chú trọng và đề cao việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của chính mình, thay thế cho sản phẩm xuất khẩu vẫn phải mang tên của các thương hiệu lớn khác trên thế giới; chú trọng tới chuyển đổi số, hướng đến sản xuất thông minh; tận dụng các lợi thế chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt và cơ hội từ FTA mang lại...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202406/doanh-nghiep-may-xuat-khau-no-luc-tang-toc-50515f7/