Doanh nghiệp mía đường đang phát 'sốt' với ATIGA
Thời điểm thực hiện Điều 20 Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) đang tính từng ngày ...
Các doanh nghiệp mía đường trong nước đang lo mất thị trường nội địa vì thời điểm ngày 1/1/2020 đang đến rất gần. Đó là thời điểm mặt hàng đường từ các nước ASEAN tự do đi vào thị trường Việt Nam với mức thuế chỉ từ 0 - 5%.
Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của ngành mía đường, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực Điều 20 tại Hiệp định ATIGA 2 năm để các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian thích ứng.
Sau khi được Chính phủ đồng ý, Bộ Công Thương đã gửi thông báo tới các đối tác ASEAN về việc tạm đình chỉ thực hiện Điều 20 tại Hiệp định ATIGA đến hết năm 2019 đối với mặt hàng đường. Đồng thời khẳng định, cam kết Việt Nam sẽ chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập đường từ các nước ASEAN theo cam kết khi tham gia ATIGA kể từ ngày 1/1/2020.
Ngay sau đó, ngày 20/2/2019, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 1034/BCT-XNK, đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông báo rộng rãi tới các doanh nghiệp thành viên, cũng như người nông dân trồng mía về thời hạn chính thức thực thi cam kết này kể từ ngày 1/1/2020, để các bên liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Tuy nhiên, đến nay, khi thời điểm các cam kết trong ATIGA liên quan đến ngành mía đường chính thức có hiệu lực chỉ còn tính từng ngày nhưng dường như các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước vẫn còn thụ động, không có kế hoạch cụ thể để thích ứng với những thay đổi thị trường từ các cam kết trong ATIGA.
Vừa qua, một số doanh nghiệp ngành mía đường đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội áp thuế giá trị gia tăng 0% đối với sản phẩm đường trong nước, dừng đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019… Theo Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước mong muốn Chính phủ kéo dài thêm thời gian bảo hộ...
Cụ thể, đại diện một số doanh nghiệp mía đường cho rằng, hiện giá đường trên thế giới đang rẻ một cách bất thường mà nguyên nhân là do sự thao túng, trợ cấp, thậm chí phá giá đường để hỗ trợ xuất khẩu của các nước xuất khẩu đường. Các quốc gia sản xuất đường luôn tìm cách kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm giá đường ổn định, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng trong sự cân đối với lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp trước đường nhập khẩu giá rẻ.
Trong khi đó, ATIGA chỉ là một Hiệp định cam kết chung giữa các nước ASEAN do đó việc thực thi các cam kết của ATIGA sẽ không làm chính sách của các nước sản xuất, xuất khẩu đường của ASEAN thay đổi nhiều.
Điển hình như các nước Thái Lan, Philippines và Indonesia. Mặc dù các nước này luôn tự cho mình đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2015 nhưng trong thực tế các nước này vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại phi thuế qua để bảo vệ ngành mía đường trong nước. Như Thái Lan đang áp dụng biện pháp hỗ trợ ngành mía đường trong nước bằng việc sử dụng một phần lợi nhuận bán đường giá cao trong nước làm nguồn trợ cấp để xuất khẩu đường ra nước ngoài.
Cả ba nước Thái Lan, Philippines và Indonesia vẫn cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu đường từ nước ngoài vào nhưng lượng đường nhập khẩu này sẽ phải nằm chờ tại kho dự trữ mà không được bán vào thị trường nội địa nếu như chưa được sự chấp thuận của cơ quan thẩm quyền. Theo đó, lượng đường nhập khẩu chỉ được tiêu thụ tại thị trường nội địa khi nhu cầu tiêu thụ đường trong nước bị thiếu hụt và đặc biệt chỉ trong giai đoạn trái vụ thu hoạch, sản xuất.
Như vậy, cánh cửa nhập khẩu đường theo Hiệp định ATIGA của Thái Lan, Philippines và Indonesia vẫn rộng mở nhưng cánh cửa tiêu thụ trong nước bị đóng lại. Với quy định tạo "hạn ngạch tiêu thụ nội địa" các nước này sẽ không vi phạm Hiệp định ATIGA nhưng các doanh nghiệp sẽ không nhập khẩu để rồi cất hàng trong kho.
Từ những phân tích trên, nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước kiến nghị Chính phủ nên cân nhắc những biện pháp phi thuế quan tương tự như Thái Lan, Philippines và Indonesia đã làm để bảo vệ ngành mía đường trong nước. Nếu không có biện pháp bảo vệ ngành mía đường trong nước mà Việt Nam vẫn thực hiện bỏ hạn ngạch thuế quan và áp dụng mức thuế suất từ 0 đến 5% đối với mặt hàng đường theo cam kết ATIGA thì các doanh nghiệp mía đường trong nước chắc chắn phải đóng cửa.
Theo quan điểm của Bộ Công Thương, đây là những kiến nghị rất khó thực hiện theo các cam kết hội nhập quốc tế. Năm 2018, khi Việt Nam thông báo cho ASEAN về việc lùi thời hạn mở cửa thị trường mía đường đến ngày 1/1/2020 thì các nước phản ứng rất mạnh mẽ nên lần này không thể trì hoãn thêm được nữa.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, việc các nước như Thái Lan, Philippines và Indonesia áp dụng chính sách bảo hộ ngành mía đường trong nước như thế nào cơ quan quản lý Nhà nước đều nắm được. Chính phủ Việt Nam sẽ có cơ chế áp thuế phòng vệ thương mại cũng như các công cụ pháp lý nếu các sản phẩm nhập khẩu có dấu hiệu gây ảnh hưởng tiêu cực cho sản xuất trong nước.
Cụ thể, sau khi mở cửa thị trường, các mặt hàng đường nhập khẩu nhập vào Việt Nam mà gây ra đe dọa nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước và lợi ích của người dân trong nước thì Việt Nam hoàn toàn có quyền áp dụng cơ chế phòng vệ là áp thuế tự vệ cho các sản phẩm nhập khẩu để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.