Doanh nghiệp mong sớm rõ định hướng giải pháp
Tại cuộc họp về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 20.3, đại diện doanh nghiệp đồng tình với việc Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu và khuyến nghị cần sớm có định hướng giải pháp để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Lợi thế cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng
Theo dự kiến, từ đầu năm tới, nhiều nước sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%. Đối tượng áp dụng là các công ty đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn diện hàng năm từ 750 triệu euro (khoảng 870 triệu USD) trong ít nhất 2 năm trong giai đoạn 4 năm liền kề trước thời điểm thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ rõ, thời gian qua, Việt Nam sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực, với thuế suất chỉ từ 10%, 15% và 17% tùy lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư; riêng thuế suất ưu đãi đặc biệt chỉ ở mức 5%, 7% và 9%. Khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không còn đem lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư. Do vậy, Việt Nam cần nghiên cứu và tìm giải pháp khác để bù đắp.
Theo ông Sử, có 2 khu vực chịu tác động chính của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, gồm doanh nghiệp hiện hữu và doanh nghiệp dự định đầu tư vào Việt Nam. Với doanh nghiệp hiện hữu, cần tìm giải pháp để giảm tác động bất lợi.
“Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam cần giải ngân vốn FDI mỗi năm trên 20 tỷ USD để bảo đảm tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%; giai đoạn 2026 - 2030 cần 25 - 30 tỷ USD. Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp tới quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nếu không bảo đảm yếu tố bất hồi tố và ổn định chính sách thì việc Việt Nam kỳ công trong chính sách thu hút FDI trong hơn 30 năm qua sẽ lung lay. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ giảm ngay tính cạnh tranh trong thu hút FDI, và mục tiêu thu hút mới 35 - 40 tỷ USD/năm sẽ bị tác động”, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhìn nhận.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Tổng Giám đốc Canon Việt Nam cho biết, Canon thuộc đối tượng bị áp thuế tối thiểu toàn cầu. Hiện tập đoàn có 130 nhà cung cấp đang hoạt động tại Việt Nam. Nếu áp thuế này, tập đoàn sẽ cân nhắc đầu tư cũng như giao sản lượng sản xuất đối với quốc gia có chi phí, lợi ích đầu tư cao hơn. Trong trường hợp Việt Nam không có chính sách đủ hấp dẫn, tập đoàn giảm đầu tư và chuyển bớt sản lượng sản xuất sang nước khác cũng sẽ khiến 130 doanh nghiệp này bị ảnh hưởng.
Xây dựng chính sách hài hòa lợi ích
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp đồng tình với việc Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu, song cần nghiên cứu để có chính sách hạn chế tối thiểu tác động. “Dù đóng thuế ở Việt Nam hay đóng thuế nơi doanh nghiệp đa quốc gia đặt trụ sở chính thì tổng chi phí thuế là không thay đổi. Do đó, việc nộp thuế ở Việt Nam là điều bình thường vì các tập đoàn sản xuất và kinh doanh tại đây. Song, điều các doanh nghiệp rất quan tâm là chính sách của Việt Nam sẽ thế nào?”, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) phát biểu.
Ông Minh đề xuất, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần tính toán các chính sách để thu hút đầu tư, tạo sự cạnh tranh trong khu vực, trong đó cần xem xét ưu tiên cho đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng năng lượng tái tạo; nghiên cứu chính sách hỗ trợ về tín dụng… Cũng theo ông Minh, thuế suất ưu đãi trên danh nghĩa ở Việt Nam là 5 - 10%, song thuế suất thực mà doanh nghiệp phải nộp có khi còn cao hơn vì ở Việt Nam có nhiều chi phí không được khấu trừ. Vì thế, chính sách thuế tới đây cần rõ ràng, minh bạch hơn, kể cả trong việc thu, thanh kiểm tra.
Chia sẻ với ý kiến trên, đại diện Tập đoàn Foxconn Việt Nam cho biết đang có ý định mở rộng đầu tư ở Việt Nam nhưng “rất lo lắng” khi chưa rõ giải pháp của Chính phủ Việt Nam, nhất là trong việc không hồi tố. Do đó, doanh nghiệp rất mong sớm có giải pháp định hướng để chuẩn bị cho các kế hoạch đầu tư. “Chúng tôi chấp nhận thuế 15% thay vì 10% nhưng cần bảo đảm cho doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam yên tâm với kế hoạch tiếp tục mở rộng”, doanh nghiệp đề xuất.
Ông Kim Jin Seong, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung tại Việt Nam đề xuất, Việt Nam cần xem xép áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn để giữ quyền đánh thuế với các doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam; dựa trên thuế suất bổ sung Việt Nam thu được thêm, cần có cơ chế để hỗ trợ đầu tư mới để tăng năng lực cạnh tranh thu hút FDI tại Việt Nam. Đây sẽ là giải pháp bảo đảm lợi ích cho cả Chính phủ và doanh nghiệp.
Còn theo ông Yasuhisa Taninaka, Trưởng ban Thuế, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), khi một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ nhìn tổng chi phí thuế mà họ phải chi trả, chứ không phải chỉ riêng thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì thế, Việt Nam cần nghiên cứu nới lỏng quy định về thuế suất lũy tiến thuế thu nhập cá nhân. Thuế này tại Việt Nam đang khá cao so với các quốc gia khác. Nếu giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ bù trừ cho thuế tối thiểu toàn cầu mà doanh nghiệp phải nộp thêm.
Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp đề xuất, Việt Nam cần cân nhắc cơ chế hỗ trợ bổ sung cho lĩnh vực, ngành nghề đặc thù, năng lượng tái tạo, công nghệ cao... Cùng với đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng tình với việc phải giành quyền đánh thuế của Việt Nam, từ đó có chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ doanh nghiệp. Nhấn mạnh thời gian thực hiện đã rất gần, Thứ trưởng cho biết Chính phủ sẽ xem xét, nghiên cứu điều chỉnh chính sách ưu đãi thu hút đầu tư để tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu, ít tác động nhất tới các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.