Doanh nghiệp muốn kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất sau dịch COVID-19

Chiều 30/6, tại thành phố Nha Trang đã diễn ra Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó do dịch COVID-19 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức.

Quang cảnh hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID – 19. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Quang cảnh hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID – 19. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và đại diện các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Vốn chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 trong thời gian qua, nhiều đại biểu đã bày tỏ nhiều kiến nghị với ban tổ chức về những chính sách, hỗ trợ cho doanh nghiệp về các hoạt động tín dụng; trong đó, đặc biệt là chính sách kéo dài thời gian giảm lãi suất vay, tiếp tục giãn nợ hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay thêm vốn nhằm mục đích khôi phục sản xuất sau dịch.
Bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh, nhận định, ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt đến nay các chuyến bay quốc tế vẫn chưa được nối lại nên hầu như doanh thu của công ty là con số 0.

Do đó, bà xin kiến nghị ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất vay từ nay cho đến hết năm 2021 để công ty bù đắp vào chi phí vận hành trong thời gian chờ ngành hàng không hồi phục hoàn toàn.
Tương tự, ông Vũ Văn Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho rằng, hiện nay công suất phòng của hầu hết khách sạn chỉ ở mức từ 5-10% trong khi giá phòng cũng giảm đi một nửa nên doanh thu của các đơn vị hoạt động du lịch không đủ bù đắp chi phí. Do đó ông kiến nghị ngân hàng nhà nước giãn nợ gốc và nợ lãi tối thiểu đến hết tháng 6 năm 2021 để doanh nghiệp kịp hồi phục.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Khánh Hòa, do tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến 7.099 khách hàng vay vốn (1.262 doanh nghiệp, 5.837 cá nhân) trên địa bàn. Dư nợ bị ảnh hưởng là 27.681 tỷ đồng, chiếm 30,41% dư nợ vay toàn tỉnh. Một số ngành bị ảnh hưởng nặng, có số dư nợ bị ảnh hưởng cao như ngành du lịch trên 8.200 tỷ đồng; ngành tiêu dùng, kinh doanh thương mại trên 7.100 tỷ đồng; ngành nông nghiệp gần 3.500 tỷ đồng.
Nhằm hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do dịch, tính đến 20/6, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho 987 khách hàng với dư nợ 4.184,5 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi cho 111 khách hàng với dư nợ 509,75 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn giảm là 1,62 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện giải pháp giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho 11.844 lượt khách hàng với dư nợ 16.531 tỷ đồng, số tiền lãi khách hàng được giảm là 67,75 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đối với việc giảm lãi suất, ngay từ khi xảy ra dịch COVID-19 Ngân hàng nhà nước đã có Thông tư cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, lãi của các khoản nợ cũ cũng được chỉ đạo giảm và cân đối nguồn tài chính của từng đơn vị theo mức từ 0,5 – 1%/năm, tuy nhiên phải tùy tình hình tài chính của từng ngân hàng để hỗ trợ thêm cho khách hàng./.

Nguyễn Dũng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-muon-keo-dai-thoi-gian-ho-tro-lai-suat-sau-dich-covid-19/161287.html