Doanh nghiệp muốn trì hoãn, công nhân mong tăng 8% lương tối thiểu vùng
Tại phiên họp đầu tiên về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 vừa diễn ra có 2 luồng ý kiến trái chiều. Trong khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 6% lương tối thiểu vùng thì VCCI cho rằng nhiều doanh nghiệp không còn tăng ca và đang gồng mình duy trì việc làm cho lao động.
Sáng nay (9/8), phiên họp đầu tiên về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn trong bối cảnh kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động thất nghiệp, bị mất việc làm, CPI sáu tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát tăng 4,74%.
Kết quả sát về đời sống, thu nhập của người lao động (NLĐ) cuối năm 2022 do Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN) thực hiện với hơn 6.200 công nhân tham gia, cho thấy sự sụt giảm đáng kể số giờ làm việc của NLĐ trong khu công nghiệp. Theo đó, thời gian làm việc bình thường của NLĐ giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn 7,25 giờ/ngày và không làm thêm giờ. Số giờ làm việc giảm đồng nghĩa với mức thu nhập cũng giảm, chỉ còn 5,9 triệu đồng/người/tháng.
Tổng thu nhập gồm lương và phụ cấp lương khoảng 8,74 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu cho cuộc sống là 10,3 triệu đồng/tháng. Tức là mức thu nhập chỉ bằng 84% của mức chi tiêu, không đủ sống. Khó khăn về việc làm, thu nhập khiến 18% NLĐ đã từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần.
Khảo sát cũng cho thấy có 42% NLĐ không có nhà; 54% không có đất ở; đặc biệt có đến 59% NLĐ không có tích lũy một đồng nào; 11,7% có tích lũy nhưng chỉ duy trì được dưới 1 tháng; 16,7% có tích lũy, duy trì từ 1 - 3 tháng; chỉ 12,7% có tích lũy, có thể cầm cự trên 3 tháng. Điều này phản ánh rằng đời sống của NLĐ cực kỳ khó khăn.
Để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2024, thời gian qua, Tổng LĐLĐ VN cũng đã khảo sát về đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết: "Đại đa số NLĐ muốn được tăng LTT vào đầu năm sau vì đời sống thực tế đang có rất nhiều khó khăn".
Tổng LĐLĐ VN, thành viên tham gia đàm phán, cho biết các bên chưa thống nhất được mức lẫn thời điểm tăng, song bỏ phiếu đồng ý dời phiên họp tiếp theo vào cuối năm.
Trong phiên đàm phán hôm nay, phía công đoàn đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng giai đoạn này tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc mới là cấp thiết. Nhiều doanh nghiệp không còn tăng ca và đang gồng mình duy trì việc làm cho lao động.
"Chúng tôi đồng ý tăng lương là cần thiết nhưng điều chỉnh ngay lúc này thì không thể", ông nói, thêm rằng cần tiếp tục thương thảo trong thời gian tới, chưa thể chốt ngay trong phiên đầu.
Theo thông lệ, mỗi kỳ họp hội đồng diễn ra 2-3 phiên. Phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai khi các bên tìm được tiếng nói chung.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với trước đó. Cụ thể, lương tối thiểu vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng.