Doanh nghiệp Mỹ xoay xở trước bão thuế quan

Trước áp lực từ các chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, doanh nghiệp Mỹ đang tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất và tránh tăng giá bán. Từ đồ chơi không hộp đến sản phẩm không kèm pin, hàng loạt biện pháp cắt giảm đang được áp dụng nhằm không làm túi tiền của người tiêu dùng Mỹ vốn đã 'eo hẹp' vì lạm phát càng thêm 'mỏng' đi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

So với nhiệm kỳ đầu, các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump trong giai đoạn này trở nên khó lường hơn do môi trường kinh tế biến động. Người tiêu dùng Mỹ, sau nhiều năm chịu đựng lạm phát cao, ngày càng thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, doanh nghiệp buộc phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao. Nếu chuyển toàn bộ gánh nặng này sang khách hàng, họ có nguy cơ mất doanh số. Chính vì vậy, nhiều công ty đang lựa chọn chiến lược tinh giản sản phẩm hoặc tìm kiếm nguồn cung rẻ hơn để giảm áp lực tài chính.

Hiện tại, Mỹ đã áp thuế 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với mức thuế 25% đối với thép, nhôm và ô tô. Sắp tới, chính quyền của Tổng thống Trump dự kiến công bố thêm các mức thuế đối ứng, áp dụng theo mức thuế mà các quốc gia khác đang đánh lên hàng xuất khẩu của Mỹ. Các doanh nghiệp cũng lo lắng về đợt thuế mới sắp áp lên hàng hóa từ Canada và Mexico, đặc biệt là các mặt hàng quan trọng như đồng, gỗ xẻ và dược phẩm.

Bà Kimberly Kirkendall - Chủ tịch công ty tư vấn chuỗi cung ứng International Resource Development - cho rằng doanh nghiệp Mỹ không nên vội vã rời Trung Quốc vì tình hình hiện tại vẫn quá bất ổn. Thay vào đó, họ nên tập trung vào các biện pháp cắt giảm chi phí ngắn hạn bằng cách rà soát kỹ từng sản phẩm để tìm ra phương án tiết kiệm.

Không chỉ các tập đoàn lớn, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ cũng đang chịu ảnh hưởng. Bà Sasha Iglehart - người sáng lập công ty thời trang Shirt Story - lo ngại rằng nếu bị đánh thuế khi nhập cúc áo từ Áo, bà sẽ phải tìm kiếm nhà cung cấp nội địa để thay thế.

Một trong những biện pháp phổ biến nhất hiện nay là thay đổi nguyên vật liệu hoặc tinh giản sản phẩm. Công ty đồ chơi Abacus Brands Inc. - chuyên sản xuất bộ đồ chơi giáo dục - dự kiến sẽ tiết kiệm được 10 USD giá bán lẻ bằng cách sử dụng giấy mỏng hơn cho sách hướng dẫn đi kèm trong bộ đồ chơi khoa học.

Tương tự, công ty đồ chơi Aurora World Inc. đang xem xét giảm số lượng màu sơn trên sản phẩm để tiết kiệm chi phí lao động và nguyên vật liệu. Ông Gabe Higa - CEO mảng đồ chơi của Aurora World - cho biết: "Những chi tiết này không mang lại nhiều giá trị nên có thể loại bỏ dễ dàng". Dù vậy, ông Higa cũng thừa nhận rằng công ty có thể vẫn phải tăng giá nếu thuế quan kéo dài.

Một số doanh nghiệp đang thử nghiệm các giải pháp bao bì mới để vừa tiết kiệm chi phí vừa đánh vào tâm lý khách hàng ưa chuộng sản phẩm thân thiện môi trường. Ông Jay Foreman - CEO công ty đồ chơi Basic Fun - cho biết doanh nghiệp này đang yêu cầu các nhà bán lẻ lựa chọn giữa ba phương án đóng gói: Bao bì truyền thống với hộp giấy mặt kính trong suốt hay bao bì tối giản, chỉ gồm khay đỡ sản phẩm hoặc không bao bì, chỉ kèm nhãn giấy đơn giản. Lựa chọn thứ hai giúp công ty tiết kiệm 1,25 USD mỗi sản phẩm, trong khi phương án không bao bì có thể tiết kiệm tới 1,75 USD. Tuy nhiên, ông Foreman thừa nhận rằng cả hai phương án đều làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm và khó có thể bù đắp hoàn toàn chi phí thuế quan.

Công ty Abacus Brands cũng đang xem xét thay thế khay nhựa đỡ sản phẩm bằng khay bìa cứng, giúp giảm chi phí từ 30 xu xuống còn 7 xu mỗi đơn vị. Ông Rad nhấn mạnh: "Những thay đổi này không ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng nhưng giúp chúng tôi tiết kiệm đáng kể chi phí".

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang thiết kế lại sản phẩm theo hướng đòi hỏi khách hàng tự hoàn thiện tại nhà để giảm chi phí vận chuyển. Ví dụ, công ty sản xuất chậu cây tự tưới Kirkendall đã thay đổi mẫu mã sản phẩm theo hướng cung cấp các bộ phận rời, thay vì lắp ráp sẵn như trước. Một số nhà bán lẻ quà cưới cũng đang loại bỏ các phụ kiện không cần thiết như hộp quà trang trí hay pin kèm theo sản phẩm.

Giảm kích thước sản phẩm nhưng giữ nguyên giá bán - hay còn gọi là "shrinkflation" - là một chiến thuật phổ biến trong giai đoạn 2021-2024 khi chi phí nguyên liệu và vận chuyển tăng cao. Theo ông Edgar Dworsky - nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - tình trạng này có thể tái diễn do ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu. Ví dụ, thuế suất mới đối với gỗ xẻ nhập khẩu từ Canada có thể khiến các cuộn giấy vệ sinh nhỏ hơn nhưng giá bán vẫn không thay đổi.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/doanh-nghiep-my-xoay-xo-truoc-bao-thue-quan-20250402133409715.htm