Bỏ phố về quê, vợ chồng 9X khởi nghiệp từ tiệm bánh nhỏ

Vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn - chị Võ Thị Thúy An (phường 1, TP.Tân An) pha chế nước cho khách

Vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn - chị Võ Thị Thúy An (phường 1, TP.Tân An) pha chế nước cho khách

Sau hơn 10 năm gắn bó với TP.HCM, vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1995) và chị Võ Thị Thúy An (SN 1996), ngụ phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An, quyết định từ bỏ cuộc sống nơi đô thị phồn hoa để về quê khởi nghiệp. Hành trình của họ không chỉ là câu chuyện về một tiệm bánh nhỏ mà còn là bài học về sự quyết tâm và lòng đam mê.

Trước khi quyết định trở về TP.Tân An, vợ chồng anh Tuấn từng làm nhiều công việc tại TP.HCM, từ kinh doanh dịch vụ nhà trọ đến buôn bán, decor (trang trí, thiết kế),... Tuy nhiên, cuộc sống đắt đỏ, nhộn nhịp và áp lực khiến họ không còn “mặn mà” với phố thị. Anh chị chọn trở về quê hương để bắt đầu lại từ đầu với số vốn 70 triệu đồng.

“Chúng tôi tìm mặt bằng, trang trí cửa tiệm, mua nguyên liệu và bắt đầu hành trình mới với nghề làm và kinh doanh bánh ngọt, nước uống. Trước đây, vợ chồng tôi chưa từng có ý định khởi nghiệp với lĩnh vực này nhưng nhờ có người thân làm nghề, chúng tôi bắt đầu học hỏi và dần đam mê với nó” - anh Tuấn chia sẻ.

Tiệm bánh của vợ chồng anh Tuấn nằm trên một góc nhỏ của đường Thủ Khoa Huân, phường 1, TP.Tân An. Hiện tiệm cung cấp hơn 8 loại bánh khác nhau, từ bánh mì ngọt, bông lan, bánh kem, cookie đến hạt điều phô mai,... Bên cạnh đó, quán còn phục vụ nhiều loại nước uống, trong đó nổi bật là món Matcha Latte được nhiều khách hàng yêu thích.

“Để làm ra một mẻ bánh ngon, chúng tôi trải qua nhiều lần thất bại, có khi 4-5 mẻ liên tiếp bị hỏng. Sau 2 tháng khởi nghiệp, tôi đã tăng 3kg chỉ vì ăn bánh thừa, bánh hư” - chị An cười chia sẻ.

Mẻ hạt điều phô mai hấp dẫn

Mẻ hạt điều phô mai hấp dẫn

Một trong những sản phẩm đặc trưng của quán là bánh cookie. Để có được hương vị thơm ngon và độ giòn hoàn hảo, chị An đã chọn nguyên liệu socola nguyên chất dù giá cao hơn so với loại thông thường. Ngoài ra, các nguyên liệu khác như sữa đều được nhập trực tiếp từ trang trại bò sữa và chế biến thủ công để bảo đảm chất lượng. Bên cạnh các loại bánh truyền thống, tiệm còn sản xuất bánh dành cho người tiểu đường, hướng đến sự đa dạng và bảo đảm sức khỏe cho thực khách.

Đối tượng khách hàng chủ yếu của quán là học sinh, các bạn trẻ. Nhờ chất lượng sản phẩm và dịch vụ tận tâm, khoảng 70% khách hàng quay lại. Nhiều người sau khi thưởng thức đã giới thiệu bạn bè đến trải nghiệm.

Tuy nhiên, theo anh Tuấn, thị trường đồ ăn vặt tại Tân An khá hẹp nhưng mức độ cạnh tranh lại cao. “Khởi nghiệp không khó, cái khó là bản thân phải thay đổi tư duy. Nếu kiên trì và quyết tâm, chắc chắn sẽ có lượng khách hàng ổn định” - anh Tuấn nhấn mạnh.

Những mẫu bánh trưng bày tại cửa hàng

Những mẫu bánh trưng bày tại cửa hàng

Chị An cũng cho rằng, rào cản lớn nhất với nhiều người trẻ khi khởi nghiệp không phải là vốn hay kinh nghiệm mà là nỗi sợ dư luận. “Nhiều bạn trẻ e dè, sợ bị đánh giá, phán xét. Nhưng quan trọng nhất là bản thân mình biết mình đang làm gì. Khi còn trẻ, hãy cứ thử, nếu không sau này sẽ hối tiếc” - chị An bộc bạch.

Sau 3 tháng khởi nghiệp, dù còn nhiều khó khăn, vợ chồng anh Tuấn đã có lượng khách ổn định và thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Ban đầu, có những ngày doanh thu chỉ đạt hơn 100.000 đồng nhưng nhờ sự kiên trì và cải thiện chất lượng, tình hình kinh doanh dần tốt lên.

Thời gian tới, vợ chồng anh dự định mở rộng mô hình kinh doanh bằng cách bỏ mối cho các quán cà phê, điểm bán lẻ và đẩy mạnh kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử. “Chỉ cần làm tốt công việc mình theo đuổi, mọi thứ rồi sẽ tốt lên” - anh Tuấn lạc quan nói.

Câu chuyện của vợ chồng 9X này không chỉ là hành trình khởi nghiệp mà còn truyền cảm hứng cho những ai đang ấp ủ ước mơ “bỏ phố về quê” để tìm kiếm một hướng đi mới cho bản thân./.

K.Thoa

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bo-pho-ve-que-vo-chong-9x-khoi-nghiep-tu-tiem-banh-nho-a192811.html