Doanh nghiệp nào quản trị tốt, bảng cân đối kế toán tốt thì thu hút vốn tốt
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho biết nhiều doanh nghiệp Việt Nam bộc lộ rõ điểm yếu về quản trị công ty, về minh bạch, về bảo vệ quyền lợi cổ đông… khi đàm phán M&A.
Các nhà đầu tư đang theo dõi động thái của Fed
Đây là nhận định của ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia tại Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 năm 2023 diễn ra chiều 28/11 tại TP.HCM trong phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề "Sức bật mới cho thị trường M&A". Ông Warrick Cleine cho biết, đang có 2 lĩnh vực về M&A tại Việt Nam mà các nhà đầu tư đang rất quan tâm.
Một là, đầu tư vào sản xuất để xuất khẩu. Hai là, đầu tư vào các ngành công nghệ hỗ trợ để giúp Việt Nam xuất khẩu.
"Đang có sự dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nhà đầu tư đều có niềm tin vào thị trường tiêu dùng tại Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đang là điểm đến cực kỳ thu hút", ông Warrick Cleine nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng nói triển vọng dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam thông qua kênh M&A thời gian tới cũng như câu chuyện huy động vốn quốc tế phụ thuộc vào động thái tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Các nhà đầu tư đều đang theo dõi động thái của Fed, nếu lãi suất đồng USD tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc định giá trong M&A. Nếu lãi suất giảm niềm tin vào sự tăng trưởng kinh tế sẽ tăng cao, khi đó sẽ gia tăng cơ hội M&A tại Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về triển vọng M&A trong những năm tới, ông Warrick Cleine cho rằng, trong 15 năm qua, số lượng các thương vụ M&A đã tăng lên đáng kể. Trong những năm tiếp theo M&A sẽ tiếp tục tăng lên và đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Việt Nam.
“Khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, nhà đầu tư Hoa Kỳ đang trong tâm thế dịch chuyển đến Việt Nam, khi đó sẽ thúc đẩy sự gia tăng M&A”, ông tin tưởng.
Doanh nghiệp Việt Nam dễ bị ép giá nếu quản trị không tốt
Phân tích điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trong M&A, vị chuyên gia này nhắc đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty tốt, chất lượng hàng hóa dịch vụ và đội ngũ nhân sự tốt. Thế nhưng, khi đàm phán M&A, nhiều doanh nghiệp bộc lộ rõ điểm yếu về quản trị công ty, về minh bạch, về bảo vệ quyền lợi cổ đông…
Ông Warrick Cleine cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có bảng cân đối kế toán không tốt, có nhiều khoản vay cao, đặc biệt là phát hành trái phiếu với lãi suất cực kỳ cao.
Vì vậy, doanh nghiệp cần xem lại mô hình kinh doanh và quản lý bản cân đối kế toán tốt hơn, khi đó thực hiện M&A được mới được giá tốt, nếu không sẽ bị ép giá. Thực tế đều cho thấy, doanh nghiệp nào làm tốt quản trị công ty, bảng cân đối kế toán tốt thì đều thu hút vốn tốt.
Kết thúc phần thảo luận của mình, ông Warrick Cleine chọn 3 từ khóa để nói về sức bật mới cho thị trường M&A là: Khỏe mạnh - Hy vọng - Hạnh phúc. “Khi chúng ta đến đây, Việt Nam – một quốc gia tuyệt vời, chúng ta nên cảm thấy hạnh phúc”, ông nhấn mạnh.