Doanh nghiệp Nga muốn tham gia dự án sân bay Long Thành
Tập đoàn Almaz của Nga muốn được triển khai hệ thống radar kiểm soát không lưu, radar dẫn đường, radar cất hạ cánh cho máy bay dân sự… tại dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Tập đoàn Almaz của Nga vừa làm việc với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và đề xuất được tham gia dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Ông Alexander Ponomarenko, Phó Tổng giám đốc Almaz cho biết, tập đoàn này hy vọng được triển khai hệ thống radar kiểm soát không lưu, radar dẫn đường, radar cất hạ cánh cho máy bay dân sự… dự án tại sân bay Long Thành với kinh phí từ 53 - 300 triệu USD.
Almaz là tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nga trong lĩnh vực thiết kế thiết bị radar và các hệ thống điều khiển tự động đa mục đích.
“Đến nay, tập đoàn đã hợp tác và giao dịch với trên 50 quốc gia trên toàn thế giới. Thiết bị của Almaz bao gồm, hệ thống kiểm soát không lưu, các loại radar điều phối hàng không và các thiết bị chống phương tiện bay không người lái (UAV). Các sản phẩm của tập đoàn đã đạt tiêu chuẩn EU”, ông Alexander Ponomarenko cho biết.
Chia sẻ nhân chuyến công tác tại Việt Nam mới đây, lãnh đạo Almaz đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng để hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam về phát triển và sản xuất các thiết bị dân dụng đặc biệt dành cho kiểm soát không lưu (hệ thống ATC) và thiết bị hỗ trợ khí tượng.
Trong lĩnh vực thiết kế thiết bị radar và các hệ thống điều khiển tự động đa mục đích, Almaz sẵn sàng phát triển thương mại song phương bằng các hình thức linh hoạt phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay bên cạnh các hướng hợp tác truyền thống, ông Alexander Ponomarenko nói.
Bên cạnh đó, Almaz sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong cung ứng, trao đổi máy móc, kinh nghiệm sử dụng các thiết bị dân sự như tổ hợp giám sát, đo đặc thời tiết (lượng mưa, sức gió, bão…); thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp (phun thuốc trừ sâu, giám sát địch hại…), máy thu hoạch lúa, rau quả để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, giảm thiểu các tổn thất sau thu hoạch...
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 11.2022, Liên bang Nga đã có 164 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng mức đầu tư là 965,8 triệu USD, đứng thứ 27 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Các dự án Nga đầu tư tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở lĩnh vực năng lượng.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đầu tư sang Liên bang Nga 5 dự án với tổng mức đầu tư là 528 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp và chế biến, chế tạo.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, kết quả này khá khiêm tốn so với tiềm năng quan hệ thương mại hai nước. Theo ông, doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và các lĩnh vực mới như kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, chuyển đổi số, tăng cường hợp tác công nghiệp hỗ trợ.
Dự án thành phần 2 của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 được khởi công tháng 9.2022 với tổng đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Dự án sẽ thực hiện đầu tư 10 hạng mục xây dựng và thiết bị công nghệ, bao gồm: đài kiểm soát không lưu và các hạng mục phụ trợ (ATCT), trạm radar sơ cấp/thứ cấp và trạm phát sóng vô tuyến (PSR/SSR/Tx), trạm thu sóng vô tuyến và trạm giám sát phụ thuộc (Rx/ADS-B), trạm radar khí tượng, đài dẫn đường đa hướng và đo cự li (DVOR/DME), hệ thống giám sát đa điểm (MLAT), hệ thống quan trắc thời tiết tự động (AWOS), cảnh báo gió đứt, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các công trình bảo đảm hoạt động bay, hệ thống cấp điện trung thế cho các công trình bảo đảm hoạt động bay.