Doanh nghiệp ngành gỗ và rủi ro thành 'tù nhân dự bị' bất cứ lúc nào

Một số quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ rừng trồng tại Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT đang có những tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, ý kiến tại một cuộc hội thảo ngày 16/9.

Tổng cục Thuế đã đưa gỗ và sản phẩm gỗ được làm từ gỗ rừng trồng vào danh mục sản phẩm rủi ro về thuế.

Tổng cục Thuế đã đưa gỗ và sản phẩm gỗ được làm từ gỗ rừng trồng vào danh mục sản phẩm rủi ro về thuế.

Nhiều bất cập trong quy định truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng

Theo Tổng Cục lâm nghiệp, lượng cung gỗ từ rừng trồng năm 2021 đạt 21,5 triệu m3. Tuy nhiên theo báo cáo Tính pháp lý của gỗ nguyên liệu rừng trồng tại Việt Nam do Tổ chức Forest Trends thực hiện, thống kê số lượng khai thác thực tế có thể lớn gấp gần 2 lần con số được công bố.

Số liệu của Tổng Cục lâm nghiệp cho thấy, trong giai đoạn từ 2017 – 2021, nhu cầu về gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến đồ gỗ Việt Nam tăng từ 34,2 m3 lên 41 triệu m3.

Trong đó, nguồn nguyên liệu gỗ khai thác trong nước chiếm khoảng 77,4% nguồn cung. Tuy nhiên, nguồn gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung chỉ chiếm 52,7%, còn lại là gỗ trồng trong các hộ. Nguồn cung ứng từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong giai đoạn nói trên chiếm khoảng 22,6%.

Cũng theo báo cáo của Forest Trends, nguồn cung từ 1,4 triệu hộ gia đình hiện chiếm 50 - 60% tổng lượng cung gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước và trực tiếp góp phần vào sự phát triển của hàng nghìn công ty sản xuất đồ gỗ, ván ép, dăm, viên nén có sử dụng gỗ này làm nguyên nguyên liệu đầu vào.

TS. Tô Xuân Phúc, trưởng nhóm thực hiện báo cáo cho biết, thông qua các sản phẩm xuất khẩu, nguồn gỗ từ các hộ trồng rừng góp phần to lớn làm nên con số gần 15 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2021. Gia tăng sử dụng gỗ rừng trồng trong nước không chỉ làm tăng thu nhập cho các hộ trồng rừng mà còn giúp giảm rủi ro cho ngành, từ đó thúc đẩy ngành phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo báo cáo, nguồn gỗ này đang có 2 mảng tồn tại về mặt xác định nguồn gốc, tính hợp phápgiao dịch trong chuỗi theo các quy định của Thông tư 27 ban hành năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mảng tồn tại thứ nhất là về các khó khăn trong việc xác định nguồn gốc gỗ. Tồn tại này là do diện tích đất nơi gỗ được khai thác còn thiếu các bằng chứng pháp lý, nhằm xác định hộ bán gỗ có đầy đủ quyền hợp pháp về đất đai trên mảnh đất của mình.

Mảng tồn tại thứ hai là thiếu bằng chứng pháp lý để xác định giao dịch trong chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu là hợp pháp. Tồn tại này xảy ra khi các bên tham gia tại khâu trung gian trong chuỗi có các hoạt động phi chính thức và chưa thực hiện trách nhiệm pháp lý của mình đầy đủ, đặc biệt là trách nhiệm về thuế.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã đưa gỗ và sản phẩm gỗ được làm từ gỗ rừng trồng vào danh mục sản phẩm rủi ro về thuế, do lo ngại một số cá nhân, tổ chức không hoàn thành nghĩa vụ về thuế trong các giao dịch giữa các khâu trong chuỗi.

Việc này dẫn đến gia tăng tần suất thanh - kiểm tra của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác.

Theo chuyên gia Phúc, các tồn tại nêu trên đang trực tiếp ảnh hướng đến tính bền vững của nguồn nguyên liệu gỗ rừng quan trọng. Doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn trước các quy định của Thông tư 27 do các yêu cầu không được tuân thủ nghiêm ngặt.

“Lý do dẫn đến việc tuân thủ chưa nghiêm do các yêu cầu này không sát với thực tế, gây khó khăn cho việc tuân thủ. Một số bên tham gia chuỗi cung ứng không hợp tác và bỏ qua các yêu cầu về trách nhiệm tài chính khi tham gia chuỗi. Điều này tạo ra rủi ro lớn cho các doanh nghiệp ngành gỗ có nguy cơ trở thành ‘tù nhân dự bị’ bất cứ lúc nào”, TS. Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Doanh nghiệp ngành gỗ phải lo ‘độ’ hồ sơ

Tại hội thảo “Góp ý dự thảo thông tư về quản lý, sản xuất, truy xuất nguồn gốc lâm sản”, ngày 16/9, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hội gỗ và lâm sản Bình Định cho biết, Thông tư 27 đã tạo nền tảng phát triển cho hiện tại và tương lai. Tuy đã rất cơ bản về khung pháp lý nhưng vẫn còn một số vấn đề khiến doanh nghiệp gặp vướng mắc.

Cụ thể, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong sắp xếp hồ sơ về hạch toán kinh doanh và truy xuất nguồn gốc.

Ông Trần Ngọc Thanh, đại diện Hội gỗ Bình Định

"Mục tiêu của xây dựng Thông tư 27 là truy xuất nguồn gốc, phục vụ quản lý chuỗi sản xuất, nhưng thực tế việc truy xuất nguồn gốc gặp khó khi vai trò chủ rừng chưa rõ ràng. Doanh nghiệp không thể chứng minh được gỗ mua từ ai, từ cánh rừng nào, có nguy cơ trở thành ‘tội đồ’ bất cứ lúc nào vì dùng gỗ trốn thuế và vi phạm pháp luật”.

Theo lời ông Thanh, doanh nghiệp thường mua gỗ của các hộ nông dân theo tiêu chí cứ có gỗ là mua. Trong khi đó, chuỗi cung ứng trải qua rất nhiều khâu: Chủ rừng – đơn vị khai thác – đơn vị thương mại – đơn vị sơ chế - cuối cùng mới là doanh nghiệp chế biến sâu, xuất khẩu. Do vậy, việc lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc theo Thông tư 27 gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro.

Từ đó, ông Thanh cho rằng, giữa cơ quan kiểm lâm và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài chính, cơ quan cấp C/0 cần ngồi lại nhất quán trong cơ chế, chính sách, quy định, tạo điều kiện thông thoáng trong thủ tục pháp lý cho các doanh nghiệp ngành gỗ.

Đặc biệt, cần ban hành một thông tư liên Bộ, giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính để có chính sách về thuế và chính sách hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp gỗ.

Đại diện Hội gỗ Bình Đình kiến nghị, các cơ quan chức năng có thể coi gỗ rừng trồng là sản phẩm nông nghiệp và áp dụng truy xuất nguồn gốc như các nông sản thông thường thông qua mã số vùng trồng.

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhìn nhận, ách tắc thường xảy ra do một số diện tích trồng rừng hiện còn thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn đất đai: như đất thiếu sổ đỏ, đất có tranh chấp, diện tích đất trên sổ khác với diện tích thực tế, đất đã được mua đi bán lại giữa các bên theo hình thức không chính thống, chưa sang tên đổi chủ chính thức.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm (trái) và ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản

Ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm (trái) và ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

“Những tồn tại trong quy định dẫn đến một số doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm cách hợp pháp hóa đầu vào nguyên liệu của mình theo cách gọi thông thường của doanh nghiệp là ‘độ’ hồ sơ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn gặp khó trong việc xin hoàn thuế”.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, việc giải quyết hai mảng tồn tại này đòi hỏi sự điều chỉnh các cơ chế chính sách hiện hành, đặc biệt là các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và trách nhiệm về thuế trong các khâu trung gian của chuỗi.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ sẽ có tập hợp các góp ý, kiến nghị tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, chủ hộ trồng rừng gửi Bộ NN&PTNT trước 30/9/2022.

Kiến nghị quản lý gỗ rừng trồng như một mặt hàng nông sản

Tiếp thu các góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm cho biết, từ năm 2018, khi Thông tư 27 có hiệu lực thi hành đã tạo nhiều điều kiện cho chuỗi hành trình của nông sản đi vào trật tự mới.

Nhưng qua đánh giá của các doanh nghiệp, địa phương nhận thấy một số quy định của Thông tư 27 còn chưa phù hợp. Tổng cục kiểm lâm được giao chủ trì nghiên cứu đề xuất Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư thay thế.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm

"Cục Kiểm lâm nhận thấy, vướng mắc khó khăn phần nhiều đang đến từ chuỗi sản xuất, cung ứng gỗ rừng trồng. Do thiếu quy định quản lý các chủ lâm sản nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác minh. Vấn đề này sẽ được đưa vào dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 27 thời gian tới".

Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp về kiến nghị coi gỗ rừng trồng như một mặt hàng nông sản, để quản lý bằng mã số rừng trồng trong truy xuất nguồn gốc, ông Hiệu cho biết, đây là điểm rất mới sẽ được nghiên cứu.

Về cơ chế thuế, Cục Kiểm lâm khẳng định sẽ trao đổi với Bộ Tài chính để tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo việc quản lý chặt chẽ tài nguyên thiên nhiên.

Nhằm hạn chế tình trạng gian lận thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 2124/TCT/TTKT ngày 22/5/2022 gửi các cục thuế các tỉnh/TP về giải quyết hoàn thuế liên quan trực tiếp tới một số doanh nghiệp ngành gỗ.

Ngày 22/7/2022, Tổng cục Thuế tiếp tục ban hành Công văn 2928/TCT/TTKT về đẩy mạnh thanh kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng. Công văn cung cấp thông tin về các dấu hiệu có liên đến việc gian lận thuế của một số chủ thể tham gia chuỗi cung ngành gỗ.

Trong đó tập trung vào “Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nông lâm sản sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp không có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu; các công ty lập các chứng từ, hồ sơ hoàn thuế khống, không có kho hàng, bến bãi, không có phương tiện vận chuyển…các doanh nghiệp không có địa chỉ kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng…

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-nganh-go-va-rui-ro-thanh-tu-nhan-du-bi-bat-cu-luc-nao-post11414.html