Doanh nghiệp ngành gỗ xoay xở tìm thị trường mới
Số lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ tiếp tục giảm mạnh khoảng 50-60%, khi những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu giảm đặt hàng. Để tồn tại, vượt qua giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm thị trường mới.
Đơn hàng sụt giảm mạnh
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết: “Lượng đơn hàng đã giảm rất mạnh từ quý IV/2022 đến nay và dự kiến còn giảm đến hết quý II/2023, mức giảm khoảng 50-60%. Nguyên nhân là do, với lãi suất cao thì nhu cầu sẽ tiếp tục giảm khi người dân và doanh nghiệp đều hạn chế mua nhà, xây dựng công trình, hay đơn giản là các hoạt động sửa chữa”.
Theo ông Phương, một trong những thị trường chính của ngành gỗ là châu Âu thì đơn hàng lại giảm mạnh nhất. Thị trường Mỹ cũng đang ở tình trạng tương tự khi nhiều đối tác đang chờ thêm tín hiệu mới từ nền kinh tế vĩ mô.
Bà Nguyễn Thị Kim Huê, đại diện Công ty TNHH Koda Sài Gòn chia sẻ, công ty của bà xuất khẩu 100%, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 60%, châu Âu khoảng 10% và 30% ở thị trường châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Hiện đơn hàng giảm khoảng 50%.
“Các đối tác nước ngoài chưa có kế hoạch mua hàng với chúng tôi, bởi bản thân họ cũng chưa thể dự đoán được tình hình trong thời gian tới. Nếu nói hai bên cố gắng hỗ trợ lẫn nhau thì cũng rất khó trong thời điểm này”, bà Huê cho hay.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng gặp tình trạng tương tự khi sức mua thị trường yếu do lạm phát tăng cao. Đại diện một doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương nhận xét, đây là thời điểm có thể nói là khá bi quan khi các đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng ở các thị trường chính của doanh nghiệp như Anh, Mỹ, Canada… Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm 20-30% lao động.
“Cuối năm 2022, chúng tôi vẫn nhận được các tín hiệu tốt từ khách hàng, nhưng sau giai đoạn Lễ Giáng sinh thì các đối tác đều thay đổi kế hoạch. Tuy không hủy đơn hàng, nhưng đa số đều tạm dừng lại. Tình hình này có thể kéo dài đến hết quý II/2023, dự báo sẽ khôi phục dần vào cuối năm nay”, vị này cho hay.
Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định tình hình sẽ khả quan hơn trong giai đoạn đầu năm 2024 khi sức mua ổn định trở lại.
Bà Lý Thị Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thiên Minh hy vọng, khi thị trường đã xuống điểm rơi thì sẽ tăng trưởng trở lại, dù chưa sôi động. Các doanh nghiệp phải theo dõi sát tình hình để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Tìm kiếm khách hàng mới
Nhiều doanh nghiệp cho biết, những đơn hàng trong năm 2022 chủ yếu là đơn hàng tồn, sang quý III/2022 bắt đầu giảm dần và đến quý IV/2022 thì ngưng hẳn. Do đó, trong quý I/2023, doanh nghiệp khá chật vật trong tìm kiếm đơn hàng mới.
Do đơn hàng xuất khẩu bị giảm mạnh, nên các doanh nghiệp phải lên kế hoạch tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường, cố gắng duy trì chờ nền kinh tế hồi phục.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, các doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ cần linh hoạt thay đổi kế hoạch để thu hút các đối tác mới. “Đến khoảng tháng 6, tình hình sẽ khả quan hơn. Để nắm bắt cơ hội, mỗi doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiếp thị, đăng tải các hình ảnh bắt mắt và không ngừng tìm kiếm khách hàng mới”, ông Phương nêu giải pháp.
Trước tình trạng thiếu hụt đơn hàng, bà Kim Huê cho hay, doanh nghiệp của bà đã liên tục ra nước ngoài đàm phán với khách hàng cũ và tìm kiếm thêm khách hàng mới tại Mỹ và Nhật Bản để tăng chủng loại sản xuất. “Chúng tôi còn có chính sách giảm giá sản phẩm. Doanh nghiệp chấp nhận giảm 10-15% lợi nhuận để khách hàng có được giá tốt hơn và suy nghĩ đến việc đặt hàng trong thời điểm hiện tại”, bà Huê bày tỏ.
Trong khi đó, nhận thấy tình hình xuất khẩu sẽ gặp khó khăn, từ tháng 6/2022, Công ty cổ phần Lâm Việt đã lên kế hoạch mở rộng thị trường, mở rộng dòng hàng nhanh nhất có thể. Doanh nghiệp này cũng đang tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm, phát triển lại các dòng hàng có thị trường nhỏ hơn như Ả-rập Xê-út, Ấn Độ…
Tuy nhiên, việc mở rộng và tìm kiếm thị trường mới tương đối khó khăn, doanh nghiệp phải cần 3-6 tháng để phát triển sản phẩm mới và mất khoảng 1 năm để tạo sự tin cậy với đối tác mới.
Việc giảm giá để lôi kéo khách hàng cũng không phải là giải pháp tốt, bởi theo bà Lý Thị Thùy Trang, giá thành sản phẩm phụ thuộc vào nguyên, vật liệu đầu vào, nên khi giá thành nguyên, vật liệu có nhiều biến động thì càng khuyến mại ưu đãi, doanh nghiệp càng thua lỗ và khó khăn hơn. Bởi thế, giải pháp của Công ty Thiên Minh là đàm phán với nhà cung cấp và đối tác để cùng chia sẻ khó khăn với nhau.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-nganh-go-xoay-xo-tim-thi-truong-moi-d184519.html