Doanh nghiệp ngành in ấn, bao bì mong manh dễ bị thâu tóm
Nhiều doanh nghiệp in ấn, bao bì nội địa buộc phải 'bán mình' khi đứng trước những áp lực về tài chính, công nghệ và xu thế chuyển đổi xanh.
Ngành in ấn, bao bì Việt Nam đang đứng trước trước nhiều khó khăn lớn chưa từng có, khi hàng loạt DN ngoại ồ ạt vào thị trường này những năm gần đây. Không những bị chiếm lĩnh thị phần trong nước lẫn xuất khẩu, nhiều DN in ấn, bao bì nội địa buộc “bán mình” khi đứng trước những áp lực về tài chính, công nghệ và xu thế chuyển đổi xanh.
Doanh nghiệp Việt đánh mất sự tự tin
Dù chỉ là ngành công nghiệp hỗ trợ, song vai trò của các DN in ấn, bao bì góp phần nâng giá trị sản phẩm và cải thiện hình ảnh hàng hóa Việt Nam với các đối tác, đặc biệt là đối tác từ các thị trường khó tính như EU, Mỹ… Thế nhưng, chuyện DN Việt Nam bị mất đơn hàng khi DN nước ngoài tận dụng được lợi thế về tài chính, công nghệ để chiếm lĩnh thị phần đang trở thành phổ biến.
Theo bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, bản thân DN Việt trong lĩnh vực in ấn, bao bì chậm thay đổi để thích ứng. Có trường hợp DN xuất khẩu mặt hàng tôm Việt Nam bị mất thị trường EU, chỉ vì bao bì chưa đạt tiêu chuẩn. Đứng trước thời cơ và thách thức, DN Việt có vẻ thiếu nhạy bén, nhất là in ấn bao bì phục vụ ngành thủy sản, nên DN nội địa muốn ủng hộ nhau cũng khó.
“Đã có một số nhà cung cấp mua sản phẩm của Thái Lan làm bao bì đóng gói sản phẩm và nhanh chóng xuất khẩu. Công nghiệp hỗ trợ cho bao bì sản phẩm, đặc biệt là bao bì sản phẩm hiện nay liên tục thay đổi theo hướng thân thiện môi trường, trong khi công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang rất yếu kém để hỗ trợ cho các ngành thực phẩm”, bà Lan nêu.
Theo Bà Trương Thị Thu Trâm, Giám đốc sản xuất Công ty in Minh Mẫn, KCN Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM, công ty đã cải tiến rất nhiều quy trình, máy móc và chất liệu. Song với nhiều áp lực cạnh tranh và các tiêu chuẩn khắt khe, nhất là sự cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc ở thị trường Việt Nam, khiến DN Việt dần cảm thấy mất tự tin. Công ty Minh Mẫn dù có hơn 20 năm kinh nghiệm cung cấp các giải pháp in và sản xuất nhãn mác, có nhiều khách hàng truyền thống nhưng giờ cũng phải đứng trước áp lực giảm giá thành, cập nhật kịp thời hơn xu hướng, yêu cầu của thị trường.
“Bắt đầu có những nhà sản xuất Trung Quốc sang đầu tư nhà máy tại Việt Nam chào hàng. Họ chào giá thấp hơn nhiều giá của công ty Việt Nam. Nên những mặt hàng dễ làm các DN bị mất thị phần. Những đơn hàng hơi đặc biệt, ví dụ như nhãn được in cao cấp, đẹp họ chưa làm được nhưng đối tác luôn áp lực buộc DN Việt phải giảm giá. Vừa rồi công ty đã vừa giữ hàng, vừa giảm giá 3% nay họ tiếp tục đòi giảm giá thêm, gây khó khăn cho DN”, bà Trâm giãi bày.
Đối diện nguy cơ bị thâu tóm
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam nhìn nhận một cách thẳng thắn, thời gian qua có nhiều đoàn DN của Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…sang Việt Nam tìm hiểu về thị trường, đầu tư công nghệ sản xuất…Việc này cho thấy DN ngoại đánh giá cao thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam. Đây cũng sẽ là cơ hội cho ngành in ấn và bao bì phát triển, nhưng cũng là áp lực lớn cho DN nội địa.
Thực tế, trong tổng số hơn 2.000 DN in ấn, bao bì, chỉ có hơn 400 DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Nhưng các DN ngoại đang giữ hơn 1/3 đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hàng trăm DN khác tiếp tục nghiên cứu thị trường Việt để đổ bộ trong thời gian tới. Cho nên, không chỉ vài DN lo lắng mà toàn bộ ngành in Việt Nam đang có dấu hiệu mất tự tin.
Theo ông Dòng, những DN nước ngoài này sẽ đầu tư sản xuất tại Việt Nam, thậm chí là mua lại phần lớn cổ phần, hoặc thâu tóm các nhà máy sản xuất của DN trong nước để tận dụng nhà xưởng, công nghệ và lực lượng lao động lành nghề sẵn có nhằm có thể nhanh chóng tham gia thị trường.
Trong khi đó, thực tế ngành in do áp lực cạnh tranh và không có lực lượng kế thừa phát triển, nên cũng có DN đã quyết định bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều đáng chú ý những giao dịch này không chỉ xảy ra với DN quy mô nhỏ và vừa mà cả những công ty quy mô lớn. Ông Dòng lo ngại, bản lĩnh kinh doanh của nhiều DN Việt Nam còn yếu, cùng với khó khăn về tài chính, khó đương đầu với những thử thách sắp tới.
“Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang có tác động, nhất là in xuất khẩu. Nếu in xuất khẩu không dùng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường sẽ rất khó xuất khẩu. Thị trường đang dùng nhiều nhựa, giấy,… nếu giấy được tái chế lại càng được ưa chuộng và nước ngoài chỉ nhập túi xách bằng giấy. Trước vấn đề sống còn, các DN nước ngoài họ có ý thức sớm và phát triển tốt hơn”, ông Dòng phân tích.
Muốn phát triển, muốn hội nhập và tồn tại, các DN nói chung, trong đó có DN in ấn, bao bì phải thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Các DN đang rất cần vốn để làm điều , nhưng hiện một số DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay nên quá trình chuyển đổi xanh còn chậm.