Doanh nghiệp ngành nông nghiệp vượt khó sản xuất trong dịch bệnh

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp 'vượt khó' trong dịch bệnh khi có kết quả kinh doanh khả quan nhưng vấn đề về vốn để duy trì sản xuất đang được đặt ra.

Doanh nghiệp vẫn tăng trưởng trong mùa dịch

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm về xuất khẩu nông sản, công ty đã tìm cách đa dạng hóa thị trường từ sớm, tập trung vào các khách hàng vừa và nhỏ nên trong dịch vẫn có thể đưa các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, quế… đi các nước với khối lượng lớn.

Công ty cũng ứng dụng công nghệ vào quản trị, sản xuất từ lâu nên trong dịch Covid-19, các nhân viên có thể hoàn toàn làm việc từ xa, thậm chí qua điện thoại mà không hề gặp trở ngại gì. Điều này giúp cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua của công ty đạt đến 120-130%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods, dịch Covid-19 khiến hoạt động Nafoods ảnh hưởng, khó khăn do các cơ sở trải rộng từ Bắc vào Nam, sang cả Lào và Campuchia. Lãnh đạo tập đoàn gửi thư cho cả khách hàng và nhà cung cấp để nhận được sự chia sẻ và tin tưởng, cùng Nafoods vượt qua giai đoạn này. Bên cạnh đó, trong tập đoàn thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn y tế, tăng cường làm việc, hội họp trực tuyến, đảm bảo cán bộ, công nhân viên không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp vượt khó sản xuất trong dịch bệnh. (Ảnh: KT)

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp vượt khó sản xuất trong dịch bệnh. (Ảnh: KT)

“Lãnh đạo tập đoàn cho biết, nhờ những phương pháp trên mà kết quả kinh doanh của Nafoods trong quý I năm 2020 tăng trưởng đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái” - ông Hùng nói.

Với Tập đoàn Hùng Nhơn một đơn vị lớn của ngành chăn nuôi, Chủ tịch HĐQT Vũ Mạnh Hùng chia sẻ 3 phương án giúp giữ vững sản xuất và bảo vệ sức khỏe của người lao động trong dịch Covid-19.

“Làm việc tập trung tại trang trại, nơi có điều kiện khử trùng hàng ngày rất an toàn. Thứ hai là phối hợp chính quyền và công an địa phương, đảm bảo khoanh vùng, không có sự ra vào tùy tiện. Cuối cùng, tập đoàn tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên ở xa được đến khu vực làm việc tập trung, giảm mật độ đi lại, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh” - ông Hùng cho biết.

Với các giải pháp trên, từ 3-6 tháng tới, Tập đoàn Hùng Nhơn dự kiến có thể tăng trưởng được 3-5%, dù cho Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Không những thế, toàn bộ mức lương, thưởng của cán bộ công nhân viên vẫn được giữ vững và còn có cơ chế thưởng KPI để khuyến khích làm việc.

"Khát" vốn để sản xuất

Dù có tăng trưởng, duy trì được sản xuất nhưng những doanh nghiệp vẫn gặp khó khi thời điểm bệnh dịch khách hàng thanh toán chậm nguồn tiền quay vòng cho sản xuất khó khăn.

“Sản xuất được duy trì đầu vào, đầu ra cho sản phẩm vẫn có nhưng vấn đề là vốn cho sản xuất doanh nghiệp rất cần khi nguồn tiền khách hàng trả chậm. Khi doanh nghiệp giãn nợ, gia hạn nợ với ngân hàng thì trở thành nợ xấu và doanh nghiệp mong chờ chính sách cụ thể về tín dụng” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thời điểm dịch bệnh các doanh nghiệp sản xuất nông sản, chăn nuôi cần tái cơ cấu lại hướng đến mô hình mới, số hóa nông nghiệp.

“Kiểm soát được sản xuất, cung cầu trong nông nghiệp, tiếp theo là thúc đẩy thương mại điện tử, tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm. Nếu làm được điều này, chúng ta có thể đẩy mạnh tiêu thụ, kích cầu” - ông Nguyễn Quốc Toản nói.

Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lưu ý, dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng cần chú ý đến thời điểm phục hồi, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, có thể rơi vào tháng 5 tới. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải nắm bắt và có lộ trình, kế hoạch cho thị trường châu Âu, Mỹ vào khoảng tháng 7 đến tháng 8 tới./.

Phương Hoài/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nganh-nong-nghiep-vuot-kho-san-xuat-trong-dich-benh-1032063.vov