Doanh nghiệp ngành thuốc lá đầu tư cho tương lai không khói
Chiến lược này đã được nhiều quốc gia chấp nhận và áp dụng rộng rãi, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Na Uy, New Zealand và Trung Quốc, Indonesia, Maylaysia, Philippines…
Hướng đến mục tiêu và chiến lược không khói thuốc của các chính phủ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá trên toàn cầu đang nỗ lực không ngừng và mạnh tay đầu tư vào khoa học kỹ thuật để phát triển các sản phẩm “thuốc lá không khói” ứng dụng công nghệ, nhằm góp phần giảm tác hại do khói của thuốc lá điếu thông thường.
Giảm tác hại thuốc lá, trách nhiệm của các chủ thể liên quan
Từ năm 2005, WHO đã ban hành Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC). Định kỳ mỗi 2 năm, FCTC đều tổ chức hội nghị các quốc gia thành viên (COP) nhằm đánh giá việc thực hiện, định hướng chương trình can thiệp và điều chỉnh về công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Trong công tác này, các nhà khoa học có đóng góp rất lớn trong việc triển khai các cuộc khảo sát, thí nghiệm và cả nghiên cứu lâm sàng để chứng minh tác hại của “khói thuốc lá” và đề xuất giải pháp thay thế. Theo đó, xu hướng ngày càng rõ nét trong cộng đồng khoa học là ủng hộ hướng tiếp cận giảm tác hại thông qua các sản phẩm thay thế không khói. Các bằng chứng khoa học từ những cơ quan y tế toàn cầu như FDA, PHE… đến nay cho thấy, những sản phẩm thuốc lá không khói (thuốc lá thế hệ mới) dựa trên nguyên lý không đốt cháy có thể giúp giảm đến 95% hàm lượng các chất gây hại có trong khói thuốc lá điếu đốt cháy thông thường (với gần 7.000 hóa chất độc hại).
Bên cạnh đó, ngành y tế vẫn tiếp tục thúc đẩy những nghiên cứu khoa học về tác động lâu dài của các sản phẩm thay thế này đối với sức khỏe cộng đồng cũng như các vấn đề xã hội liên quan. Cụ thể, Đại học Waterloo ở Ontario, Canada đã triển khai thực hiện một nghiên cứu kéo dài 5 năm với ngân sách 10 triệu USD (do Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ) nhằm xem xét tác động tiềm năng đối với hành vi và sức khỏe của chính sách đối với thuốc lá điện tử và các sản phẩm nicotine thay thế khác.
Tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan ban ngành đều nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm khói thuốc thông qua việc thiết lập Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và thành lập Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá. Trong đó, Bộ Y tế là đơn vị có sức ảnh hưởng lớn trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá; khuyến khích toàn dân tham gia các dự án không khói thuốc và cai thuốc. Ngành dược phẩm cũng có đóng góp trong quá trình phát triển các sản phẩm thay thế nicotine ở dạng thuốc, miếng dán hoặc kẹo ngậm... Bên cạnh đó, Bộ Công thương, với vai trò là cơ quan chủ quản của ngành thuốc lá, luôn có nhiều nỗ lực thúc đẩy công tác xây dựng hành lang pháp lý thích hợp cho ngành công nghiệp nói chung và các sản phẩm thuốc lá nói riêng. Mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đang tiến hành tiếp thu ý kiến thẩm tra của các cơ quan quốc tế, đôn đốc, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành về việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá. Trong nghị định này sẽ xem xét chính sách quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý đối với mặt hàng này. Dự kiến đề xuất này sẽ hoàn tất để trình Chính phủ vào tháng 7-2022.
Cần thêm động lực để ngành công nghiệp bỏ qua xung đột lợi ích
Với trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp sản xuất thuốc lá cũng không đứng ngoài cuộc, đang nỗ lực đóng góp vào mục tiêu hiện thực hóa chiến lược không khói thuốc thông qua nhiều hoạt động khác nhau, từ đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và cải tiến sản phẩm đến các chương trình theo dõi, đánh giá sự phù hợp của các giải pháp trên thực tiễn...
Những doanh nghiệp đang tham gia tích cực vào cuộc cách mạng không khói này có thể kể đến PMI, BAT, JTI… Động lực để các doanh nghiệp này chuyển đổi đầu tư sang các sản phẩm giảm tác hại chính là cơ sở khoa học giúp mang lại những giải pháp thay thế tốt hơn cho người dùng.
Cụ thể, năm 2021, Công ty British American Tobacco (BAT) đã đầu tư 589 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra các sản phẩm mới sáng tạo. Tại Malaysia, công ty này cũng đề nghị được tham gia cùng Bộ Y tế trong quá trình xây dựng dự thảo luật về ngành công nghiệp thuốc lá điện tử. Trong đó, BAT kêu gọi theo đuổi khung pháp lý dựa trên khoa học và chính sách đã được các quốc gia như Anh hay New Zealand thực hiện hiệu quả.
“Điều quan trọng là chúng ta cần dựa trên bằng chứng, thay vì quan điểm của mọi người. Không chỉ người dùng mà cả các chuyên gia và cơ quan quản lý sức khỏe cộng đồng cũng thường nhầm lẫn và đánh đồng nicotine với thuốc lá điếu đốt cháy”, Hugo Tan, Giám đốc Kết nối Khoa học Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông của BAT chia sẻ.
Trong khi đó, với cam kết táo bạo “Thay thế thuốc lá điếu bằng các sản phẩm không khói thuốc”, Tập đoàn Philip Morris International (PMI) đã đầu tư hơn 9 tỷ USD vào chiến lược thuốc lá không khói kể từ năm 2008 và xuất bản hơn 400 ấn phẩm khoa học liên quan đến đề tài này. PMI cũng tập trung nguồn lực vào R&D và khoa học một cách nghiêm túc, bao gồm các bước đánh giá độc tính tiền lâm sàng, đánh giá lâm sàng và nghiên cứu hành vi cũng như đánh giá sau khi sản phẩm có mặt trên thị trường, thông tin từ trang web của công ty.
Ignacio Gonzalez Suarez, Giám đốc Kết nối Khoa học Khu vực Trung Đông và Châu Phi của PMI, cho biết: “Chương trình đánh giá khoa học toàn diện của chúng tôi lấy cảm hứng từ các tiêu chuẩn thực hành trong ngành dược phẩm và phù hợp với hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong Thực hành Tốt Phòng thí nghiệm (GLP) và Thực hành tốt Thử nghiệm Lâm sàng (GCP)”.
Ngoài ra, từ năm 2015 đến 2022, Japan Tobacco International (JTI) đã đầu tư gần 3 tỷ USD vào phát triển và nghiên cứu khoa học hướng đến các sản phẩm giảm rủi ro.
Có thể nói, dù có xung đột lợi ích nội tại với chính các sản phẩm thuốc lá điếu hay lợi ích bên ngoài với đối thủ cạnh tranh. Thế nhưng, các công ty thuốc lá nói trên đều có chung một trách nhiệm lớn trong mục tiêu giảm tác hại thuốc lá, đem lại lợi ích cho khách hàng và cộng đồng nói chung.
Tất cả điều này cho thấy, mục tiêu giảm gánh nặng sức khỏe do hút thuốc lá điếu gây ra là trách nhiệm của ngành công nghiệp thuốc lá toàn cầu chứ không của riêng ai...