Doanh nghiệp ngóng cải cách thể chế trong tiến trình hồi phục
Rào cản về thủ tục không chỉ gây khó khăn mà còn tạo ra sự không công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách và làm méo mó môi trường kinh doanh.
Mặc dù thời kỳ đen tối nhất kể từ khi đại dịch xảy ra được nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp nhận định là đã gói gọn trong năm 2021 và tương lai sẽ sáng hơn, nhưng những khó khăn vẫn còn trước mắt.
GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) cho rằng, các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các thách thức còn tiếp diễn bao gồm sự gián đoạn sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu.
Cùng với đó, những thay đổi mang tính toàn diện từ phương thức tiêu dùng, sản xuất, cung cấp, tương tác, công việc… cũng buộc các doanh nghiệp phải chuyển mình thích ứng để tồn tại và tìm cơ hội phát triển trong bối cảnh mới.
Ông Khương cho rằng, doanh nghiệp Việt có thể học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đến từ một số nền kinh tế lớn trên thế giới để có thể thích ứng tốt hơn trước những thách thức do đại dịch gây ra.
Chẳng hạn, trong 2 năm đại dịch, các doanh nghiệp Singapore đã tập trung đầu tư vào số hóa, đào tạo lại kỹ năng để người lao động thích ứng với môi trường làm việc mới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, xây dựng ngành công nghiệp thực phẩm giá trị cao.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Mỹ xác định lại chiến lược, cấu trúc, quy trình, con người và công nghệ một cách nhanh chóng; lập kế hoạch cho sự thay đổi trong thời kỳ khủng hoảng; xây dựng hệ sinh thái kết nối các nhà cung cấp, đối tác, khách hàng; tăng tốc dịch chuyển đến nơi có thị trường cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Ông Khương nhận định, ngay cả trong thời kỳ suy thoái và suy thoái kinh tế nghiêm trọng, một số công ty vẫn có thể giành được lợi thế. Các cuộc khủng hoảng không chỉ tạo ra rất nhiều thay đổi tạm thời, chủ yếu là sự thay đổi trong ngắn hạn về nhu cầu, mà còn cả một số thay đổi kéo dài.
Đưa ra khuyến nghị cho đoanh nghiệp Việt Nam, ông Khương cho rằng, xác định cơ hội tăng trưởng và xem xét lại mô hình kinh doanh là việc làm cần thiết hiện nay.
Trong đó, kết hợp con người và máy móc để đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng, hoạt động kinh doanh hướng đến bền vững, có khả năng đương đầu và vượt qua các cú sốc.
Các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường xuyên biên giới hoặc vào các khu vực hiện chưa được phục vụ tốt. Đồng thời, đầu tư nhiều hơn vào các cơ hội mới, dành hơn 90% chi tiêu ròng cho các phân khúc có tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận cao hơn là lời khuyên của chủ tịch AVSE Global cho các doanh nghiệp.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh bổ sung, doanh nghiệp dù kinh doanh gì thì cũng không được quên quản trị rủi ro để bắt nhịp đà phục hồi và bắt nhip xu hướng mới.
“Tốc độ linh hoạt là cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, vốn xã hội bao gồm kết nối, tạo chia sẻ còn quan trọng hơn việc làm. Thứ ba là biết cách học quan trọng hơn công nghệ”, ông Thành nói trong diễn đàn “Doanh nghiệp 2022: nhận diện thị trường và phương thức thích ứng”.
Về xu hướng đầu tư, ông Thành lưu ý, xu hướng trong vòng 5-7 năm lại đây trên thế giới, dù lĩnh vực đầu tư nào cũng gắn với ba từ “xanh - thông minh - nhân văn/văn hóa”.
Cải cách thể chế cần đi đầu và đi nhanh
Bên cạnh những nỗ lực tự thân, hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ được ổn định và có thời hạn phù hợp.
Đặc biệt, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp kỳ vọng sớm có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.
Dù vậy, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dự báo kinh trế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng, tiến trình phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022 và những năm tiếp theo là rất khó và phức tạp trong bối cảnh mới.
Với bối cảnh mới, Chủ tịch AVSE Global nhận định, triển vọng phát triển kinh doanh trong năm tới tiềm ẩn khá nhiều yếu tố rủi ro khi thị trường còn trầm lắng và thiếu ổn định. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của các nền kinh tế lớn.
Do đó, Chính phủ cần tiếp tục tập trung nâng cao năng lực y tế dự phòng để ứng phó với những diễn biến bất thường của dịch bệnh; củng cố lực lượng lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Cùng với đó là việc giải quyết những vấn đề, thách thức do gián đoạn sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu gây ra; tập trung số hóa đối với tất cả các doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã để tiết giảm chi phí kết hợp nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị…
Khuyến nghị chính sách cho môi trường đầu tư kinh doanh 2022, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy viên Kinh tế của Quốc hội lưu ý năm điều quan trọng.
Thứ nhất là thể chế cho môi trường kinh doanh, thể chế cho việc ra quyết định đòi hỏi phải nhanh, chính xác, toàn diện.
Thứ hai, chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính là rất cần thiết. Ông Hiếu cho rằng, thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba là tìm cách tháo gỡ những rào cản về thủ tục hành chính và pháp lý.
Ông Hiếu chỉ ra, những chính sách không yêu cầu thủ tục hành chính như giãn, hoãn thời gian nộp thuế thì doanh nghiệp dễ tiếp cận. Trong khi đó, chỉ cần có một thủ tục hành chính, doanh nghiệp đều khó tiếp cận được chính sách.
“Rào cản về thủ tục không chỉ gây khó khăn mà còn tạo ra sự không công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách và làm méo mó môi trường kinh doanh”, ông Hiếu phân tích.
Thứ tư, những năm đầu tiên của việc thực hiện cải cách phải là thể chế để có dư địa thực hiện tiếp. Theo ông Hiếu, chiến lược phát triển kinh tế có ba đột phá, trong đó có luật thể chế. Vì vậy không thể nói hoàn thành cải cách thể chế vào năm cuối cùng của thực hiện chiến lược.
Đáng chú ý, nếu hoạt động thể chế trong bối cảnh của Covid-19 còn bất định, sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành, địa phương sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, rất nhiều quốc gia trước khi cải cách dài hạn đã thành lập cơ chế phân quyền để sự phối hợp giữa các cơ quan được thuận lợi, không chỉ trong quốc gia mà còn trên trường quốc tế. Chẳng hạn, một quốc gia không thể triển khai hiệu quả chương trình hộ chiếu vaccine, một tỉnh cấp giấy thông hành mà tình khác không thừa nhận cũng sẽ không thực thi được. Vì thế, cơ chế phối hợp ngày càng trở nên quan trọng.
Cuối cùng, ông Hiếu nhấn mạnh, yêu cầu về cải cách thể chế của Việt Nam là đúng nhưng phải thay đổi tư duy, cách làm và đặc biệt nhấn mạnh thời gian mà các cá nhân, đơn vị phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.