Doanh nghiệp, người lao động cùng gồng mình trong 'cơn bão suy giảm'
Thông tin về việc PouYuen Việt Nam – 'đại công xưởng' chuyên gia công cho Nike, Adidas sẽ cắt giảm thêm gần 6.000 lao động cho thấy tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài. Nhiều nhà sản xuất đã nỗ lực xoay xở nhưng nỗi lo lắng về sụt giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, công nhân mất việc vẫn đang hiển hiện.PouYuen Việt Nam sẽ chi trả cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại công ty, cứ mỗi năm là 0,8 tháng tiền lương (tiền lương căn cứ chi trả trợ cấp được tính bằng bình quân 6 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng).Đáng chú ý, Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng vừa qua vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm khi giảm về mức 46,7 điểm so với 47,7 điểm của tháng 3. Chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh giảm lần thứ năm trong sáu tháng qua, và lần giảm này là mạnh nhất trong năm tính đến thời điểm này.Để ứng phó với những biến động của thị trường, người lao động cần nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đào tạo người lao động bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, các trung tâm đào tạo cũng cần tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 6,5% từ mức 7,2% trước đó.
Thấp thỏm lo mất việc…
Theo đại diện Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, do đơn hàng sụt giảm nên đơn vị này dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 10% nhân công trong thời gian tới. Theo đó, trong hai tháng sắp tới, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 5.744 người có hợp đồng không xác định thời hạn.
Dự kiến cuối tháng 5 và đầu tháng 6, PouYuen Việt Nam sẽ tổ chức gặp mặt người lao động để thông tin về các chính sách trả trợ cấp thôi việc, ngày nhận lương, nhận sổ bảo hiểm xã hội, đóng thuế thu nhập cá nhân, hoàn thuế thu nhập cá nhân…
Nghe thông tin trên, nhiều người lao động đang làm việc tại nhà máy ở quận Bình Tân, TPHCM của PouYuen Việt Nam đang trong tâm trạng lo lắng và hoang mang. Dù công ty cũng sẽ có chế độ trợ cấp thôi việc cho số công nhân sắp cắt giảm cũng giống như lần gần 2.500 lao động cắt giảm vào tháng 2-2023, nhưng họ vẫn lo lắng vì sợ rằng sẽ khó tìm được việc mới phù hợp trong tình hình khó khăn chung hiện nay.
Trên thực tế, do đơn hàng tại PouYuen Việt Nam liên tục bị sụt giảm mạnh trước đó, những đồng nghiệp cũ của họ cũng đã phải dừng công việc cách đây mấy tháng và nhận được một khoản trợ cấp nhưng số tiền ấy rồi cũng mau chóng chi tiêu hết, trong khi công việc làm thì chưa có. Nhiều công nhân này chủ yếu là ở các tỉnh đến và lao đao xoay xở nơi đất khách vì đã “quá lứa”, khó lòng kiếm việc khác.
Không xin được việc ở các công ty mới, nhiều người trong số họ đã xoay xở mọi công việc để sinh sống và lo cho gia đình. Đơn cử như anh Văn Chính với gần 20 năm làm việc tại doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất TPHCM này, với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.
Đợt cùng khoảng 2.300 người lao động mất việc hồi đầu năm nay, nguồn thu nhập nuôi sống gia đình nhỏ với 2 con và lo cho ba mẹ già ở quê của anh Chính bị đột ngột đứt. Kể từ khi bị cho thôi việc tại công ty, anh Chính cùng một số đồng nghiệp thất nghiệp khác tham gia chạy xe ôm công nghệ. Nhiều tài xế nên mỗi cuốc xe cũng phải tranh nhau, tìm “đỏ mắt”. Một số người trẻ hơn thì kiếm được công việc ở những công ty khác, số cùng đồng trang lứa anh thì cũng có thể vào công việc bảo vệ hay trở về quê nhà.
Còn đối với các nữ công nhân khi thất nghiệp cũng xoay xở nhiều việc không tên như đưa đón trẻ nhỏ, làm việc nhà, nấu ăn đám tiệc, ai gọi gì làm nấy… cho nhà chủ, rất bấp bênh.
Hàng loạt người lao động ở các công ty da giày khác hay các lĩnh vực thâm dụng lao động khác như đồ gỗ, dệt may,… cũng bị cắt giảm nhiều lao động hoặc giảm giờ làm do các doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng nhiều. Điều này dẫn đến người lao động không có thu nhập hoặc bị giảm lương, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh lạm phát leo thang.
Không ít công nhân ở TPHCM dù vẫn đang có việc làm nhưng luôn tỏ ra lo lắng, thấp thỏm trước nguy cơ thất nghiệp, bởi tuổi tác ngày càng lớn, công ty ít đơn hàng thu hẹp sản xuất…
Mỗi khi nghe thông tin công ty mình đang làm ít đơn hàng sản xuất, giảm giờ làm hoặc có biến động cắt giảm biên chế, họ luôn lo sợ sẽ nằm trong danh sách lao động bị sa thải, không biết lấy gì để trả tiền trọ, trang trải cuộc sống hàng ngày, nuôi con,…
Chống chọi với “cơn bão suy giảm”
Sau nhiều tháng hoạt động khó khăn vì đơn hàng liên tục sụt giảm mạnh, doanh nghiệp nhiều lĩnh vực mà nền kinh tế gần 100 triệu dân có nhiều lợi thế ngày càng trông ngóng vào sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu, để có thể quay trở lại nhịp sản xuất trước đây và ngừng lại việc cắt giảm giờ làm hoặc sa thải người lao động.
Tuy nhiên, diễn biến tình hình đang cho thấy sự kỳ vọng đơn hàng sẽ quay trở lại từ giữa năm nay như dự báo của các chuyên gia hồi đầu năm nay rất khó xảy ra khi mà tín hiệu phục hồi chưa có, các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu,… vẫn còn khó khăn, người tiêu dùng các nước này vẫn thắt chặt chi tiêu…
Nhiều doanh nghiệp sản xuất lo lắng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định, họ khó có thể “gồng mình” lâu hơn để duy trì lực lượng lao động, trong khi đơn hàng cứ sụt giảm.
Đáng chú ý, S&P Global hồi ngày 4-5 vừa qua đã công bố báo cáo về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của tháng 4 vừa qua cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm khi nhu cầu khách hàng vẫn yếu. “Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm tháng thứ hai liên tiếp, và các công ty đã giảm tương ứng việc làm và hoạt động mua hàng”, theo báo cáo của S&P Global.
Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, ngành sản xuất của Việt Nam hiện có vẻ như đang đi qua một giai đoạn trì trệ khi các công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn đặt hàng mới. Các nhà sản xuất cũng đã bắt đầu hạ giá bán hàng để cố gắng kích thích nhu cầu, và áp lực chi phí giảm đã giúp họ giảm giá dễ dàng hơn. Trên thực tế, giá cả đầu vào đã tăng với tốc độ chậm nhất trong gần ba năm.
Số lượng đơn đặt hàng mới giảm khiến các công ty có thể tiếp tục giải quyết lượng công việc tồn đọng khiến chỉ số này giảm tháng thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, tồn kho hàng thành phẩm tăng với mức độ lớn nhất trong thời gian hai năm.
“Các nhà sản xuất tiếp tục giảm số lượng nhân viên, xuất phát từ cả tình trạng nghỉ việc không có người thay thế và việc cắt giảm việc làm do giảm khối lượng công việc. Hơn nữa, tốc độ giảm là mạnh nhất trong thời gian một năm rưỡi”, theo báo cáo của S&P Global.
Trao đổi với báo chí bên lề họp báo Diễn đàn Kinh tế TPHCM mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho biết tình hình kinh tế đang thay đổi quá nhanh. Doanh nghiệp không xuất hàng được, cầu cả trong và ngoài nước đều bị thu hẹp.
“Khoảng 50% doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đang gặp khó khăn. Họ thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng. Doanh nghiệp giảm lao động, giảm giờ làm”, ông Hòa chia sẻ, và cho biết tâm trạng chung của doanh nghiệp là cầm cự, giữ đơn hàng.
Trao đổi với KTSG Online, một số doanh nghiệp sản xuất thuộc nhiều ngành nghề cho biết thời gian qua họ đã nỗ lực xoay xở mọi cách trong khả năng, những việc gì làm được họ cũng đã làm hết cách để tồn tại, duy trì sản xuất và cố gắng giữ lực lượng lao động cao nhất có thể. Tuy nhiên, tình hình thị trường trong và ngoài nước khó khăn kéo dài trong thời gian qua dường như đã vượt xa sự căng kéo, khả năng gồng gánh,… của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, yếu về tài chính, quản lý.
Người lao động và doanh nghiệp cùng nỗ lực
Trong bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động hiện tại, KTSG Online ghi nhận thực tế đời sống của công nhân mất việc rất gian nan để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhìn vào đời sống công nhân thấy đa số vẫn quay quắt trong vòng xoáy “cơm áo gạo tiền”.
Chưa gượng dậy sau “bão” dịch thì “bão” giá đã ập đến. Giá nguyên liệu đầu vào, xăng, gas tăng đã kéo hàng loạt mặt hàng thiết yếu đội giá theo, trong khi đồng lương cơ bản suốt hai năm qua vẫn “giậm chân tại chỗ” hoặc bị sụt giảm do thời gian làm việc bị giảm.
Đã thế nhiều người lao động trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu còn lo lắng mình có thể vào tầm ngắm bị sa thải bất cứ lúc nào trong bối cảnh doanh nghiệp sựt giảm đơn hàng sản xuất kéo dài.
Theo các doanh nghiệp, đơn hàng giảm thì quy mô về nhân lực sẽ dư dần. Tình trạng thiếu việc còn nghiêm trọng hơn ở cả thời điểm trước tết Nguyên đán vừa qua.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, có gần 294.000 lao động phải nghỉ, giãn việc do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong 3 tháng đầu năm. Cả nước có gần 118.000 động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quí cuối cùng của năm 2022. Bước sang quí 1/2023, con số này tiếp tục tăng lên với số lượng gần 149.000 người.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong quí 2. Bên cạnh một số ngành tăng tuyển dụng thì sẽ có những nhóm tiếp tục sụt giảm việc làm.
Dự báo các ngành may mặc sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người…
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng cắt giảm lao động diễn ra thời gian qua nguyên nhân chính do các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, khi cắt giảm lao động, doanh nghiệp sẽ thay thế lao động có tay nghề thấp, những lao động có tay nghề tốt sẽ được ưu tiên giữ lại.
Việc ít, đương nhiên thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Song, lúc này các công ty rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của người lao động để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo các chuyên gia phân tích, chu kỳ của nền kinh tế sẽ tạo đáy. Khi đáy hiện nay không vượt qua được sẽ tạo ra một đáy mới. Theo đó dự báo sẽ xuất hiện cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Việt Nam nằm trong chuỗi toàn cầu, nên cũng bị ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới. Chính vì vậy, thị trường lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Rõ ràng sự khó khăn của nền kinh tế, bao gồm cả phía cung lẫn phía cầu, đang đổ dồn lên doanh nghiệp, buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để giảm thiểu chi phí hoạt động, chờ đợi cơ hội quay trở lại thị trường.
Tình hình trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế hiệu quả, doanh nghiệp sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy khó khăn và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng, theo đó lượng lao động mất việc làm sẽ tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, giới phân tích cho rằng Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất vay; nghiên cứu cắt, giảm các loại thuế, phí; linh hoạt điều chỉnh về tổng số giờ lao động, giờ làm thêm để phù hợp tình hình mới, qua đó tạo bệ đỡ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Các chuyên gia cho rằng việc cân nhắc giảm 2% thuế VAT vừa hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Bởi lẽ trong bối cảnh có hơn nửa triệu người mất việc làm phải rút bảo hiểm xã hội một lần, hàng trằm ngàn lao động mất việc, bị giãn việc, bớt giờ làm; cùng với đó là tổng cầu khá yếu kéo dài thì việc giảm 2% VAT của Chính phủ được xem là một trong những giải pháp trong tình hình khó khăn chung kéo dài hiện nay. Con số 2% sẽ góp phần đáng kể vào việc kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.