Doanh nghiệp nhà đất chớp thời cơ gom dự án 'ngộp'

Giữa bối cảnh thị trường và nhiều doanh nghiệp bất động sản cạn kiệt dòng tiền, nợ nần chồng chất, không ít 'đại gia' với dòng tiền mạnh đang dồn lực để gom quỹ đất, mua lại dự án 'ngộp'.

Chia sẻ với Vnbusiness, giám đốc một công ty địa ốc ở TP.HCM, tiết lộ vừa rót gần 350 tỷ đồng để mua lại một dự án đất nền ở Đồng Nai, mức giá giảm gần 30% so với cách đây 1 năm. Đặc biệt, đây chỉ là một trong số 3 dự án “ngộp” đang được công ty này đàm phán mua lại trong quý II/2023.

Đua “săn” dự án giá hời

“Do tín dụng bị thắt chặt, lãi suất neo cao, nhiều công ty đang lâm vào bế tắc. Có dự án đã rót vào 50-60 tỷ đồng vẫn trầy trật, gõ cửa mời chúng tôi mua lại. Với dòng tiền mạnh, mục tiêu của chúng tôi là gom thêm 250-300 ha quỹ đất sạch trong năm 2023”, vị đại diện doanh nghiệp nói.

Thực tế cho thấy, chiến thuật “lội ngược dòng” mua lại dự án giá rẻ đang được nhiều công ty địa ốc thực hiện trong thời gian qua. Điển hình như Khải Hoàn Land (KHG) đang đặt mục tiêu tăng quỹ đất lên đến hơn 1.000 ha trong năm 2023, đủ để phát triển trong vòng 5 năm tới.

Bà Đinh Nhật Hạnh, Phó Chủ tịch KHG, nhận định: "Ở thời điểm này, thị trường bất động sản đang xấu nhất trong nhiều năm qua, đây là thời cơ tố để tăng quỹ đất".

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chớp thời cơ gom quỹ đất, dự án giá hời.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chớp thời cơ gom quỹ đất, dự án giá hời.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) dự án hay mua dự án “ngộp” không phải chiến lược mới, KHG đã và đang thực hiện xuyên suốt. Từ đầu năm, KHG đã tiếp xúc nhiều quỹ đầu tư trong khu vực muốn kết hợp với đơn vị trong nước có hệ thống phân phối lớn.

Tương tự, thời gian qua, G6 Group cũng đang tăng cường đàm phán mua lại các dự án với mức giá hợp lý mà giai đoạn trước rất khó có thể mua được hoặc phải mua với mức giá rất cao.

Tháng 6/2022, G6 Group đã mua lại dự án chung cư Đại Mỗ, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. Trong đầu năm 2023, công ty này cũng đàm phán góp vốn mua lại 1 tòa nhà cao tầng trung tâm Hà Nội, có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Cơ hội đang mở ra, tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch G6 Group, trong một cuộc trao đổi với báo giới cho rằng, mọi chuyện không hề đơn giản. Cơ hội chỉ đến với những doanh nghiệp có tầm nhìn, đủ bản lĩnh, dám nắm bắt kịp thời và có chiến lược đúng đắn để biến tiềm năng thành hiện thực.

Đơn cử như với việc M&A bất động sản, để mua được các dự án tốt với mức giá hợp lý với tiến độ thanh toán tốt, bên cạnh việc phải có nguồn vốn tích lũy từ giai đoạn trước, đôi khi doanh nghiệp phải chấp nhận các rủi ro như pháp lý chưa xong, hoặc gặp khó khăn về thủ tục nhưng chắc chắn triển khai được.

“Mua lại dự án “ngộp” hay thâu tóm quỹ đất sạch giá hời là điều nhiều doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội nhưng không phải ai cũng dám làm”, ông Nguyễn Anh Quê nhấn mạnh.

Điểm tựa trong khó khăn

Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường gặp khó, hoạt động M&A đang là một trong những giải pháp hữu hiệu được nhiều doanh nghiệp thúc đẩy nhằm cải thiện dòng tiền để xoay xở, cơ cấu nợ.

Theo Savill Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2023, đơn vị này đang trong quá trình tư vấn đàm phán 5 vụ mua bán dự án bất động sản, giá trị giao dịch ở mức 50 - 100 triệu USD (khoảng 1.170 - 2.350 tỷ đồng). Con số kỷ lục so với cùng kỳ của khoảng 10 năm trở lại đây.

Ông Neil MacGregor, CEO của Savills Việt Nam, cho hay hầu hết các thương vụ mua bán gửi đến doanh nghiệp này thời gian qua là của các khách hàng đang khát vốn. Lãi suất neo cao, dòng tiền từ nhà băng bị thắt chặt buộc các chủ sở hữu bất động sản phải bán bớt cổ phần.

Bên cạnh những ưu điểm, nhiều người đang lo ngại khó khăn sẽ khiến các dự án tốt lọt vào tay các nhà đầu tư ngoại. Lo lắng là có cơ sở bởi, trong thời gian qua, một điểm dễ thấy là các doanh nghiệp địa ốc trong nước đang tăng cường hợp tác quốc tế để tìm kiếm dòng tiền.

Nhiều quỹ đầu tư bên ngoài cũng đang “rình rập” chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp nội gặp khó khăn phải bán. Điều này có thể gây hệ lụy lâu dài đối với việc kiểm soát thị trường bất động sản, cũng như nhiều vấn đề kinh tế xã hội khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời “cá lớn nuốt cá bé” dường như đã qua, hiện tại các doanh nghiệp nội với tiềm lực mạnh, quỹ đất dồi dào mới đang là bên nắm lợi thế.

Trong một bài viết của Vnbusiness cũng từng dẫn lời bà Nguyễn Thị Vân Khanh, chuyên gia của JLL Việt Nam, đánh giá thâu tóm hay hợp tác là hai mảng của M&A. Hiện, M&A không chỉ là một “game" thu gom tài sản đơn thuần, mà như giải pháp doanh nghiệp để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.

“Chưa kể, các doanh nghiệp nội ngày càng nắm lợi thế lớn hơn về quỹ đất, tiềm lực tài chính, sự thấu hiểu thị trường… khiến các doanh nghiệp quốc tế thay đổi chiến lược trong các thương vụ M&A, từ “mua đứt, bán đoạn” sang hợp tác cùng phát triển”, bà Khanh phân tích.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/doanh-nghiep-nha-dat-chop-thoi-co-gom-du-an-ngop-1092154.html