Doanh nghiệp nhà ở: 'Và con tim đã vui trở lại?'

Sau một năm 2024 'thở phào' từ doanh thu tới lợi nhuận, các doanh nghiệp nhà ở đang hướng đến năm 2025 tốt hơn. Thực tế cũng cho thấy các chủ đầu tư đang bung hàng mạnh trong thời gian qua, tuy nhiên cuộc chơi nhiều khả năng vẫn nằm trong tay các ông lớn.

Ghi nhận của VnBusiness cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2025, hàng loạt doanh nghiệp nhà ở rục rịch bung hàng đón sóng hồi phục. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Phát Đạt (PDR), nhận định thị trường bất động sản 2025 sẽ ấm dần nhờ độ ngấm của chính sách gỡ khó về pháp lý và tín dụng.

Vào ray hồi phục

Riêng với PDR, trong nửa đầu năm 2025, theo ông Đạt, các dự án Thuận An 1&2, Quy Nhơn Iconic và Cadia Quy Nhơn sẽ được đưa vào kinh doanh. Ước tính doanh số từ 6 dự án trọng điểm của công ty trong giai đoạn 2025 - 2027 lên đến 40.000 - 50.000 tỷ đồng.

Tương tự, ngay trong quý I/2025, Nhà Khang Điền (KDH) lên kế hoạch mở bán tổ hợp dự án The Foresta tại TP Thủ Đức (được kết hợp từ 2 dự án Clarita và Emeria), gồm 826 căn thấp và cao tầng, với kỳ vọng đem về hơn 9.000 tỷ đồng doanh thu trong giai đoạn 2025 – 2026.

Bất động sản An Gia (AGG) cũng ra mắt dự án The Gió Riverside tại khu Đông Sài Gòn ngay trong tháng 3 này. Với diện tích khoảng 2,9ha, The Gió Riverside có quy mô hai tòa tháp cao 40 tầng, cung cấp cho thị trường 3.000 căn hộ.

Doanh nghiệp nhà ở kỳ vọng năm 2025 sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Doanh nghiệp nhà ở kỳ vọng năm 2025 sẽ tăng trưởng tốt hơn.

Trước đó, Vinhomes (VHM), doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngành đã mở bán 2 dự án là Vinhomes Apollo City và Wonder City, sắp tới sẽ mở bán các dự án Phước Vĩnh Tây, Dương Kinh, bên cạnh các căn còn lại của những dự án đang triển khai.

Trong khi đó, cuối tuần qua, Nam Long ký kết hợp tác với 17 đại lý phân phối dự án Waterpoint, đồng thời cấp tập chuẩn bị để có thể ra mắt dự án Izumi City trong nửa cuối năm 2025, bên cạnh việc triển khai tiếp dự án Akari City và Central Lake.

Bên cạnh các doanh nghiệp có dự án chuẩn bị ra hàng, nhiều doanh nghiệp cũng rục rịch khởi động lại các dự án cũ và khởi công dự án mới. Điển hình, CTCP Tổng Bách Hóa và Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa khởi công dự án Greenera Southmark tại cửa ngõ phía Nam TP Hà Nội.

Tương tự, Tập đoàn Xuân Cầu khởi công dự án Alluvia City tại thị trấn Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) với diện tích sử dụng đất lên tới 200ha và tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 31.000 tỉ đồng. MIK Group cũng khởi công dự án The Continental - Imperia Signature Cổ Loa, dự kiến cung cấp khoảng 2.184 căn hộ cao cấp ra thị trường.

Tại khu vực phía Nam, các chủ đầu tư cũng đang tích cực khởi động dự án, tung sản phẩm đón sóng thị trường. Đơn cử, Tập đoàn Đất Xanh gần đây có những tín hiệu khả quan trong tiến độ pháp lý và triển khai các dự án. Với việc tái khởi động dự án Gem Riverside (TP.HCM), Đất Xanh đặt mục tiêu bán hàng cao trong năm 2025.

Niềm vui có trọn vẹn?

Cũng cần phải nhắc lại, trong năm 2024, kết quả kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp nhà ở có sự hồi phục tích cực. Hơn 90 doanh nghiệp đã niêm yết ghi nhận doanh thu tăng gần 10% so với năm 2023. Doanh thu tăng tạo động lực đưa lợi nhuận sau thuế của các chủ đầu tư đi lên.

Kết quả doanh thu và lợi nhuận năm 2024, cùng với những hoạt động sôi nổi trong những tháng đầu năm là cơ sở tương đối chắc chắn để đánh giá các doanh nghiệp nhà ở có triển vọng tươi sáng trong năm 2025.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Dương Đức Hiếu, chuyên gia cao cấp của VIS Rating, nhận định 2025 sẽ là một năm ghi nhận hiệu quả hoạt động tốt hơn của các chủ đầu tư. Doanh thu bán hàng của các đơn vị có thể tăng trưởng 25 - 50%.

Dự báo tích cực trên, theo ông Hiếu, đến từ việc nguồn cung nhà ở mới nhờ hoạt động phát triển dự án đã gia tăng từ nửa cuối năm 2024 được củng cố bởi tâm lý tích cực của người mua nhà sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng và nâng cao hiệu quả tài chính của các chủ đầu tư năm 2025.

Tuy vậy, thị trường đang chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp. Những chủ đầu tư đang nắm nhiều lợi thế cạnh tranh. Ngược lại, các doanh nghiệp có thanh khoản yếu có thể gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn, dẫn đến nguy cơ trì hoãn dự án hoặc phải tái cấu trúc hoạt động.

Bất chấp việc trong năm 2025, khi thị trường mở rộng hơn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thêm cơ hội, thị trường vẫn duy trì tình trạng phân hóa sâu sắc, với lợi thế gần như tuyệt đối của Vingroup – Vinhomes và một số ít “ông lớn” khác.

Minh chứng là trong năm 2024, nhóm 3 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất gọi tên Vinhomes với 35.052 tỷ đồng, Vingroup 5.251 tỷ đồng và Nam Long với 1.381 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong “miếng bánh” lợi nhuận toàn ngành.

Bên cạnh những lo ngại về sự mất cân bằng trong cạnh tranh, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá sức ép nợ trái phiếu và dòng tiền tài chính vẫn đang là rào cản lớn của doanh nghiệp nhà ở.

Những thách thức trên, theo ông Lực, đòi hỏi các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch chuyên nghiệp hóa hoạt động phát triển, kinh doanh dự án để tận dụng cơ hội, thu được lợi nhuận bền vững trong môi trường pháp lý và điều kiện thị trường mới.

Tựu trung lại, kết quả kinh doanh và diễn biến thị trường thời gian qua mang đến nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp nhà ở trong năm 2025, dẫu rằng ít nhiều vẫn còn đó những thách thức không nhỏ. Trong bối cảnh các rào cản pháp lý được cởi bỏ, yếu tố hỗ trợ về lãi suất được đẩy mạnh, niềm tin, sức mua được cải thiện, thị trường gần như chắc chắn sẽ đi lên, trừ khi có một cú sốc bất ngờ xảy đến.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/doanh-nghiep-nha-o-va-con-tim-da-vui-tro-lai-1105722.html