Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và coi Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và coi Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn nhằm thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, từ ngày 7-10/8 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã thăm chính thức Nhật Bản. Trong chuỗi hoạt động tại Nhật, sáng 7/8, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko đã đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản và hội đàm.
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Kamikawa Yoko gửi lời chia buồn sâu sắc về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; khẳng định mong muốn hai bên tiếp nối di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị trên mọi lĩnh vực.
Trong không khí hữu nghị, chân thành và tin cậy, hai bên đã rà soát lại những kết quả đã đạt được kể từ cuộc họp Ủy ban hợp tác lần thứ 11 đến nay và trao đổi các biện pháp nhằm cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới được thiết lập năm 2023. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa kết nối hai nền kinh tế thông qua đẩy mạnh hợp tác ODA, đầu tư, thương mại, lao động…
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản và linh hoạt hơn cho Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn. Cùng với đó, đề nghị Nhật Bản thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp chủ chốt, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và tiến tới miễn thị thực nhập cảnh Nhật Bản đối với công dân Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đề nghị phía Nhật Bản thúc đẩy mở các khoa giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam tại các trường Nhật Bản trong bối cảnh cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng nhanh thời gian gần đây.
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Kamikawa Yoko khẳng định, Nhật Bản mong muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong đổi mới, cải cách hành chính, bảo đảm nguồn cung điện ổn định nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi phát triển kinh tế, Bộ trưởng Kamikawa cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và coi Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn nhằm thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Hai bên hoan nghênh và khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1 nhằm bảo đảm nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam kinh doanh hiệu quả và bền vững; đưa kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng ổn định, bền vững; thúc đẩy mở cửa thị trường cho hoa quả của hai nước, trong đó có quả bưởi của Việt Nam và quả nho của Nhật Bản.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác toàn diện sang các lĩnh vực mới gồm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, xã hội số thông qua các sáng kiến, dự án thiết thực, cụ thể.
Bộ trưởng Kamikawa Yoko nhấn mạnh Nhật Bản mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đồng sáng tạo phát triển bền vững, hợp tác giảm phát thải, môi trường thông qua các sáng kiến như Cộng đồng Phát thải bằng 0 châu Á (AZEC) …
Đánh giá cao đóng góp tích cực của cộng đồng gần 570.000 người Việt Nam vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản, Bộ trưởng Kamikawa Yoko giới thiệu về chính sách lao động mới của Nhật Bản ban hành vào tháng 6/2024, theo đó sẽ có nhiều chế độ ưu đãi hơn dành cho lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam; khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn hơn cho lao động Việt Nam.
Bộ trưởng Kamikawa Yoko khẳng định thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trẻ với Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến NEXUS về giao lưu nghiên cứu, trao đổi du học sinh dựa trên kết quả Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Nhật Bản năm 2023.
Sau Phiên họp, hai Bộ trưởng đã tiến hành hội đàm. Hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua thực hiện thường xuyên các chuyến thăm, trao đổi của Lãnh đạo cấp cao hai nước; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ chế đối thoại; thúc đẩy thực chất hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mời lãnh đạo Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư và Diễn đàn Tương lai ASEAN tổ chức tại Việt Nam vào năm 2025.