Doanh nghiệp Nhật nắm giữ 'núi' tiền mặt khổng lồ
Khối tiền mặt của các doanh nghiệp niêm yết tại Nhật đang ở mức cao kỷ lục, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2013...
Các ngân hàng tại Nhật Bản hiện đang nắm giữ khối tiền mặt lớn hơn GDP của nước này. Đây là dự trữ tiền mặt của các doanh nghiệp niêm yết tại Nhật Bản.
Theo dữ liệu mới nhất thu thập bởi Bloomberg, các doanh nghiệp niêm yết tại Nhật đang nắm giữ 506.400 tỷ Yên (4.800 tỷ USD), mức cao nhất từ trước đến nay. Con số này cao gấp hơn 3 lần so với thời điểm tháng 3/2013, vài tháng sau khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại cương vị điều hành đất nước với cam kết dẹp bỏ tình trạng đầu cơ tiền mặt.
Trong khi các doanh nghiệp xem tiền mặt là "cứu cánh" vào những lúc khó khăn, điều này lại khiến các nhà đầu tư không hài lòng. Họ cho rằng ban giám đốc nên đầu tư số tiền đó để tăng trưởng hoặc chia thêm lợi nhuận cho cổ đông.
Một trong những chính sách được tán thưởng nhiều nhất của ông Abe là cải tổ cấu trúc điều hành doanh nghiệp, khuyến khích các công ty sử dụng vốn hiệu quả hơn là để chúng trong tài khoản ngân hàng.
Các chính sách của thủ tướng Nhật không hẳn không có hiệu quả. Nhiều công ty đã trả cổ tức lớn hơn cho các cổ đông kể từ khi chính quyền của ông Abe đưa ra quy định mới cho các nhà đầu tư và giám đốc doanh nghiệp vào năm 2014. Tuy nhiên, Zuhair Khan, giám đốc nghiên cứu tại Jefferies Japan Ltd., ước tính các doanh nghiệp chỉ đang phân phối khoảng 40% lợi nhuận cho cổ đông, trong khi có đủ tiền để chi trả tới 70%.
Theo Felix Lam, quản lý danh mục chứng khoán châu Á Thái Bình Dương tại BNP Paribas SA, có trụ sở ở Hồng Kông, lý do các doanh nghiệp tích trữ tiền mặt không hẳn đến từ tâm lý thận trọng.
"Lý do khối tiền mặt tăng cao đã đi từ yếu tố dự phòng sang cải thiện các yếu tố nền tảng", Lam cho biết. "Trong ba năm tài chính vừa qua, các doanh nghiệp Nhật đã mua lại cổ phiếu với số lượng kỷ lục và họ chủ yếu dùng nguồn tiền của công ty thay vì đi vay nợ".
Theo ước tính của Goldman Sachs Group Inc., năm 2018, giá trị các vụ mua lại cổ phiếu được công bố bởi các doanh nghiệp niêm yết tại Nhật tăng lên khoảng 60 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, con số này đã tăng lên khoảng 50 tỷ USD, khi các công ty như Sony Corp. và SoftBank Group Corp. công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu lớn.
Trong khi đó, tính từ đầu năm, các công ty đã trả khoảng 8.400 tỷ Yên cổ tức cho cổ đông, mức cao chưa từng thấy từ trước đến nay, theo Societe Generale SA.
Tuy vậy, hoạt động mua lại cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhật vẫn còn khá khiêm tốn so với tại thị trường Mỹ với 500 công ty lớn nhất tuyên bố mua lại 800 tỷ USD cổ phiếu trong năm ngoái, theo Societe Generale.
Các nhà phân tích cho rằng doanh nghiệp Nhật chưa khai thác hết tiềm năng từ khối tiền mặt của mình. Ví dụ, thị trường mua bán, sáp nhập khá im ắng. Theo số liệu của Bloomberg, giá trị các thương vụ công bố của doanh nghiệp niêm yết ở Nhật đã giảm xuống còn khoảng 95 tỷ USD từ mức 215 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Theo Soichiro Matsumoto, giám đốc đầu tư tại Nhật của Credit Suisse Group AG, khi gửi khối tiền mặt khổng lồ tại ngân hàng với lãi suất 0%, các công ty cuối cùng sẽ chịu mức lợi suất trên vốn (ROE) thấp hơn.
Cách làm thận trọng của các giám đốc doanh nghiệp Nhật không phải điều ngạc nhiên với nhiều nhà quan sát thị trường bởi hầu hết doanh nghiệp bắt đầu duy trì tâm lý thận trọng khi giá trị tài sản lao dốc vào đầu những năm 1990. Trong quãng thời gian kinh tế trì trệ đó, còn được gọi là những thập kỷ lạc lối, nhiều tổ chức tài chính đã không có khả năng cho doanh nghiệp vay tiền.
Ba thập kỷ sau đó, nhiều giám đốc doanh nghiệp vẫn muốn được độc lập và không phải vay nợ. "Chiến lược này là nắm giữ thật nhiều tiền mặt để có thể linh hoạt hơn trong việc mua lại cổ phiếu hoặc là "vịnh tránh bão" khi gặp biến động bởi không ai biết khi nào nền kinh tế sẽ đi xuống", Khan, giám đốc nghiên cứu của Jefferies Japan Ltd, cho biết.