Doanh nghiệp nhỏ của Mỹ vay tiền từ cộng đồng khi khó tiếp cận ngân hàng

Nhờ các nền tảng huy động vốn mới, các doanh nghiệp nhỏ và các công ty khởi nghiệp ở Mỹ có thể bán trái phiếu cho khách hàng cùng người dân địa phương để huy động vốn mà không ảnh hưởng đến cơ cấu cổ phần. Phương thức huy động vốn này đang được tận dụng trong bối cảnh lãi suất cho vay của các ngân hàng trở nên đắt đỏ và các điều kiện cho vay khó khăn hơn.

Erik Hernandez, chủ sở hữu của MISE, một doanh nghiệp sản xuất giày cho công nhân thực phẩm và đồ uống, huy động thành công 124.000 đô la thông qua đợt phát hành trái phiếu trên nền tảng huy động vốn cộng đồng SMBX. Ảnh: WSJ

Erik Hernandez, chủ sở hữu của MISE, một doanh nghiệp sản xuất giày cho công nhân thực phẩm và đồ uống, huy động thành công 124.000 đô la thông qua đợt phát hành trái phiếu trên nền tảng huy động vốn cộng đồng SMBX. Ảnh: WSJ

Sử dụng một công cụ huy động vốn ít được biết đến, doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ có thể bán trái phiếu cho hàng trăm nhà đầu tư nhỏ, là khách hàng của những công ty hoặc những người dân địa phương. Mức đầu tư tối thiểu có thể thấp đến 10 đô la Mỹ.

Những doanh nghiệp này đang tận dụng sự thay đổi về quy định, cho phép doanh nghiệp thu hút vốn từ các nhà đầu tư không đủ chuẩn (nonaccredited investors) theo định nghĩa của Ủy ban chứng khoán và sản giao dịch Mỹ (SEC).

Đây là những nhà đầu tư có thu nhập hoặc tài sản tương đối khiêm tốn. Khi chứng kiến các doanh nghiệp địa phương mà họ yêu mến gặp khó khăn kể từ khi đại dịch Covid-19, những nhà đầu tư nhỏ lẻ coi trái phiếu là cách để hỗ trợ các doanh nghiệp đó đồng thời cũng mang lại cho họ khoản lợi nhuận tài chính.

Huy động vốn từ các nhà đầu tư không đạt chuẩn

Hồi tháng 4, cửa hàng rượu Palm City Wines ở thành phố San Francisco tìm cách huy động 250.000 đô la bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhỏ. Mateo Kashuk, một kỹ sư phần mềm 32 tuổi, ngay lập tức cam kết đầu tư 200 đô la.

Chỉ trong vòng 5 ngày, lượng người đăng ký mua trái phiếu của Palm City Wines, có kỳ hạn 5 năm với lợi tức 5%, vượt quá mục tiêu. Palm City Wines đã tăng nâng mức trần huy động vốn và cuối cùng, thu về hơn 400.000 đô la.

Theo Dennis Cantwell, đồng sáng lập của Palm City Wines, số tiền huy động được sẽ giúp công ty mở cửa hàng thứ hai. Sau khi nhận khoản vay từ ngân hàng dưới sự bão lãnh từ Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) của chính phủ Mỹ để mở chi nhánh đầu tiên của Palm City Wines, Cantwell không còn tài sản thế chấp nào để đề nghị khoản vay thứ hai. Vì vậy, doanh nhân này rất vui khi huy động vốn từ những khách hàng mà công ty đã xây dựng mối quan hệ kể từ khi ra mắt trong thời đại dịch Covid-19.

“Đây là cơ hội cho những khách hàng và người dân yêu mến chúng tôi hỗ trợ chúng tôi theo một cách khác”, Cantwell nói.

Cho đến gần đây, doanh nghiệp nhỏ không thể huy động vốn từ các nhà đầu tư không đạt chuẩn của SEC, là những người có mức lương hàng năm dưới 200.000 đô la hoặc tài sản có thể đầu tư dưới 1 triệu đô la.

Tuy nhiên, Đạo luật Việc làm năm 2012 của Mỹ đưa ra quy định cho phép doanh nghiệp nhỏ được gọi vốn từ cộng đồng nhà đầu tư không đạt chuẩn, miễn là hoạt động huy động vốn này được thực hiện qua các nền tảng đã đăng ký với SEC đồng thời phải là thành viên của Cơ quan Quản lý tài chính Mỹ.

Phải mất 4 năm thì quy định này mới được SEC chấp thuận, chủ yếu nhằm mục đích bán cổ phần, mang lại cho nhà đầu tư nhỏ lẻ cơ hội tạo ra lợi nhuận lớn bằng cách đầu tư vào những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, mọi người nhận ra rằng cơ chế huy động vốn mới từ cộng đồng cũng có thể được sử dụng để phát hành nợ, thường phù hợp hơn để huy động tiền cho các mục đích khiêm tốn hơn. Chằng hạn, một doanh nghiệp nhà hàng đang thu xếp chi phí để chuyển đến một địa điểm lớn hơn hoặc nâng cấp thiết bị nhà bếp. Bằng cách phát hành trái phiếu, không giống như vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp có thể nhận được tiền nhưng không phải từ bỏ quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh cho các cổ đông.

“Quy định huy động vốn từ cộng đồng phù hợp với các doanh nghiệp có mạng lưới khách hàng rất mạnh và có thể nhận được số tiền đầu tư hợp lý từ nhiều người để đạt được mục tiêu. Thông thường, đó là những doanh nghiệp hướng tới người tiêu dùng có thời gian kinh doanh đủ lâu để xây dựng danh sách khách hàng trung thành lớn”, Kim Arnone, đối tác quản lý của Cutting Edge Capital, một công ty hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ nói.

Giải pháp thay thế cho việc vay vốn từ ngân hàng

Phải mất 3 năm để các nền tảng huy động vốn bằng phát hành nợ ở Mỹ như Mainvest, Honeycomb Credit, SMBX và WeFunder, đạt được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Các nền tảng huy động vốn cộng đồng có thể tự đặt ra số tiền tối thiểu cho mỗi đợt phát hành nợ. Đối với một số doanh nghiệp nhỏ, trái phiếu cung cấp giải pháp thay thế cho việc vay ngân hàng thông thường. Việc vay tiền từ ngân hàng và các tổ chức tài chính thường trở nên khó khăn, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế bất ổn hoặc lãi suất tăng cao. Theo một nghiên cứu của Cục Dự trữ liên bang (Fed), gần một nửa số ngân hàng đã thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ trong những tháng gần đây.

Theo Scott Rogalski, Phó giám đốc phụ trách các sáng kiến chiến lược tại Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nhỏ Bắc California, nếu chủ doanh nghiệp không có báo cáo tài chính, lịch sử tín dụng tốt hoặc tài sản thế chấp, cơ hội nhận được khoản vay từ ngân hàng có thể rất mong manh,

“Nếu bạn đang chuẩn bị mở một nhà hàng hoặc bạn muốn phát triển nhà hàng hiện tại của mình, rất nhiều ngân hàng sẽ từ chối cho bạn vay”, ông nói.

Trong vòng hai năm, Erik Hernandez đã tiếp cận bảy ngân hàng lớn nhỏ để xin vay vốn cho MISE, một doanh nghiệp sản xuất giày cho công nhân thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, đơn xin vay ngân hàng của anh không được ngân hàng nào chấp nhận vì MISE, công ty chỉ mới ra mắt vào năm 2020, chưa có lợi nhuận.

Đến tháng 2 năm nay, SMBX đồng ý để MISE huy động tiền trên nền tảng này. MISE hy vọng sẽ huy động được 75.000 đô la bằng cách cung cấp một trái phiếu trả lãi 11% trong thời hạn ba năm. Hernandez đã quảng bá đợt bán trái phiếu trên các tài khoản mạng xã hội của MISE. Ngay trong ngày đầu tiên mở bán trái phiếu, công ty đã huy động được 76.000 đô la. Sau đó, Hernandez nâng số tiền tối đa có thể huy động lên 124.000 đô la và đã thành công trong vòng hai tuần.

“Thật sự rất khó tin khi thấy những khoản đầu tư đa dạng từ từ 10 đô la cho đến 35.000 đô la. Có một lượng nhà đầu tư là khách hàng đã mua giày của chúng tôi. Cộng đồng đã hỗ trợ chúng tôi”, Hernandez nói.

Các nền tảng phát hành trái phiếu lớn nhất nhấn mạnh về việc chọn lọc các doanh nghiệp mà họ bảo lãnh và đã từ chối hơn 90% người nộp đơn. Những nền tảng này lo ngại, nếu các doanh nghiệp không trả được nợ, các nhà đầu tư sẽ rời đi.

Đối với một số nhà đầu tư, ý tưởng hỗ trợ các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng ở địa phương đáng để mạo hiểm. Jennie Schacht từng đầu tư vào các doanh nghiệp địa phương thất bại trong quá khứ. Dù vậy, cô vẫn hào hứng đầu tư 25.000 đô la vào cửa hàng bánh mì vòng Boichick Bagels, ở Berkeley, California, khi có cơ hội vào năm ngoái.

“Tôi thích đầu tư vào một doanh nghiệp địa phương tốt mà tôi có mối quan hệ cá nhân”, cô nói.

Là một nhà văn chuyên viết về ẩm thực và là tác giả của một số cuốn sách dạy nấu ăn, cô đánh giá cao các nhà hàng địa phương.

“Điều đó khiến tôi cảm thấy như mình đang chung tay hỗ trợ để điều tốt đẹp xảy ra. Đầu tư vào thứ gì đó mà bạn có thể ăn thú vị hơn là đầu tư vào một quỹ theo dõi chỉ số nào đó”, cô chia sẻ.

Theo WSJ

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nho-cua-my-vay-tien-tu-cong-dong-khi-kho-tiep-can-ngan-hang/