Doanh nghiệp nhỏ làm nông nghiệp cần gì để lớn lên?

Giữa thời 'bão giá', với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thì việc tiết kiệm tối ưu, kìm giữ giá thành để giá bán sản phẩm không tăng quá cao đã là nỗ lực lớn. Bị xem là thành phần 'yếu thế', nên tự thân các DN này cũng cần tìm thêm những cách thức để 'lấy ngắn nuôi dài', đồng thời cũng cần sự quan tâm, động viên, khích lệ và cả sự hỗ trợ hiệu quả từ những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm.

Ở góc độ của một DN nhỏ đã hoạt động được hơn 3 năm nay, chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây quế rừng ở tỉnh Quảng Ngãi, bà Trần Thị Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Tân Hoa Thảo, cho biết trong bối cảnh “bão giá”, những chi phí sản xuất kinh doanh của DN tăng lên khoảng 20%. Trong đó, phần lớn đến từ chi phí vận chuyển do giá xăng dầu tăng cao, tăng chi phí cho bao bì, nguyên liệu…

Kìm giữ giá thành giữa “bão giá”

Với mức tăng như vậy nên buộc công ty của bà Quỳnh phải có những điều chỉnh, thay đổi dần cho phù hợp. Chẳng hạn như phải giảm các chi phí marketing, bán hàng, các chi phí trong nội bộ để không ảnh hưởng đến giá thành, từ đó sẽ không tăng giá bán sản phẩm.

Là DN nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, công ty của bà Trần Thị Xuân Quỳnh đã phải tiết giảm tối đa chi phí marketing dưới thời “bão giá”.

Là DN nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, công ty của bà Trần Thị Xuân Quỳnh đã phải tiết giảm tối đa chi phí marketing dưới thời “bão giá”.

“Chúng tôi vốn dĩ là DN nhỏ nên giữa “bão giá” sẽ chịu nhiều tác động hơn những DN lớn. Còn với chi phí marketing, lúc trước công ty có sử dụng đa kênh, trong đó có phát triển website, TikTok…, nhưng trong giai đoạn này, do nguồn vốn hạn hẹp, để tiết kiệm tối ưu thì công ty chỉ tập trung quảng bá trên fanpage Facebook. Ngay bản thân giám đốc công ty cũng tự đi kết nối mối quan hệ với nhà phân phối ở các tỉnh, thành nhằm bán hàng tốt hơn”, bà Quỳnh nói.

Chia sẻ bên lề hội thảo ở Tp.HCM do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp (BSA) tổ chức nhằm bàn về đổi mới sáng tạo cho các DN nhỏ, DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, vị giám đốc của Công ty Tân Hoa Thảo cho biết, hiện giờ công ty chủ yếu dồn lực bán hàng trực tuyến (online) trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và trên fanpage. Và kênh bán hàng online này đang chiếm tới 70% doanh thu.

Còn theo ông Nguyễn Nam Trung, Giám đốc TNHH thương mại dịch vụ Biển Phương (Tp.HCM) - một DN nhỏ mới đưa sản phẩm ra thị trường từ đầu năm 2020, chuyên sản xuất thực phẩm chay, giữa “bão giá” thì các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào đã tăng giá từ 15% - 30%.

“Tuy vậy, do sản lượng sản xuất còn thấp và trước đó có tích trữ lượng nguyên liệu nhất định, cho nên công ty vẫn cố gắng kiềm giữ giá thành sản phẩm và hiện chỉ tăng 5% giá bán sản phẩm vào thời điểm lực bán còn hơi chậm. Mặc dù thế, trong tương lai vẫn chưa biết được sẽ tăng giá bán như thế nào”, ông Trung bộc bạch.

Vị giám đốc này cho biết hơn 90% doanh thu của công ty đang đến từ kênh phân phối truyền thống thông qua các đại lý, hệ thống bán lẻ ở các tỉnh, thành. Còn với kênh online thì doanh thu còn khá thấp, do nguồn lực có hạn nên công ty chưa thể phát triển mạnh ở kênh bán hàng này. Tất nhiên là công ty đang có kế hoạch để đẩy mạnh kênh online khi đây là xu thế tất yếu.

Không để mặc doanh nghiệp “lấy ngắn nuôi dài”

Bên cạnh đó, ông Trung cho rằng vì là DN nhỏ nên hiện tại chỉ muốn ổn định bộ máy trước, chưa muốn đi quá nhanh. Chính vì thế, ngay cả nhu cầu về vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thực sự công ty cũng chưa dám nghĩ đến nhiều.

Trên con đường phát triển hiện nay của các DN nhỏ, DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, những chia sẻ của bà Quỳnh hay ông Trung đã phản ánh phần nào những cố gắng trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh giữa giai đoạn khó khăn, giá cả leo thang. Mặt khác, cũng cho thấy những giới hạn nhất định của họ trong giai đoạn này.

Như lưu ý của ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, tư duy mới vẫn là quan trọng nhất để DN nhỏ, DN khởi nghiệp vững tin hơn trên con đường mình đi. "Khi hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ bản chúng ta đều là các thành phần “yếu thế”, nhưng chúng ta vẫn làm, làm vì tình yêu với sản phẩm, với quê hương, với những gì hàng ngày sống với nó", ông Viên nói.

Trao đổi với VnBusiness, ông Viên cho rằng những khát vọng, sự nỗ lực, cần cù của mình, cộng với tài nguyên bản địa sẽ mang lại triển vọng cho DN nhỏ. Vấn đề là phải có thị trường thì họ sẽ thành công. Tuy nhiên, xét về nguồn vốn, họ là những DN “yếu thế” nên khó tiếp cận với các đơn vị tài chính, ngân hàng, nhất là các ngân hàng luôn đòi hỏi các tài sản thế chấp. Còn đối với tín chấp thì các DN khởi nghiệp hầu như không có.

“Đó là sự yếu thế của họ. Nhưng họ vẫn đang rất nỗ lực. Thậm chí là có những người bán xe, bán nhà để dành hết tâm huyết cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông Viên nói.

Chính vì thế, trước nhiều khó khăn như vậy, điều mà DN nhỏ cần là sự quan tâm, động viên, khích lệ và cả sự hỗ trợ hiệu quả từ những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm.

Và quan trọng hơn nữa, theo giới chuyên gia, đó là tự thân các DN này cần tìm thêm những giải pháp, cách thức để “lấy ngắn nuôi dài”. Không chỉ vậy, sự dũng cảm khi dấn thân kinh doanh trong mảng nông nghiệp - vốn bị cho là mảng kinh doanh đầy bất trắc, cũng sẽ là động lực để thôi thúc các DN nhỏ, DN khởi nghiệp trong mảng nông nghiệp vươn lên trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-nho-lam-nong-nghiep-can-gi-de-lon-len-1084748.html