Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mong muốn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hơn mức 30%

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp trong năm 2020 sẽ cao hơn con số 30% mà Bộ Tài chính dự thảo, đồng thời thủ tục phải đơn giản, minh bạch.

93% doanh nghiệp được hưởng lợi

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nếu dự thảo được thông qua, sẽ có tới 93% số doanh nghiệp – là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được giảm thuế TNDN phải nộp trong năm 2020, mức giảm là 30%.

Về tiêu chí xác định DN nhỏ và siêu nhỏ được giảm thuế, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm DN siêu nhỏ); DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người (thuộc nhóm DN nhỏ).

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu thực hiện việc giảm thuế trên sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số giảm thu này sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư; đồng thời, sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo do DN có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Như vậy, nếu chính sách được thông qua, các DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ được hưởng đồng thời hai chính sách hỗ trợ về thuế, đó là chính sách giãn hoãn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/NĐ-CP và chính sách giảm thuế TNDN phải nộp trong năm 2020.

Mong muốn thủ tục đơn giản

Theo đánh giá của cộng đồng DN và các chuyên gia, chính sách giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và siêu nhỏ thời điểm này là rất cần thiết, được mong chờ.

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Bà Trần Thị Nga - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Quà tặng Thăng Long chia sẻ, trong thời gian dịch Covid-19 doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều lớn do các đơn hàng bị hủy, giảm... Vì vậy DN rất mong muốn được giảm thuế TNDN, dù khoản tiền nộp loại thuế này không nhiều.

Tuy nhiên, bà Nga cũng mong muốn thủ tục gia hạn thuế phải đơn giản, không cứng nhắc, cơ quan thuế hỗ trợ đầy đủ thông tin để việc xin giảm của DN được thuận lợi, đúng quy định, tránh trường hợp làm sai rồi lại bị truy thu, phạt... Vì theo chia sẻ của bà, trước đó Nhà nước có chính sách gia hạn thuế, dù đến 97% DN được hưởng nhưng công ty của bà lại không được hưởng chỉ vì tên DN không có chữ "dịch vụ".

"Khi được phổ biến về chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, do làm trong lĩnh vực dịch vụ và bị ảnh hưởng nặng nề, chúng tôi đã làm đơn xin gia hạn. Thế nhưng khi làm đơn thì bên thuế lại trả lời là chúng tôi không phải ngành dịch vụ, do trong tên công ty không có chữ "dịch vụ", vì vậy DN đã phải xoay sở nộp hơn 100 triệu đồng tiền thuế VAT" - bà Nga cho hay.

Theo ông Vũ Văn Sang - Giám đốc Công ty TNHH Quản trị doanh nghiệp BCM Việt Nam, thực tế cho thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều DN, đặc biệt các doanh nghiệp có nghành nghề liên quan đến hoạt động du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu... và các DN nhỏ, siêu nhỏ.

Hầu hết các DN có sự giảm sút trong doanh thu do nhu cầu tiêu dùng giảm và hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Tài chính doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng do mất cân đối dòng tiền, tăng công nợ tồn đọng từ khách hàng và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Do đó, cộng đồng DN này rất cần được hỗ trợ.

Ông Vũ Văn Sang cho biết, trước đó Nghị định 41/2020/NĐ-CP đã giúp rất nhiều DN tạm thời khắc phục được một phần khó khăn, thủ tục gia hạn cũng khá đơn giản. "Tuy nhiên, thực tế khó khăn với DN sẽ còn kéo dài, vì vậy theo tôi thời gian gia hạn cần phải dài hơn nữa để các DN có thể ổn định kinh doanh sau dịch Covid-19" - ông Sang nói.

Về đề xuất giảm 30% thuế TNDN với DN nhỏ và siêu nhỏ, ông Vũ Văn Sang cho rằng có ý nghĩa rất quan trọng, bởi thuế TNDN cũng là một khoản chi phí lớn tại nhiều DN. Dù vậy, theo ông mức giảm thuế nên tăng lên cao hơn, có thể là 50% để hỗ trợ nhiều hơn cho DN.

"Chính sách miễn giảm thuế cần ban hành sớm và kịp thời để DN chủ động hơn trong việc cân đối dòng tiền phục vụ hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh" - ông Sang kiến nghị.

DN nhỏ và siêu nhỏ khó có doanh thu mà nộp thuế

Đồng tình quan điểm cần có mức giảm thuế cao hơn, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng mức giảm nên sâu hơn. Vì thống kê của Hiệp hội này cho thấy khối DN nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch bệnh.

"Theo khảo sát của chúng tôi đến hết tháng 4, số DN định rút khỏi thị trường là 30% và vẫn có xu hướng tăng; DN thiếu hụt nguồn vốn sản xuất kinh doanh là 36,7%; ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh là 39,4%; hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ là 51,8%; không có nguồn thu để bù đắp là 43,4%; sụt giảm nguồn thu là hơn 60%... Với một bức tranh như thế thì chúng tôi nghĩ các DN nhỏ và siêu nhỏ rất khó có lời mà nộp thuế" - ông Tô Hoài Nam nói.

Do vậy, Hiệp hội DN nhỏ và vừa đã đề xuất miễn 100% thuế TNDN phải nộp trong năm 2020 với DN có doanh thu không quá 2 tỷ đồng; Giảm 70% đối với DN có tổng doanh thu từ 2-3 tỷ đồng, có số lao động tham gia BHXH không quá 10 người; Giảm 50% với trường hợp DN có tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng và số lao động tham gia BHXH bình quân không quá 100 người.

Ngoài ra, HTX có quy mô tương đương DN nhỏ và siêu nhỏ cũng được đề xuất áp dụng cơ chế tương tự.

"Đề nghị này dựa trên ý kiến hội viên của chúng tôi. Vì DN nhỏ và siêu nhỏ có vốn rất mỏng, nên chỉ có mấy tháng mà đã thể hiện tình trạng rất đuối sức. Mức hỗ trợ này để họ có thêm tích lũy để phục hồi. Đặc biệt, với DN siêu nhỏ, nếu miễn thuế TNDN cho họ, không chỉ giảm chi phí nộp thuế mà còn giảm áp lực về chi phí tuân thủ, vì họ không phải dành thời gian quyết toán thuế, thay vào đó tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh..." - ông Nam nói.

Hà Loan

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-nho-va-sieu-nho-mong-muon-giam-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-hon-muc-30/856256.antd