Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Được hỗ trợ nâng cao chất lượng lao động
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ) đang làm việc trong doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, góp phần nâng cao tay nghề cho NLĐ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Vừa học, vừa làm
Để nâng cao tay nghề cho NLĐ, lãnh đạo khách sạn Libra Hotel Nha Trang (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) đã đăng ký với Sở LĐ-TB-XH tổ chức đào tạo nghề cho NLĐ. Ngay sau đó, sở đã giao nhiệm vụ cho Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa căn cứ theo nhu cầu của DN mở lớp đào tạo 3 ngành nghề, gồm: Nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ buồng phòng, nghiệp vụ nhà hàng cho 19 NLĐ của khách sạn. Lớp học được mở tại khách sạn để NLĐ vừa tham gia học, vừa đảm bảo công việc hàng ngày. Quá trình đào tạo, NLĐ và DN không phải đóng bất kỳ khoản phí nào mà được thụ hưởng theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trong gần 3 tháng học, NLĐ đã được truyền dạy những kiến thức, kỹ năng mới của ngành nghề theo phương pháp đào tạo tích hợp giữa lý thuyết với thực hành, trong đó lấy thực hành làm trung tâm, gắn với thực tế kinh doanh của đơn vị. Chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên, nhân viên khách sạn Libra Hotel Nha Trang, tham gia học nghiệp vụ lễ tân chia sẻ: “Tôi vào DN làm việc hơn 1 năm. Quá trình làm việc, có nhiều kiến thức, kỹ năng thực tế công việc khác so với kiến thức tôi được học trước đây nên đôi lúc xử lý công việc còn lúng túng. Tham gia khóa đào tạo tại đơn vị đã giúp khai mở cho tôi nhiều kiến thức hay, sát với thực tế công việc, từ đó nâng cao tay nghề, được DN tin tưởng, gắn bó lâu dài”.
Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vật liệu xây dựng Ánh Dương (TP. Cam Ranh) cũng đăng ký và được Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh tổ chức đào tạo nghề xây dựng nề và điện công nghiệp cho 42 NLĐ đang làm việc tại công ty. Lớp đào tạo cũng diễn ra tại đơn vị, gắn với thực tế công việc hàng ngày, vừa đảm bảo giờ học và việc làm của NLĐ. Toàn bộ chi phí lớp học được Nhà nước hỗ trợ 100%. Anh Lê Văn Hải - nhân viên công ty, tham gia lớp điện công nghiệp cho biết: “Thực tế công việc ngày càng đổi mới, nâng cao; nhiều thiết bị điện công nghệ mới ra đời, trong khi đó chúng tôi chưa được tiếp cận. Qua lớp học, chúng tôi được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích, sát với thực tế để áp dụng, nâng cao chất lượng công việc”…
Góp phần nâng cao chất lượng lao động
Theo ông Đoàn Hồng Sơn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vật liệu xây dựng Ánh Dương, NLĐ làm việc tại công ty có tay nghề không đồng đều. NLĐ mới vào làm việc còn thiếu kinh nghiệm thực tế, lao động làm việc lâu năm thì chưa tiếp cận công nghệ mới. Từ đó, ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình xử lý công việc của đơn vị. Chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho DN đã cung cấp nhiều kiến thức mới, kỹ năng cần thiết giúp nâng cao tay nghề cho NLĐ. Qua đó, giúp DN hoạt động hiệu quả; tạo ra được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ. Đơn vị mong muốn thời gian tới tiếp tục được các ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ.
Còn bà Hoàng Thị Thanh Hương - trợ lý Giám đốc khách sạn Libra Hotel Nha Trang cho biết: “Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ trong các DN nhỏ và vừa rất cần thiết, không chỉ góp phần nâng cao tay nghề cho NLĐ, mà còn nâng cao thương hiệu, chất lượng dịch vụ của DN. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đăng ký để tiếp cận chính sách này và tạo điều kiện để NLĐ tham gia học tập”.
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, triển khai chính sách theo Thông tư số 32, ngày 26-12-2018 của Bộ LĐ-TB-XH về hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong DN nhỏ và vừa, hàng năm, sở đều giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiến hành khảo sát nhu cầu của các DN. Trên cơ sở đó, phối hợp với các DN tổ chức các lớp đào tạo nghề ngay tại đơn vị nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia học và đảm bảo công việc. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 50 lớp đào tạo nghề cho 788 NLĐ đang làm việc tại 34 DN, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng. Các lớp đào tạo đã bám sát thực tế của DN, vị trí việc làm của NLĐ để đào tạo những kiến thức, kỹ năng mới cho người học. Sau mỗi lớp học, NLĐ được thẩm định, đánh giá chất lượng tay nghề, cấp chứng chỉ đào tạo. Thông qua các lớp học, tay nghề của NLĐ cũng được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, nguồn nhân lực. Thời gian tới, sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách này để các DN tiếp cận, đăng ký tham gia đào tạo nghề cho NLĐ.
VĂN GIANG