Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong xu hướng chuyển đổi số

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là chìa khóa giúp các doanh nghiệp bứt phá. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nhạy bén nắm bắt, thực hiện chuyển đổi số.

Nhân viên Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đông hướng dẫn khách hàng về dịch vụ ngân hàng điện tử

Nhân viên Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đông hướng dẫn khách hàng về dịch vụ ngân hàng điện tử

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số (CĐS) vừa là chìa khóa giúp các doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa bứt phá, vừa là xu hướng buộc các DN phải chủ động nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Chủ động thích ứng

CĐS là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây. Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, CĐS được xác định là một vấn đề mới, nổi bật trong định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước giai đoạn 10 năm tới.

Trước đó, trong hội nghị chuyên đề DN tỉnh Hải Dương - CĐS để bứt phá diễn ra sáng 16.1, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái khẳng định CĐS là yêu cầu tất yếu, là "chìa khóa vàng" để các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển bền vững.

Dưới góc độ DN, chủ động CĐS không chỉ giúp nhà quản trị tối ưu phương thức quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh mà còn chiếm thế ưu thế trước đối thủ cạnh tranh.

Với tất cả 26 xe buýt đang khai thác được lắp đặt thiết bị camera giám sát hành trình, Công ty TNHH Huy Hoàng là DN đi đầu trong ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng vận tải hành khách. Ông Nguyễn Công Tới, Phó Giám đốc công ty cho biết ngoài hệ thống camera giám sát, 11/11 xe tuyến 09 (Hải Dương-Ninh Giang) và 5 trong tổng số 15 xe tuyến 209 (Hải Dương-Thái Bình) được trang bị hệ thống thông báo địa điểm lên xuống. “Ứng dụng công nghệ không chỉ tiện lợi cho hành khách mà còn giúp DN chủ động giám sát lộ trình của từng xe, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp trong phục vụ”, ông Tới cho biết.

Cùng với hệ thống các ngân hàng, quá trình ứng dụng công nghệ số tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Thành Đông đã diễn ra nhiều năm nay. Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc chi nhánh nhận định các DN nói chung và ngân hàng nói riêng đã từng bước chủ động hơn trong CĐS, nhưng ở lĩnh vực ngân hàng, việc ứng dụng dường như đang giới hạn tại những giao dịch rút, chuyển tiền, thanh toán các loại hóa đơn. Thời gian tới, khi quy định về định danh điện tử được áp dụng, việc ứng dụng công nghệ số trong ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa. “Tăng thêm tiện ích từ dịch vụ ngân hàng điện tử cũng như triển khai khu ngân hàng kỹ thuật số e-zone sẽ là những công việc cụ thể mà BIDV chi nhánh Thành Đông thực hiện trong thời gian sắp tới”, ông Trung cho biết.

Ứng dụng công nghệ quản lý thông minh giúp Công ty TNHH Huy Hoàng dễ dàng quản lý cũng như nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách

Ứng dụng công nghệ quản lý thông minh giúp Công ty TNHH Huy Hoàng dễ dàng quản lý cũng như nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách

Phải vượt qua rào cản

Ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh cho rằng đối với cộng đồng DN nói chung, các DN nhỏ và vừa nói riêng, CĐS vừa là thời cơ vừa là thách thức. Thông qua CĐS, các DN được tiếp cận với nguồn kiến thức quản trị đa dạng, thị trường đầu vào và đầu ra được khơi thông với những khách hàng mới, đối tác mới. “Mặc dù vậy, khó có thể phủ nhận năng lực quản lý yếu kém cũng như tầm nhìn hạn chế của nhiều DN làm cho quá trình CĐS gặp trở ngại”, ông Nghệ cho biết.

Một trong những rào cản dễ nhận thấy nhất là lối tư duy hạn chế khi cho rằng chỉ DN lớn mới cần CĐS, sử dụng các công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều DN nhỏ và vừa luôn bị chi phối bởi tư tưởng lợi ích trước mắt. Cân đong đo đếm các khoản chi phí để sản xuất, kinh doanh là bài toán đau đầu làm các DN e ngại khi nhắc đến vấn đề đầu tư cho CĐS.

Trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, nhiều DN Hải Dương đã chuyển đổi hình thức kinh doanh từ mặt phố lên các trang mạng xã hội hay các hình thức trực tuyến khác. Hiệu quả kinh doanh thời Covid-19 theo đó được cải thiện rõ rệt, nhưng phần lớn số này là các DN thương mại.

Ông Đinh Trịnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương chia sẻ: “Đối với lĩnh vực sản xuất, nhất là có hoạt động xuất nhập khẩu, CĐS giúp DN nắm bắt tốt hơn nhu cầu của từng thị trường, từng quốc gia, từ đó đề ra kế hoạch tiếp cận và phát triển một cách hiệu quả, ít tốn kém. Nhưng nếu DN chưa thực sự sẵn sàng cả về nhân lực lẫn tài chính thì rất dễ mắc sai lầm khi thực hiện CĐS. Đó là lý do làm cho tốc độ CĐS tại các DN thương mại diễn ra nhanh hơn so với các DN sản xuất”.

Cùng với đó, do thiếu kiến thức nên nhiều DN loay hoay trong việc lựa chọn điểm xuất phát CĐS. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng các DN nhỏ và vừa không nhất thiết phải triển khai CĐS trên toàn bộ hệ thống. Có thể bắt đầu từ việc đẩy mạnh các hoạt động của DN trên môi trường mạng như các cuộc họp trực tuyến, giới thiệu sản phẩm trực tuyến cho đến áp dụng tự động hóa từng phần. Ngoài ra, CĐS cần thời gian và tùy mức độ, phạm vi lựa chọn của từng DN, nhưng để quá trình CĐS thành công, mang lại lợi ích thiết thực thì bản thân chủ DN phải thay đổi tư duy, chủ động hơn nữa.

HÀ KIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-nho-va-vua-trong-xu-huong-chuyen-doi-so-157746