Doanh nghiệp nhỏ xoay xở giữa bão giá
Khi lạm phát tăng nóng, các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ gặp khó trong việc trả mức lương và phúc lợi mà người lao động mong muốn.
Theo Wall Street Journal, các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đang mất chỗ đứng trong cuộc chiến tuyển dụng. Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu ADP, số nhân viên tại các công ty có dưới 50 nhân viên đã giảm trong 3-4 tháng qua.
Chủ của nhiều công ty nhỏ cho biết lạm phát làm gia tăng áp lực trên một thị trường lao động vốn đã eo hẹp. Doanh nghiệp đang gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đáp ứng mức lương và phúc lợi mà người lao động mong muốn.
Theo các công ty nhỏ, những khó khăn trong việc tuyển dụng khiến triển vọng tăng trưởng của họ xấu đi.
Thiếu nhân viên nghiêm trọng
Theo cuộc khảo sát của Wall Street Journal với 825 doanh nghiệp nhỏ, 63% chủ doanh nghiệp thừa nhận rằng những thách thức trong tuyển dụng đang khiến họ không thể hoạt động hết công suất.
Một số công ty lớn đã tăng trưởng đáng kể vào thời kỳ đại dịch. Giờ, họ đang thận trọng hơn trong việc tuyển dụng. Điều này có thể tạo cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ hơn. Tuy nhiên, theo bà Nela Richardson - nhà kinh tế trưởng của ADP, các công ty nhỏ vẫn đang chật vật để bắt kịp.
Theo bà, nếu tình hình kinh tế xấu đi, các công ty nhỏ cũng sẽ thay đổi kế hoạch tuyển dụng.
Chúng tôi đã cố tăng lương và cho phép nhân viên linh hoạt về giờ giấc. Nhưng cuộc cạnh tranh rất khốc liệt, với những đối thủ mạnh hơn chúng tôi rất nhiều
Bà Nadia Haddad, chủ sở hữu Freeway Towing Inc.
Niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ tiếp tục lao dốc. Theo dữ liệu của Vistage, trong tháng 6, chỉ số đo lường sự lạc quan của những doanh nghiệp nhỏ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.
Chỉ 9% chủ doanh nghiệp nhỏ cho rằng bức tranh kinh tế sẽ cải thiện trong vòng 12 tháng tới, giảm từ 12% vào tháng 5 và 53% trong tháng 6/2021.
Giống như những doanh nghiệp khác, các công ty nhỏ cũng phải tăng chi tiêu để thu hút và giữ chân người lao động. Theo khảo sát của Vistage, 70% lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ cho biết họ phải tăng lương nhằm đối phó với những thách thức của thị trường lao động. Trong khi đó, 44% phải gia tăng phúc lợi cho nhân viên.
Ông Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics - cho rằng tiền lương tăng cao không phải nguyên nhân dẫn tới lạm phát. "Mối quan hệ nhân quả chạy từ chiều ngược lại", ông nhận định.
Vị chuyên gia cho rằng chính lạm phát mới là nguyên nhân dẫn tới tiền lương tăng cao.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981. Lạm phát ở Mỹ được thúc đẩy bởi giá xăng, hàng hóa và dịch vụ tăng vọt.
Tự xoay xở
Các chủ doanh nghiệp nhỏ thường tự xoay xở nếu thiếu nhân sự. Tại Goulding & Wood Pipe Organ Builders - công ty xây dựng và bảo trì đường ống, vào tháng 11 năm ngoái, một nhân viên chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống điều khiển đã nghỉ việc sau 4 năm làm việc.
Đến nay, công ty vẫn chưa tìm được người thay thế. Ông Mark Goulding - chủ công ty - phải tăng lương 2 lần kể từ quý IV/2021. "Tôi phải đảm nhận hầu hết công việc", ông tiết lộ.
Sự phát triển của xu hướng làm việc từ xa cũng khiến người lao động dễ dàng tìm kiếm công việc từ những khu vực khác. Health Designs - công ty chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc - vừa mất một giám đốc điều hành và nhân viên. Cả 2 đều được mời chào các công việc từ xa và trả lương cao hơn.
"Giờ, chúng tôi không chỉ cần phải cạnh tranh với những công ty địa phương ở các khu vực lân cận, mà còn cạnh tranh với thế giới", ông Chris Margolin - CEO Health Designs - cho biết. Công ty của ông giờ chỉ còn vỏn vẹn 18 người.
Tình trạng thiếu hụt nhân sự có thể ảnh hưởng tới dịch vụ khách hàng. Freeway Towing Inc. - công ty cung cấp dịch vụ cứu hộ và sửa chữa xe gặp tai nạn - hiện có khoảng 46 nhân viên, giảm so với 70 người hồi trước đại dịch.
Theo chủ sở hữu Nadia Haddad, kế hoạch của công ty là tuyển dụng hơn 100 nhân viên. Hiện, công ty mất tới 3 giờ để đưa xe tải tới hiện trường vụ tai nạn. Nếu đủ nhân viên, họ chỉ cần khoảng 20-30 phút. Điều này khiến Freeway Towing Inc. liên tục nhận được những cuộc điện thoại phàn nàn.
"Thông thường, một nhân viên văn phòng sẽ làm việc cho công ty chúng tôi 10-12 năm. Kể từ sau đại dịch, giữ chân họ khoảng 2 năm đã là may mắn với chúng tôi", bà Haddad tiết lộ.
Công ty thường xuyên tăng lương, thưởng theo năng suất, và hiện còn trả thêm tiền cho những tài xế có giấy phép lái xe hạng A (được phép lái cần cẩu và các phương tiện hạng nặng khác).
Nhưng theo bà Haddad, so với các công ty lớn hơn, họ không thể cạnh tranh về số ngày nghỉ phép có lương và những phúc lợi khác.
"Chúng tôi đã cố tăng lương và cho phép nhân viên linh hoạt về giờ giấc. Nhưng cuộc cạnh tranh rất khốc liệt, với những đối thủ mạnh hơn chúng tôi rất nhiều", bà than thở.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-nho-xoay-xo-giua-bao-gia-post1328559.html