Doanh nghiệp nhựa đề xuất giãn nợ, giảm thuế, cho cách ly F0 tại nhà máy
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam đã khiến cho hơn 50% doanh nghiệp nhựa phải đóng cửa, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, do không đáp ứng được phương án '3 tại chỗ' hoặc 'một cung đường hai điểm đến'.
Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) đã có văn bản gửi Thủ tướng và các Bộ ngành, đưa ra nhiều đề xuất để ổn định sản xuất trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Theo đó, đề xuất đầu tiên của VPA là giãn nợ vay ngân hàng cho các doanh nghiệp trong 6 tháng tới, với các khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Theo VPA, hiện rất nhiều doanh nghiệp nằm trong khu phòng tỏa, cách ly, hoạt động sản xuất chỉ đạt 30%, có cố gắng cũng chỉ 50%, ảnh hưởng đến doanh thu, dòng tiền.
VPA cũng đề xuất giảm thuế đất hàng năm phải nộp của năm 2021, để bù đắp cho doanh nghiệp những tháng phải ngừng sản xuất kinh doanh trong năm 2021.
Các doanh nghiệp cũng để xuất bỏ quy định chỉ hàng hóa thiết yếu mới được lưu thông. Thay vào đó là cho phép lưu thông trong điều kiện bình thường, nếu đảm bảo phòng chống dịch, trừ những hàng hóa cấm kinh doanh, hoặc những hàng hóa hạn chế kinh doanh theo qui định (như đề xuất của Bộ Công thương ngày 27-7-2021).
Với trường hợp nhà máy có F0, phía VPA kiến nghị doanh nghiệp cần được hướng dẫn cụ thể để tránh lúng túng.
Theo đó, VPA mong muốn nếu nhà máy phát hiện F0 thì được áp dụng nguyên tắc “lây nhiễm ở đâu, làm sạch ở đó, tiếp tục hoạt động”. Nhà máy được khử khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Với các F0, doanh nghiệp sẽ đưa vào bộ phận cách ly trong nhà máy, để quản lý theo hướng dẫn tương tự hình thức cách ly F0 tại nhà đang áp dụng ở TPHCM. Nếu F0 khỏe mạnh vẫn có thể làm việc, miễn là không tiếp xúc với những người chưa nhiễm virus.
Đối với F1, cần xét nghiệm PCR ngay lập tức và sau 7 ngày tiếp theo. Các F1 thuộc bộ phận có F0 vẫn tiếp tục làm việc sau 3 ngày khử khuẩn, và được quản lý theo hướng dẫn tương tự hình thức cách ly F1 tại nhà đang áp dụng ở TPHCM.
Về phương án 3 tại chỗ, các doanh nghiệp thuộc VPA kiến nghị không tiếp tục duy trì áp dụng sản xuất “3 tại chỗ”, Lý do chi phí để tổ chức sản xuất theo phương án này tăng cao, nhiều doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hoặc doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, không có đủ năng lực tài chính để thực hiện...
Đáng chú ý, VPA kiến nghị Chính phủ thanh kiểm tra, can thiệp kịp thời để các hãng tàu không lũng đoạn về giá và phí như trong thời gian hơn 1 năm qua.
Hiện nay ngành nhựa Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 70% hoạt động tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh.