Doanh nghiệp niêm yết có vốn nhà nước chi phối rơi vào thế kẹt

Những rối rắm trong mối quan hệ giữa ông chủ nhà nước với người đại diện tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tác động tiêu cực tới quá trình cổ phần hóa, thoái vốn khu vực này.

Vướng mắc trong doanh nghiệp nhà nước thuộc về cơ chế khi duy trì một bộ máy cứng nhắc giám sát toàn bộ từ trên xuống dưới.

Vướng mắc trong doanh nghiệp nhà nước thuộc về cơ chế khi duy trì một bộ máy cứng nhắc giám sát toàn bộ từ trên xuống dưới.

Nỗi khổ rơi vào thế kẹt

Nhiều doanh nghiệp lớn như Vinafood 2, Licogi đang bế tắc với hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn nhà nước và của cổ đông bên ngoài bị mắc kẹt, mất dần mất mòn, là những điển hình nhãn tiền khiến các doanh nghiệp ngấp nghé tình cảnh tương tự mất ăn mất ngủ.

Dù đã được tái cơ cấu qua quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước với sự tham gia của yếu tố mới từ cổ đông bên ngoài, kỳ vọng tạo nên sự thay đổi cho doanh nghiệp, song những làn gió mới cũng không đủ lực để vượt lên được cơ chế cũ cứng nhắc với những rối rắm, phức tạp trong quản lý nhà nước tại doanh nghiệp.

Gần đây nhất, phương án giải cứu Vietnam Airlines khiến những người trong cuộc lúng túng bởi sự phức tạp của thủ tục xin ý kiến các cấp có thẩm quyền quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Chi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khi còn trực tiếp chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch giải cứu đặc biệt này lên tiếng rằng, nếu được phê duyệt thì SCIC có thể giải ngân từ 12.000 tỷ đồng trở lên, nhưng với điều kiện tiên quyết là chiến lược phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Hội đồng thành viên chỉ được phê duyệt dự án đầu tư tối đa là 80 tỷ đồng, trên mức đó phải trình cấp có thẩm quyền. Vấn đề thẩm quyền không sợ vướng mà chỉ sợ cấp có thẩm quyền không phê duyệt hoặc chậm phê duyệt”, ông Chi chỉ rõ vấn đề và cho rằng phải tránh tình trạng khi doanh nghiệp trình hỏi bộ này thì được trả lời là nên hỏi bộ kia, công văn cứ chạy lòng vòng hết bộ này sang bộ nọ và cuối cùng được trả lời là: thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Có vướng mắc thì doanh nghiệp mới hỏi, nhưng câu trả lời như vậy cho thấy cấp có thẩm quyền cũng lúng túng. Hệ lụy là cơ hội xuất hiện song doanh nghiệp không dám quyết định đầu tư, còn khi được phê duyệt nhưng cơ hội đã trôi qua thì doanh nghiệp không dám đầu tư nữa.

Mối lo cũ quay trở lại

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) băn khoăn với một mối lo khác, đó là viễn cảnh quay trở lại cung cách quản lý cũ trong hiện trạng của bộ máy quản trị và điều hành mới.

Vinatex sau 5 năm chuyển sang mô hình công ty cổ phần, chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, thì từ tháng 1/2021 sẽ trở lại là doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp mới (doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết).

Sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn sở hữu chi phối nên thực tế hoạt động của Vinatex hầu như không thay đổi so với trước, tuy nhiên, với 48% vốn thuộc về các cổ đông bên ngoài, họ có quyền lợi và ý đồ chiến lược kinh doanh khác.

Trong bối cảnh này, dung hòa mối quan hệ giữa các cổ đông trong công ty cũng như các quy định đối với doanh nghiệp nhà nước và người đại diện vốn là vấn đề cấp thiết.

Đại diện Vinatex cho rằng, vướng mắc trong doanh nghiệp nhà nước thuộc về cơ chế khi duy trì một bộ máy cứng nhắc giám sát toàn bộ từ trên xuống dưới. Giải pháp gỡ vướng là ủy quyền, phân cấp.

Nếu không rõ được sự phân cấp này thì quá trình hoạt động của người được nhận ủy quyền tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Cái khó nhất là tạo dựng niềm tin của ông chủ và người đại diện vốn nhà nước bởi không thể loại bỏ hoàn toàn khoảng cách về tư duy và lợi ích giữa hai chủ thể này trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cái khó nhất là tạo dựng niềm tin của ông chủ và người đại diện bởi không thể loại bỏ hoàn toàn khoảng cách về tư duy và lợi ích giữa hai chủ thể này trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước có những quyết định thông thường của hội đồng quản trị cũng phải trải qua một quy trình báo cáo rất dài, có thể dẫn tới hiệu ứng ngược.

Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp, các việc thuộc về hội đồng quản trị/hội đồng thành viên thì người đại diện vốn phải xin ý kiến chủ sở hữu trước khi biểu quyết.

Trong khi đó, hội đồng quản trị/hội đồng thành viên thường muốn kiểm soát chặt chẽ hoạt động của cơ quan điều hành nên điều lệ của công ty ràng buộc rất nhiều nhiệm vụ thuộc về hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, ít quyền hạn cho người điều hành và tổng giám đốc.

Thực tế cho thấy, thời gian xin ý kiến phê duyệt của các bộ, ngành rất lâu, thậm chí lên đến vài tháng, sau đó hội đồng quản trị/hội đồng thành viên mới có thể triệu tập các cổ đông để biểu quyết thông qua làm cơ sở ra nghị quyết cho cơ quan điều hành thực hiện.

“Các cổ đông khác không hiểu là người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có quyền hạn, trách nhiệm, vai trò và chuyên môn của họ như thế nào mà thường phải đi xin ý kiến 1 - 2 tháng sau mới quay lại để họp lại lần nữa. Đứng về phương diện kinh doanh thì phương thức này không phù hợp với điều kiện của thị trường, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Trường nói.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, cần có cơ chế linh hoạt trao quyền cho người lãnh đạo để họ phát huy các ý tưởng sáo tạo làm lợi cho doanh nghiệp.

Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, dù nhà nước chiếm cổ phần đa số nhưng không điều hành doanh nghiệp mà do tư nhân điều hành.

Chẳng hạn, Quỹ đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore sở hữu cổ phần chi phối tại không ít doanh nghiệp, nhưng quyền điều hành thuộc về cổ đông nhỏ, cổ đông cá nhân.

“Nhà nước chỉ đóng vai trò như giới thiệu người nắm giữ vị trí điều hành để các cổ đông khác quyết định, chứ không cử người điều hành doanh nghiệp. Việt Nam nên tham khảo mô hình quản trị doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước theo hướng như vậy”, ông Minh khuyến nghị.

Theo đó, tăng quyền cho tư nhân, cổ đông bên ngoài tham gia hội đồng quản trị và ban điều hành. Vốn nhà nước chỉ là khoản đầu tư vào doanh nghiệp, chứ không phải đầu tư và nắm quyền.

Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, Nhà nước cũng chỉ nên đóng vai trò là một nhà đầu tư, một cổ đông bình thường, chứ không nắm quyền chi phối doanh nghiệp.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-niem-yet-co-von-nha-nuoc-chi-phoi-roi-vao-the-ket-post254121.html