Doanh nghiệp niêm yết đặt mục tiêu tham vọng

Ngay từ đầu năm 2024 một số doanh nghiệp đã công bố thông tin về kế hoạch kinh doanh trong năm mới với kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng bằng lần.

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) công bố kế hoạch doanh thu 125.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng trong năm 2024, lần lượt tăng 5% và gấp 14 lần so với thực hiện năm ngoái.

Sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh của chuỗi bán lẻ di động, điện máy (Thế giới di động, Điện máy Xanh) và chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách hóa Xanh không đạt được hiệu quả mong muốn khiến lợi nhuận năm 2023 của Thế Giới Di Động rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết.

Sang năm 2024, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức do những diễn biến vĩ mô khó lường trên phạm vi toàn cầu. Nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu.

Tuy nhiên, sau cuộc tái cấu trúc toàn diện bắt đầu từ quý IV/2023, Thế Giới Di Động tin rằng công ty có dư địa để tiếp tục củng cố doanh thu và cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận.

Thế Giới Di Động không phải doanh nghiệp niêm yết duy nhất tin tưởng lợi nhuận sẽ phục hồi. Tập đoàn Dabaco mới đây đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2024 là 25.380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 730 tỷ đồng. Mức lợi nhuận mục tiêu của Dabaco cao hơn rất nhiều so với mức lợi nhuận chỉ 25 tỷ đồng đạt được năm 2023

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT của Dabaco từng nhận định, 2023 là một năm rất khó khăn với doanh nghiệp, thậm chí là năm khó khăn nhất với cá nhân ông trong gần 28 năm điều hành doanh nghiệp.

Giá thịt lợn chạm đến vùng đáy 48.800 đồng/kg trong năm 2023 cùng với giá một số nguyên liệu chính nhập khẩu dùng cho thức ăn chăn nuôi luôn biến động, Đặc biệt tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc trong nước diễn biến phức tạp cũng là những thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi phải đối mặt.

Với năm 2024, Dabaco tin rằng tình hình sẽ khả quan hơn và công ty đưa kế hoạch doanh thu, lợi nhuận dựa trên tính toán giá thịt lợn ở mức 53.000 - 55.000 đồng/kg.

Trong ngành thép, Công ty CP Đầu tư thương mại SMC (SMC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 900.000 tấn thép các loại, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng.

Năm ngoái, SMC đặt mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, nhưng trong 9 tháng đầu năm, công ty lỗ hơn 500 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ chủ yếu là do nhu cầu về thép giảm, biên lợi nhuận thu hẹp do giá thép giảm, gánh nặng chi phí tài chính và trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Bất chấp những khó khăn đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu quay lại tăng trưởng trong năm 2024 này.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp dầu khí lại tỏ ra thận trọng hơn. Đây cũng là truyền thống của ngành này khi năm 2023, nhiều doanh nghiệp dầu khí đề ra kế hoạch lợi nhuận thấp hơn mức thực hiện năm 2022, nhưng thực tế đạt được mức cao hơn và mục tiêu lợi nhuận năm 2024 cũng đang được xây dựng theo hướng thận trọng như vậy.

Chẳng hạn, năm 2023, Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đạt doanh thu hợp nhất 20.200 tỷ đồng, vượt 53% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.100 tỷ đồng, vượt 41% kế hoạch.

Phía PTSC cho biết, năm 2024, công ty tiếp tiếp tục chuyển dịch cơ cấu doanh thu sang thị trường nước ngoài nhằm đảm bảo duy trì sự phát triển ổn định. Về kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp đang xây dựng, mục tiêu năm nay là tăng trưởng so với kế hoạch năm ngoái, nhưng dự kiến sẽ thấp hơn mức thực tế đạt được của năm 2023.

Tại Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans), năm 2023 ước đạt doanh thu 9.600 tỷ đồng, hoàn thành 41% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 1.172 tỷ đồng, vượt 118% kế hoạch.

Năm nay, PVTrans dự kiến đề ra kế hoạch kinh doanh tăng mạnh so với kế hoạch năm 2023, nhưng so với mức đạt được của năm qua thì lãnh đạo doanh nghiệp này chưa chắc chắn vượt qua vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thực tế, hoạt động kinh doanh của PVTrans còn được thúc đẩy bởi mảng vận tải dầu sản phẩm/hóa chất. Nguy cơ chênh lệch cung - cầu trên thị trường vận tải dầu sản phẩm/hóa chất trong năm 2024 dự kiến sẽ tác động đến giá cước. Ngoài ra, PVTrans dự kiến mở rộng đội tàu dầu sản phẩm/hóa chất để tăng doanh thu từ mảng vận tải.

Nhìn nhận bức tranh chung của doanh nghiệp niêm yết, đa phần các tổ chức trong nước, các quỹ đầu tư nước ngoài đều tin tưởng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024.

Ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund cho rằng con số doanh thu của các công ty niêm yết tại Việt Nam sẽ đạt kỷ lục vào năm 2024, mức tăng trưởng hơn 20%. Hiện, thị trường chứng khoán đang chưa phản ánh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và câu chuyện giảm lãi suất.

Quỹ đầu tư này nhận định có nhiều lý do để kỳ vọng thị trường sẽ tăng mạnh, chứng khoán đang có định giá hấp dẫn. Chỉ số định giá P/E của thị trường Việt Nam hiện đạt 11,6 lần. Theo dự báo, con số này có thể rơi về mức thấp là 9 lần trong 2024 nhờ lợi nhuận cải thiện.

Một quỹ đầu tư lớn là VinaCapital cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam sẽ tăng vọt lên hơn 20% vào năm 2024.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-niem-yet-dat-muc-tieu-tham-vong-1708335013470.htm