Doanh nghiệp niêm yết hành động để hóa giải thách thức

Nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp hóa giải, những thông điệp mạnh mẽ từ lãnh đạo nhiều doanh nghiệp phần nào làm yên lòng cổ đông.

Giữ ổn định bằng đa dạng hóa khách hàng và chủng loại hàng hóa

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH).

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH).

Năm 2023, May Sông Hồng đặt kế hoạch doanh thu 5.670 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 15 - 35%.

Chúng tôi tiếp tục phát triển các khách hàng FOB truyền thống và tiềm năng, thị trường chăn ga gối nệm và logistics để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng doanh thu của Công ty.

Giữ ổn định công việc cho cán bộ nhân viên bằng cách đa dạng hóa khách hàng và chủng loại hàng hóa, tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cho khách hàng như phát triển mẫu, đầu tư bảo vệ môi trường để nâng cao niềm tin của các khách hàng chiến lược của Công ty.

Tiết kiệm các chi phí đầu tư, tiếp tục khâu số hóa quản trị để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí hoạt động.

Đầu tư kinh doanh thì phải mang lại lợi nhuận

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex (VCG).

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex (VCG).

Muốn kinh doanh thì phải xem xét thị trường, mà thị trường đang khó khăn nên phải cân nhắc.

Cát Bà Amatina là dự án lớn hàng tỷ USD, nên chúng tôi sẽ theo sát tình hình thị trường và cân nhắc phân kỳ đầu tư cho dự án.

Các khu đô thị Km3-4 Móng Cái hay Đại lộ Hòa Bình, Vinaconex đều đã hoàn thành thủ tục pháp lý và đang cố gắng kinh doanh hạ tầng.

Nhưng có những dự án cần rất nhiều thời gian như Cát Bà, hay Phú Yên đã được phê duyệt, nhưng tình hình hiện nay để triển khai thì không đơn giản và sẽ phải tiếp tục theo đuổi.

Đầu tư kinh doanh thì phải mang lại lợi nhuận, chứ không phải cứ tham đầu tư nhiều mà hiệu quả thấp.

Đặt kế hoạch để phấn đấu cao nhất có thể, làm tốt nhất có thể

Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL).

Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL).

Doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2022, chúng tôi đặt kế hoạch doanh thu 700 tỷ đồng, lợi nhuận 300 tỷ đồng nhưng không hoàn thành. Nếu đẩy mạnh việc kinh doanh dự án Bãi Muối, chúng tôi có thể đạt kế hoạch kinh doanh, nhưng chúng tôi không làm như vậy, vì thấy quá phí nếu phải bán tống, bán tháo sản phẩm.

Chúng tôi xác định làm sao có tiền chia cổ tức cho cổ đông, người lao động có việc làm, chứ không chạy theo doanh thu, thành tích bằng mọi giá.

Năm 2023, Hội đồng quản trị Công ty trình cổ đông kế hoạch doanh thu 700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, cổ tức 25%. Có cổ đông hỏi chúng tôi, liệu có làm được không khi thị trường khó khăn như thế? Chúng tôi đặt ra để phấn đấu cao nhất có thể, làm tốt nhất có thể. Theo dự đoán của chúng tôi, nếu từ quý III/2023, thị trường tốt lên thì Lideco chắc chắn sẽ hoàn thành. Còn nếu xấu như bây giờ thì không thể hoàn thành được.

Có giải pháp về công nghệ để khai thác tối đa công suất của nhà máy

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm năm 2022 khá cao, có phần dị biệt, do đó, tạo ra thách thức lớn với kế hoạch năm 2023 của BSR.

Trên đà tối ưu công suất vận hành, BSR đã có những giải pháp về công nghệ để khai thác tối đa công suất của nhà máy, qua đó là một trong những yếu tố nâng cao doanh thu lợi nhuận năm nay. Nếu như gặp khó khăn về dầu thô, Công ty có giải pháp thay thế là nhiên liệu trung gian. Bên cạnh đó, BSR có thể tối ưu hóa thời gian bảo dưỡng tổng thể nhà máy, có thể kéo dài thời hạn bảo dưỡng để tối ưu lợi nhuận trong năm 2023.

Về thị trường, chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm trung bình các tháng đầu năm 2023 vẫn còn là lợi thế, nhu cầu dầu thô còn tăng cao do bất ổn địa chính trị thế giới và cân bằng cung cầu dầu thô chưa được thiết lập. Về quản trị, đẩy mạnh quản trị biến động, ứng phó tốt với các thách thức như căng thẳng địa chính trị, giá dầu vận động khó dự báo…

Dù vậy, thị trường dầu thô còn phức tạp. Lạm phát, lãi suất còn ảnh hưởng lớn, tác động đến giá nguyên liệu đầu vào, có thể gây giảm lợi nhuận. Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, BSR đang kiến nghị cơ quan quản lý tháo gỡ. Thuế nhập khẩu xăng giảm, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng cũng có thể gây khó khăn.

Kiên trì mục tiêu trở lại Top 10 thị phần môi giới trên HOSE

Ông Nguyễn Duy Viễn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BIDV (BSC).

Ông Nguyễn Duy Viễn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BIDV (BSC).

Tại đại hội cổ đông năm 2023 của BSC, cổ đông quan tâm đến mục tiêu trở lại Top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên HOSE và vai trò của BSC trong phát hành trái phiếu của Novaland.

Với các công ty chứng khoán thì môi giới là mảng kinh doanh cốt lõi, nên nó sẽ chiếm 60 - 70% lợi nhuận Công ty. BSC đang kiên trì với mục tiêu này. Thời gian qua, thị phần môi giới cổ phiếu của BSC trên HOSE mấp mé Top 10 và hiện BSC đang làm chắc từng bước để cải thiện điều này.

Tuy nhiên, BSC sẽ không chạy theo doanh số bằng mọi giá. Chúng tôi sẽ chỉ thực hiện các giao dịch an toàn hiệu quả, các “deal” có rủi ro thì không tham gia. BSC sẽ tận dụng lợi thế từ hai cổ đông lớn là BIDV (tệp khách hàng) và của Hana (công nghệ) để hiện thực hóa điều này.

Với trái phiếu Novaland, BSC thuần túy chỉ làm hai nhiệm vụ: tư vấn hồ sơ, làm đại lý cho người sở hữu trái phiếu (chuyển hồ sơ cho Novaland thay mặt nhà đầu tư, nhận các thông tin giữa hai bên). BSC không phát sinh rủi ro tài chính nào với phần việc này.

Đến thời điểm hiện tại, các giao dịch đều diễn ra bình thường, các nhà đầu tư trái phiếu liên quan đến Novaland vẫn đánh giá cao sự tư vấn, hỗ trợ của BSC.

Đẩy mạnh mảng dịch vụ, mảng có lợi nhuận ổn định

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh.

Năm nay, Haxaco đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 310 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện của năm ngoái.

Bối cảnh kinh doanh năm nay nhiều khó khăn. Trong nửa đầu năm, thị trường phân phối ô tô chững lại với sức mua giảm trước sự tác động của nhiều yếu tố và tình hình kinh tế trong nước. Hội đồng quản trị Công ty đặt quyết tâm cao hiện thực kế hoạch. Công ty sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ, đây là mảng đóng góp lợi nhuận ổn định. Khi thị trường khó khăn, lợi nhuận từ mảng dịch vụ sẽ bù cho mảng kinh doanh xe.

Trong nửa cuối năm, doanh nghiệp phân phối ô tô đang mong chờ sẽ có động lực từ chính sách, thị trường ô tô sẽ trở nên sôi động hơn.

Năm nay, về kế hoạch đầu tư, Haxaco sẽ thương thảo với các đối tác thực hiện mở rộng kinh doanh, tìm kiếm mở thêm đại lý kinh doanh Mercedes- Benz mới, lựa chọn đối tác, nhà đầu tư chiến lược đảm bảo sự phát triển bền vững cho Công ty. Đồng thời, Công ty phát triển dự án mới và mở rộng phạm vi, đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh ô tô tại thị trường Việt Nam.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-niem-yet-hanh-dong-de-hoa-giai-thach-thuc-post319944.html