Doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng: Thực trạng đáng báo động
Khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hay cố tình chây ỳ... là những lý do dẫn tới tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng gia tăng. Thực trạng đáng báo động này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của rất nhiều người lao động (NLĐ), nếu không tập trung giải quyết sẽ là nguyên nhân xảy ra tranh chấp, khiếu kiện và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về xã hội...
Doanh nghiệp nợ đọng BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.
DN nợ đọng - người lao động khốn khó
Trao đổi với chúng tôi về quyền lợi của NLĐ, chị Lê Thị Thùy, công nhân làm việc tại Công ty CP Xây dựng HANCORP.2, buồn rầu: Chị sinh con đã được 16 tháng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ thai sản. Công việc trước đây của chị làm ở tổ sản xuất gạch vất vả, nặng nhọc nhưng nếu đi đầy đủ công thì thu nhập cũng chỉ được 3 triệu đồng/tháng. Những tháng nghỉ sinh, quyền lợi bảo hiểm không được hưởng khiến cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn.
Chị Thùy chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp NLĐ đang phải chịu hệ lụy từ việc chậm, trốn đóng bảo hiểm của nhiều đơn vị trên toàn tỉnh.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến ngày 31-8-2019, trên địa bàn tỉnh có 2.988 đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện (BHTN) từ 1 tháng trở lên/10.041 đơn vị đang tham gia (chiếm 29,76%), với tổng số tiền nợ là 329 tỷ đồng. Riêng nợ BHXH, BHYT, BHTN trong khối DN 1 tháng trở lên là 2.840/6.092 DN đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN (chiếm 46,62%), với số tiền nợ là 320,7 tỷ đồng, chiếm 97,5% tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng trở lên, trong đó 1.470 DN nợ từ 1 đến dưới 3 tháng với số tiền nợ 54,3 tỷ đồng; 1.093 DN nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ 225,2 tỷ đồng; 277 DN nợ khó thu (mất tích, phá sản, giải thể, dừng hoạt động,...) với số tiền nợ là 41,2 tỷ đồng.
Điển hình một số DN có số tiền nợ lớn, thời gian nợ kéo dài, xác định không thể thu được, như: Công ty CP Xây dựng HANCORP.2 nợ 84 tháng với số tiền 29,3 tỷ đồng, Công ty TNHH TS VINA nợ 28 tháng với số tiền 16,38 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng số 5 nợ 59 tháng với số tiền 11,12 tỷ đồng, Công ty CP Licogi 15 nợ 89 tháng với số tiền 8,99 tỷ đồng, Công ty CP LILAMA 5 nợ 19 tháng với số tiền 7,59 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa nợ 51 tháng với số tiền 11,13 tỷ đồng, Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long nợ 70 tháng với số tiền 6,48 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông 838 nợ 118 tháng với số tiền 5,70 tỷ đồng, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ba Lan - Bỉm Sơn (Viglacera) nợ 33 tháng với số tiền 5,76 tỷ đồng... Nhiều DN thu tiền của NLĐ và đã trích từ tổng quỹ tiền lương, số tiền đóng BHXH hạch toán vào giá thành sản phẩm nhưng không nộp vào quỹ BHXH mà sử dụng vào mục đích khác, khi NLĐ có phát sinh chế độ BHXH lại không được hưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.
Việc các DN nợ đọng, trốn đóng BHXH không chỉ gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện kế hoạch thu mà còn đẩy hàng ngàn lao động (trong các đơn vị nợ đọng BHXH) và chưa kể hơn 45 ngàn lao động trong các đơn vị chưa được tham gia BHXH đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, nhất là trong quá trình lao động không may bị ốm đau, tai nạn, mất việc làm không được hưởng các chế độ của Nhà nước.
Khi chế tài chưa đủ mạnh
Trao đổi với lãnh đạo BHXH tỉnh được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ngoài nguyên nhân khách quan do nhiều DN sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, một số đơn vị ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán nợ BHXH, BHYT, BHTN; một số DN chậm được thanh toán vốn các hợp đồng, công trình, dự án đã thực hiện... nên ít nhiều ảnh hưởng đến thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, thì còn những nguyên nhân chủ quan từ phía chủ DN. Thực chất DN đã chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ để sử dụng vào mục đích khác, xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tạo thói quen xấu với hành vi chiếm dụng quỹ BHXH, là mối quan tâm, bức xúc của dư luận xã hội và là nguyên nhân gây ra các tranh chấp, khiếu kiện và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.
Bên cạnh đó, công tác khởi kiện chưa được thực hiện. Theo Luật BHXH số 58/2014/QH13, từ ngày 1-1-2016 cơ quan BHXH không có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH mà giao quyền khởi kiện cho tổ chức công đoàn. Từ năm 2016 cơ quan BHXH đã chuyển 22 hồ sơ của các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN cho Liên đoàn Lao động tỉnh nhưng đến nay các tổ chức công đoàn chưa thực hiện khởi kiện được đơn vị nào. Việc lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với DN trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi; từ đầu năm 2018 đến nay cơ quan BHXH đã chuyển 19 hồ sơ DN nợ BHXH sang cơ quan điều tra, nhưng đến nay chưa xem xét xử lý DN nào. Việc phối hợp với một số ngân hàng để thu nợ BHXH, BHYT, BHTN chưa đạt kết quả, vì phần lớn các DN nợ không phát sinh giao dịch tại các ngân hàng này hoặc không có số dư trên tài khoản. Trong khi đó việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các DN nợ còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều DN không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra.
Cần những giải pháp khả thi
Để khắc phục tình trạng các DN chây ỳ, thời gian qua, BHXH tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp thu nợ, như: Phân công trách nhiệm cho cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thu nợ; hằng tháng gửi gần 10.000 thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến chủ sử dụng lao động để thực hiện đôn đốc việc đóng, nộp BHXH, BHYT, BHTN, cử hơn 1.000 lượt cán bộ chuyên quản đến đơn vị để đôn đốc nộp BHXH, BHYT, BHTN. Thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng tại 101 đơn vị; thanh tra đột xuất tại 29 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành 1 đơn vị; số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN đã thu hồi trong quá trình thanh tra, kiểm tra là 19,2 tỷ đồng. Tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa,... để vận động, đôn đốc các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tiếp tục phối hợp thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN trong các DN qua các ngân hàng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký tham gia, giải quyết các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia và thụ hưởng. Triển khai đồng bộ việc giao dịch điện tử đối với các đơn vị, DN tham gia BHXH; thực hiện kết nối hệ thống thông tin giám định BHYT; tổ chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, NLĐ khi tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường phối hợp với các ban, sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; chú trọng hình thức đối thoại trực tiếp giữa cơ quan thực hiện chính sách với NLĐ, thông qua công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia...
Tuy nhiên, việc đôn đốc thu nợ của cơ quan BHXH kết quả còn hạn chế, do nhiều DN không phối hợp với cơ quan BHXH hoặc cam kết lộ trình trả nợ nhưng không thực hiện. Một số giải pháp mạnh lại chưa được thực hiện như: Tổ chức công đoàn chưa thực hiện khởi kiện DN nợ BHXH, BHYT, BHTN ra tòa án, cơ quan công an chưa lập hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với DN nợ BHXH, BHYT, BHTN mặc dù Bộ luật Hình sự đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018...
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ, các ngành chức năng cần tăng cường xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong các đơn vị để nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài. Công an tỉnh căn cứ quy định của pháp luật xem xét điều tra, xử lý hình sự đối với một số DN nợ BHXH, BHYT, BHTN chây ỳ. Liên đoàn Lao động tỉnh khởi kiện ra tòa án một số DN có khả năng tài chính nhưng chây ỳ nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài... Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì mới ngăn chặn hiện tượng “nhờn luật”, khắc phục triệt để tình trạng các DN vi phạm trong thời gian dài, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.