Doanh nghiệp nỗ lực bước qua 'ổ gà'

Trong bức tranh chung khá tích cực của nền kinh tế năm 2024, vẫn có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ. Họ đang cố gắng bước qua 'gam trầm' để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Gỗ Trường Thành đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu

Gỗ Trường Thành đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu

Có lãi trở lại

Thị trường chứng khoán năm 2024 chứng kiến hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc như SDT (của Công ty cổ phần Sông Đà 10), DAG (của Công ty cổ phần Nhựa Đông Á), HBC (của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình), HNG (của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai)… Hầu hết các cổ phiếu này bị hủy niêm yết do doanh nghiệp có 3 năm thua lỗ liên tục, hoặc lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp.

Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của Công ty là 2.741 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai thua lỗ liên tiếp trong 3 năm qua (năm 2021 lỗ 1.119 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 3.576 tỷ đồng và năm 2023 lỗ 1.098 tỷ đồng).

Theo quy định, cổ phiếu bị hủy niêm yết có thể đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Những mã này cần giao dịch tối thiểu 2 năm trên UPCoM, trước khi đăng ký niêm yết lại trên sở giao dịch chứng khoán, nếu đáp ứng đủ điều kiện. Ngay sau khi nhận thông báo về việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố thông tin tới cổ đông. Hòa Bình khẳng định, để đảm bảo quyền lợi giao dịch cổ phiếu của cổ đông, Công ty sẽ tiến hành chuyển gần 347,2 triệu cổ phiếu sang giao dịch trên thị trường UPCoM.

Cổ phiếu HBC đã giao dịch trên UPCoM từ ngày 18/9/2024.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ rằng mình rất tiếc khi không giữ được cổ phiếu HBC niêm yết trên HOSE, điều này khiến Công ty gặp khó khăn hơn trong việc đấu thầu các dự án, giữ mối quan hệ với đối tác, ngân hàng và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và bên chịu thiệt hại lớn nhất vẫn là các cổ đông. Khi xuống sàn UPCoM, thị giá HBC giảm một nửa. Công ty đang nỗ lực cải thiện bức tranh kinh doanh để sớm đưa cổ phiếu HBC trở lại sàn HOSE.

Thực tế, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có lãi trở lại từ đầu năm 2024; trong đó, quý I lãi hơn 56,5 tỷ đồng, quý II lãi hơn 684 tỷ đồng, quý III lãi hơn 12,6 tỷ đồng.

“Chúng tôi nỗ lực để có kết quả kinh doanh tốt, với mục tiêu HBC trở lại HOSE chắc chắn phải đạt được”, ông Hải chia sẻ và mong cổ đông kiên nhẫn, giữ vững niềm tin vào Ban lãnh đạo Công ty.

Mong một năm “thuận buồm xuôi gió”

Năm qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đối mặt với tình trạng thua lỗ. Tính đến hết ngày 30/9/2024, Công ty lỗ lũy kế 3.267 tỷ đồng. Gỗ Trường Thành xác định, để phát triển và có lợi nhuận tốt, Công ty cần có mặt ở các thị trường lớn. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của doanh nghiệp chế biến gỗ này.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Trường Thành cho biết, trong năm qua, Công ty đã hợp tác với thương hiệu JNL để tăng cường xuất khẩu vào châu Âu. Công ty cũng thông qua công ty con là Công ty cổ phần Đồ gỗ Casadora (Gỗ Trường Thành sở hữu 60%) để thâm nhập thị trường Dubai. TTF đã từng bước gia nhập thị trường Trung Đông, chủ yếu là ở Dubai, UAE và Saudi Arabia. Trung Đông là thị trường được đánh giá có tiềm năng lớn cho các sản phẩm gỗ, với thị trường bất động sản phát triển sôi động.

“Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều khách hàng tiềm năng, thiết lập quan hệ và đang tham gia chào giá vào nhiều dự án khác nhau. Kết quả cụ thể sẽ thể hiện trong năm 2025 nhưng chúng tôi đánh giá những khoản đầu tư và các bước đi này sẽ mang lại hiệu quả tốt”, ông Mai Hữu Tín chia sẻ, đồng thời khẳng định niềm tin Gỗ Trường Thành sẽ cải thiện hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.

Sau ba quý liên tiếp thua lỗ, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã chứng khoán TDH) đã báo lãi trong quý III/2024, với lợi nhuận sau thuế hơn 29 tỷ đồng. Thuduc House cho biết đang tập trung kiện toàn nhân sự cấp cao, nghiên cứu mở rộng hoạt động kinh doanh. Trong quý I này, Công ty sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường, nội dung chưa được công bố.

Nền kinh tế trong nước đang có đà phục hồi tích cực, thị trường bất động sản sau một thời gian dài bị ảnh hưởng vì khủng hoảng nợ trái phiếu, đóng băng thanh khoản đã có tín hiệu ấm dần lên trong năm 2024.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản năm 2025 có đà phục hồi tích cực, đặc biệt trong nửa cuối năm. Nhiều chủ đầu tư sau thời gian nỗ lực làm các thủ tục pháp lý sẽ ra sản phẩm mới, góp phần giải tỏa cơn khát nguồn cung cho thị trường.

Hai năm qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland, mã chứng khoán NVL) tập trung tái cấu trúc tình hình tài chính, danh mục đầu tư, đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án trọng điểm. Theo báo cáo của Novaland, có 14/16 dự án thuộc các cụm dự án đang triển khai của Tập đoàn được tiếp tục xây dựng với tổng hạn mức xây dựng là 12.100 tỷ đồng và đang được các ngân hàng giải ngân theo giai đoạn. Tổng giá trị sản phẩm nếu hoàn thiện và bàn giao thu được cũng như mở bán mới ước tính gần 480.000 tỷ đồng.

Mới đây, Novaland đã tháo gỡ pháp lý thành công, đưa 521 căn nhà ở thấp tầng tại khu 2 thuộc dự án Khu đô thị Aqua Waterfront City (nằm trong dự án Aqua City) nằm ở xã Long Hưng, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đủ điều kiện mở bán.

Nỗ lực tái cấu trúc, cộng với bối cảnh thị trường thuận lợi hơn, kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp có một năm 2025 đột phá hơn năm cũ.

Thu Ngân

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-no-luc-buoc-qua-o-ga-post361227.html