Doanh nghiệp nỗ lực đón nhu cầu du lịch trở lại
Sau nhiều ngày im ắng vì Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã đón nhận những tín hiệu phục hồi du lịch tích cực.
Sau tám tháng đóng cửa do đại dịch Covid-19, khu nghỉ dưỡng Alma trên bán đảo Cam Ranh đang chuẩn bị đón khách trở lại vào ngày 15/1/2022 sắp tới, với tâm thế đầy hào hứng.
“Kinh nghiệm quản lý hơn 20 năm qua mách bảo cho tôi rằng, trong thời gian hai năm sau khi khai trương một khách sạn, bạn sẽ liên tục nhận được rất nhiều điều tuyệt vời. Tuy nhiên, kể từ khi khai trương Alma Resort vào tháng 12/2019, không ai có thể nghĩ rằng thế giới lại trải qua nhiều thách thức đến vậy. Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề và tất cả chúng ta cũng đã trải qua nhiều lần giãn cách xã hội”, ông Herbert Laubichler-Pichler, Giám đốc điều hành Alma Resort, chia sẻ.
Đại diện khu nghỉ dưỡng cho biết kể từ khi tạm đóng cửa vào giữa tháng 5/2021, đội ngũ Alma đã tận dụng thời gian để nâng cao năng lực và phát triển nhiều dịch vụ mới, sẵn sàng cho ngày trở lại.
Alma đã khởi động dự án lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, tổ chức các khóa học trực tuyến nâng cao kỹ năng, thiết kế tour tham quan khu vực vận hành nội bộ ‘Back of House’, và cập nhật nhiều tính năng mới cho ứng dụng di động Alma App.
Cụ thể, Alma sẽ lắp đặt hơn 5.600 tấm pin năng lượng mặt trời với tổng diện tích 12.500 m2, ước tính sẽ đáp ứng đến 50% nhu cầu sử dụng điện và giảm tới hơn 70.000 tấn khí khải CO2 trong khoảng thời gian 25 năm. Đây là một trong những trọng tâm nỗ lực phát triển bền vững của Alma, với tham vọng trở thành khu nghỉ dưỡng có dự án năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, để giữ chân và tạo thêm động lực cho nhân viên, Alma đã hợp tác với Typsy – học viện khách sạn trực tuyến nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Ông Herbert Laubichler-Pichler chia sẻ thêm: “Dù ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua, chúng tôi cũng khá lạc quan đón chào năm 2022 sắp tới. Mọi thứ đang dần trở lại, nhưng dĩ nhiên, sẽ cần thêm thời gian để nhu cầu du lịch tăng trở lại, với những con số khủng đã từng thấy sau khi kết thúc đợt giãn cách thứ nhất và thứ hai tại Việt Nam”.
Sau giai đoạn dài im ắng và chuẩn bị, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã dần “ấm lại”.
Đại diện một khách sạn tại Sapa cho biết, sau khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng rãi, lượng khách tới Sapa đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực, chủ yếu là nguồn khách từ khu vực miền Bắc.
Đặc biệt, hạng phòng dành cho gia đình, phòng dành cho nhóm nhỏ khoảng 4 – 5 người được du khách lựa chọn nhiều nhất, và có những ngày cuối tuần không còn chỗ để đặt trước.
Dù chưa thể đông đúc như thời điểm trước đại dịch, những chuyển động này cho thấy lượng khách nội địa đang dần quay trở lại, và dự báo sẽ tăng trong những ngày tới khi Tết dương và Tết âm cận kề, nhu cầu du lịch gia tăng.
Vị này cho biết thêm, một trong những khó khăn hiện nay là chi phí vận hành cao hơn để có thể đảm bảo an toàn y tế cho khách, cũng như cho đội ngũ nhân viên. Ngoài những công việc hàng ngày, khách sạn phải liên tục khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Tại khu vực miền Trung, thị trường cũng “ấm dần lên” khi các đoàn khách du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, khen thưởng) đã bắt đầu quay trở lại Đà Nẵng, mới nhất là 500 đại biểu từ khắp cả nước tham dự hội nghị khoa học. Đây là tín hiệu khởi sắc đáng mừng cho ngành du lịch MICE nói riêng, và cho sự khôi phục trở lại của ngành khách sạn du lịch thành phố nói chung.
Tiếp thêm nhiên liệu cho phục hồi du lịch bền vững
Khó khăn chung dưới tác động của Covid-19 đã kéo các doanh nghiệp, địa điểm du lịch “xích lại gần nhau”, bắt tay phát triển các sản phẩm du lịch mới.
Đơn cử, khu nghỉ dưỡng Azerai Kê Gà Bay khi mở cửa đón khách vào giữa tháng 11 vừa qua đã kết hợp với PGA NovaWorld Phan Thiết cung cấp gói nghỉ dưỡng kết hợp chơi golf Tee Off Time, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Theo đó, du khách có thể vừa tận hưởng kỳ nghỉ tại khu nghỉ dưỡng cách biệt và yên tĩnh nằm lánh mình bên bờ biển, vừa có thể hoạt động thể thao, chơi golf.
Sở Du lịch Bình Định và Sở Du lịch TP. Đà Nẵng gần đây cũng đã “bắt tay”, liên kết phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Tại hội nghị, doanh nghiệp du lịch hai địa phương đã giới thiệu các sản phẩm, chương trình ưu đãi, dịch vụ đặc trưng, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về nâng cấp chất lượng sản phẩm, tour du lịch để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng nơi.
Năm 2021, TP. Đà Nẵng chủ trì liên kết "3 địa phương 1 điểm đến" giữa Đà Nẵng – Quảng Nam – Thừa Thiên Huế, mang lại hiệu quả cao, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thu hút khách của các doanh nghiệp cũng như việc di chuyển, trải nghiệm của du khách.
Năm 2022, liên kết này sẽ được mở rộng thành 5 địa phương, thêm Quảng Bình và Quảng Trị.
Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngành du lịch đã ban hành Hướng dẫn 3862 tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; cũng như Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, để tích cực phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới.
Hiện nay, du lịch nội địa có dấu hiệu khởi sắc. Khánh Hòa sau gần 2 tháng “mở cửa”, đến tháng 11/2021 đã đón hơn 30.000 lượt khách (tăng gấp 7 lần so với tháng 9.2021).
Từ đầu tháng 12 đến nay, Đà Lạt (Lâm Đồng) đón gần 63.000 lượt khách, tăng gấp 2 – 3 lần cùng kỳ so với tháng trước.
Đến hết tháng 11/2021, Kiên Giang đón gần 2,67 triệu lượt khách. Hiện nay, mỗi ngày sân bay Phú Quốc đón 15 chuyến bay trong nước với hơn 5.000 lượt khách đến và đi. Riêng ngày 17/12, sân bay Phú Quốc đón hơn 3.000 khách đến và 2.200 khách đi, đạt tỉ lệ 46% so với kế hoạch.