Doanh nghiệp nỗ lực thực hiện '3 tại chỗ'

Hiện dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, song chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Bình Phước vẫn quyết tâm thực hiện 'mục tiêu kép': vừa duy trì sản xuất trong môi trường an toàn vừa chống dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này là không dễ, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành cũng như chiến lược duy trì 'hệ sinh thái' phục vụ DN thực hiện sản xuất theo phương châm '3 tại chỗ'.

Linh hoạt thích ứng với dịch

Tại Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, Khu công nghiệp Minh Hưng 3, huyện Chơn Thành, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị này khá bận rộn dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Công ty sở hữu máy ép ván MDF có chiều dài 47m hiện đại nhất hiện nay tại Việt Nam. Các sản phẩm gỗ do đơn vị làm ra có uy tín trên thị trường, được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm. Nếu để xảy ra dịch bệnh hoặc tạm ngừng sản xuất thì thiệt hại sẽ rất lớn, kể cả về kinh tế lẫn uy tín. Do đó, DN đã lên phương án bố trí cho hơn 500 công nhân ở lại nhà máy theo phương châm “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo uy tín, đơn hàng với các đối tác đã được ký kết trước đó.

Lấy mẫu test nhanh cho công nhân Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, Khu công nghiệp Minh Hưng 3, huyện Chơn Thành thực hiện phương án “3 tại chỗ”

Lấy mẫu test nhanh cho công nhân Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, Khu công nghiệp Minh Hưng 3, huyện Chơn Thành thực hiện phương án “3 tại chỗ”

Để thực hiện phương án này, trước đó, công ty tổ chức lấy mẫu test nhanh và thực hiện xét nghiệm PCR cho tất cả công nhân. Đồng thời thiết kế nơi nghỉ tạm thời với đầy đủ vật dụng cần thiết trong sinh hoạt cho công nhân, đáp ứng 1/3 số công nhân thực hiện phương châm “3 tại chỗ”. Trong thời gian này, công ty cũng thuê Trường mầm non Minh Hưng làm chỗ ở cho số lao động còn lại và triển khai phương châm “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đó là DN thuê khu lưu trú, phục vụ ăn uống bên ngoài công ty, chỉ di chuyển qua lại giữa công ty và nơi lưu trú. Bên cạnh đó, công ty cũng chia thành 4 ca để duy trì sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch mới.

Trưởng phòng Tổng vụ, Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha Trần Anh Tuấn cho biết: “Thực hiện “3 tại chỗ” trong thời gian ngắn là phải tập trung toàn lực để đảm bảo sức khỏe công nhân. Mặc dù kinh phí rất nặng nhưng công ty hoàn toàn ủng hộ chủ trương này vì đảm bảo nguồn lao động cho sản xuất”.

Khu tạm trú cho công nhân Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, Khu công nghiệp Minh Hưng 3 (Chơn Thành)

Khu tạm trú cho công nhân Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha, Khu công nghiệp Minh Hưng 3 (Chơn Thành)

Bên cạnh đó, hoạt động của bếp ăn tại công ty cũng tăng công suất khi phải cung cấp đủ 4 bữa ăn/ngày đêm thay vì 1 bữa như trước. Quản lý trực tiếp nhà ăn công ty, bà Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ: “Công ty thực hiện “3 tại chỗ”, bếp phải phục vụ với số lượng suất ăn gấp 4 lần trước đây. Tuy vất vả hơn nhưng góp phần đảm bảo sức khỏe cho công nhân sản xuất và cùng các cấp chính quyền, công ty phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 là rất tự hào”.

Hiện công nhân Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha cũng rất đồng tình hưởng ứng phương án “3 tại chỗ”. Bởi trong đại dịch, công nhân cũng muốn đảm bảo phòng dịch, duy trì sản xuất để có thu nhập, ổn định cuộc sống. “Mặc dù có chút lạ lẫm nhưng tất cả công nhân công ty đều đồng ý chọn phương án “3 tại chỗ” để an toàn phòng dịch cho mình, cho người thân và có việc làm ổn định” - công nhân Hồ Văn Việt chia sẻ.

Cần sự phối hợp nhịp nhàng

Theo thống kê, đến ngày 21-7 đã có 153 DN trong các khu công nghiệp được Sở Y tế chấp thuận phương châm “sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ” với gần 21.405 công nhân. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ điều kiện để đáp ứng các yêu cầu chi tiết về sản xuất, ăn, ở như cơ quan thẩm định yêu cầu.

Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ thêm, không chỉ riêng công ty mà tất cả DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều không tính đến phương án này. Việc tổ chức test nhanh tất cả công nhân thực hiện “3 tại chỗ” là gánh nặng lớn đối với DN. Bên cạnh đó, nhiều DN đã rất cố gắng, tận dụng hết các diện tích để sắp xếp chỗ ở lại và phải chi rất nhiều để trang bị thiết bị, vật dụng phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt tại chỗ như: mùng, chăn, chiếu, gối, quạt điện, thiết bị vệ sinh phục vụ công nhân… Vì vậy, theo các DN, quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập rất cần được hỗ trợ, tháo gỡ ngay để có thể duy trì mô hình này đến khi dịch Covid-19 trên địa bàn được kiểm soát.

Mỗi phương án của tỉnh đều phải phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Hiện tất cả chi phí thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, DN đều phải tự chi trả làm giảm lợi nhuận. Vì vậy, DN cần có chính sách hỗ trợ hoặc giảm thuế để ổn định sản xuất trong đợt dịch.

Trưởng phòng Tổng vụ, Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha Trần Anh Tuấn

Triển khai phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” là giải pháp để các DN không bị “đóng băng” quá lâu, cùng duy trì hoạt động để tạo ra giá trị kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, để duy trì khi thực hiện sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” hiệu quả đòi hỏi cả địa phương và các DN phải có sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt từ chỉ đạo, điều hành đến xây dựng phương án cụ thể.

Thanh Mảng - Quốc Việt

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/125370/doanh-nghiep-no-luc-thuc-hien-3-tai-cho