Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Thời điểm này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện các đơn hàng cuối cùng của năm 2022 đồng thời tích cực tìm kiếm đơn hàng mới, tạo tiền đề cho sản xuất năm 2023.
Gia công quần áo xuất khẩu tại Công ty CP May Pearl Việt Nam, phường Dữu Lâu, TP Việt Trì.
Những tháng cuối năm, lạm phát tăng cao trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn khiến cho điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Cùng với đó, tình hình chính trị một số nước trên thế giới có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina khiến giá xăng dầu và một số hàng hóa nhập khẩu tiếp tục biến động. Những yếu tố này đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành nghề, doanh nghiệp.
Thời điểm đầu quý IV/2022, sản xuất một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn như nhóm doanh nghiệp gia công may mặc giảm 30-60% đơn hàng, nhóm doanh nghiệp sản xuất vải bạt xuất khẩu giảm 50% đơn hàng, nhóm doanh nghiệp sản xuất gia công linh kiện điện tử giảm 30% đơn hàng, nhóm doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép khó khăn trong tiêu thụ, lượng hàng tồn kho lớn. Trước những biến động lớn về mặt thị trường, các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng để ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Công ty CP May Pearl Việt Nam, phường Dữu Lâu, TP Việt Trì chuyên gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu, Công ty tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.000 lao động. Trong sáu tháng đầu năm 2022, Công ty xuất khẩu hơn ba triệu sản phẩm, đạt doanh thu trên 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, những tháng cuối năm do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới, sản xuất của Công ty cũng gặp không ít khó khăn. Ông Phan Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Do biến động của thị trường, lạm phát tại nhiều quốc gia là thị trường truyền thống của Công ty tăng cao khiến các đơn hàng bị giảm. Trước khó khăn chung của ngành dệt may, chúng tôi cố gắng duy trì quan hệ bạn hàng truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường nội địa và một số nước châu Á nhằm gia tăng đơn hàng, duy trì việc làm cho người lao động”.
Đối với các doanh nghiệp trong ngành gỗ cũng nỗ lực vượt khó, tìm kiếm đơn hàng. Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất khẩu Việt Nam- khu Liên Đồng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn chuyên sản xuất ván ép. Năm 2022, sản lượng sản xuất của Công ty ước đạt 20.000m3 sản phẩm, trong đó 50% sản lượng phục vụ xuất khẩu và 50% tiêu thụ nội địa. Ông Nguyễn Văn Hoàn - Giám đốc Công ty chia sẻ: “Ngành gỗ là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp bởi biến động thị trường thế giới khi giá nguyên nhiên liệu tăng, sản lượng tiêu thụ giảm. Trước tình hình đó, Công ty cố gắng giữ ổn định sản xuất, tìm cách dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường đồng thời theo dõi sát dự báo thị trường ngành gỗ năm 2023 để có kế hoạch sản xuất phù hợp”.
Các doanh nghiệp trên cơ sở kế hoạch sản xuất đã tích cực tìm nguồn cung và ký kết hợp đồng cung ứng nhằm bảo đảm có đủ nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh bị thiệt hại do biến động thị trường. Nhiều doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư vào công nghệ, thích ứng được khi cơ cấu mặt hàng có thay đổi. Các doanh nghiệp cũng xây dựng kịch bản với những biến động thị trường, lao động, tỉ giá, biến động lãi suất… để ứng phó. Không ít doanh nghiệp chia kế hoạch theo từng chu kỳ ngắn để có biện pháp thích ứng linh hoạt.
Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo vẫn có nhiều biến động, nhất là những vấn đề phụ thuộc vào chính sách điều hành của các quốc gia lớn trên thế giới cùng sự tác động của thị trường bên ngoài. Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về tín dụng, thủ tục hải quan, vận tải container cho các doanh nghiệp ngành sản xuất chủ lực, truyền thống như: Dệt may, chè, bia, phân bón, xi măng, vật liệu xây dựng... để tăng công suất, đảm bảo sản lượng theo kế hoạch.
Việc tìm kiếm khách hàng, thị trường mới cần sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và sản phẩm cũng như cập nhật thông tin về thị trường thường xuyên cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, các doanh nghiệp cũng cần chủ động thích ứng, đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp việc chuyển đổi thị trường, mặt hàng nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Nguyễn Huế
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-no-luc-vuot-kho/189657.htm