Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Với doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay là khoảng thời gian phải đối diện khó khăn chồng chất, những bất lợi rất lớn. Song, đó cũng là động lực cho các đơn vị ngày càng linh hoạt, chủ động phát huy nội lực, tận dụng từng cơ hội để thích nghi, trụ vững, phát triển.

Đây là những kinh nghiệm đáng quý mà mỗi doanh nghiệp cần vận dụng để vượt khó, bên cạnh sự hỗ trợ tối đa từ phía Chính phủ, các bộ, ngành chức năng…

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt và thu được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất hàng gia dụng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Nhật Nam

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt và thu được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất hàng gia dụng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Nhật Nam

Sự thích nghi, linh hoạt của doanh nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2023, bình quân mỗi tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, đồng thời có 15,6 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Điều đó cho thấy, một bộ phận lớn doanh nghiệp vẫn đang đối diện nhiều yếu tố bất lợi, không dễ vượt qua.

Tuy nhiên, trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt, thích nghi với hoàn cảnh. Vận dụng tốt các chính sách ưu đãi về thuế và sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Hà - tỉnh Phú Thọ) đã tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới. Từ đó, đơn vị đã phát triển một số sản phẩm mới như: Bảng mạch điện tử của máy tính, máy tính bảng, bàn phím; sản xuất mô đun 5G…

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn N&G (N&G Group - thành phố Hà Nội) đã chủ động kết nối với các bạn hàng trong và ngoài nước để hỗ trợ nhau về nguồn vốn, thông tin chính sách, đất đai, vật tư - thiết bị đầu vào, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… N&G Group còn cùng đối tác Nhật Bản thành lập Công ty Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ và đưa đội ngũ chuyên gia giúp các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu đối với quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Nhờ đó, N&G Group cùng các đối tác đã vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động.

Tận dụng tốt cơ hội cũng là cách Công ty TNHH XNK Kim Tae Hee (tỉnh Long An) vượt qua khó khăn. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK Kim Tae Hee Nguyễn Quốc Tuấn, đơn vị đã chủ động tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến do các cấp, ngành tổ chức. Qua các hội chợ, triển lãm, đơn vị đã tăng cường giao thương với đối tác trong và ngoài nước, từng bước phát triển cả thị trường nội địa kết hợp xuất khẩu hàng hóa, duy trì tăng trưởng. Còn Công ty TNHH Le Long Việt Nam (tỉnh Long An) - đơn vị chuyên thiết kế, sản xuất và cung ứng các loại ắc quy, đã mở rộng quan hệ với khách hàng, thêm đơn hàng, bảo đảm việc làm cho hơn 3.000 lao động.

Đại diện một số doanh nghiệp cũng xác nhận đã vượt khó nhờ điều tra kỹ về thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng trong tình hình mới, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp, áp dụng hình thức kinh doanh mới hoặc sẵn sàng đảm nhận đơn hàng nhỏ lẻ, khai thác nguyên liệu trong nước…

Theo Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Trịnh Thị Ngân, không ít doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và dịch vụ đã tận dụng tốt cơ hội khi dòng khách đang từng bước trở lại khá mạnh mẽ. Nhìn chung, qua thử thách, các đơn vị đều tỏ ra dày dặn kinh nghiệm, chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh bằng tư duy linh hoạt, thích nghi với tình huống mới, tìm thị trường mới và năng động trong điều hành.

Lấy lại đà tăng trưởng

Giới chuyên gia nhận định, ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, sự thu hẹp sức cầu, lạm phát cùng với xung đột ở một số khu vực… khiến thu nhập, sức mua của thị trường toàn cầu giảm sút rõ rệt. Thực tế này đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào tình huống thiếu đơn hàng xuất khẩu, trong khi khả năng tiêu thụ hàng hóa trong nước cũng giảm sút. Song, việc doanh nghiệp ra đời hay rút khỏi thị trường cần được phân tích sâu sắc, đa chiều.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, việc doanh nghiệp tham gia hay rút khỏi thị trường là thực tế đúng quy luật. Khó khăn liên tục tác động đến mỗi doanh nghiệp. Dẫu vậy, trên thực tế, vẫn có nhiều đơn vị biết phát huy nội lực, phát hiện ra cơ hội mới và có sức sáng tạo nên trụ vững, hơn thế là tìm được phương cách nhằm sớm phục hồi, đa dạng hóa giải pháp kinh doanh để phát triển mạnh hơn…

Sản xuất sản phẩm sứ vệ sinh tại Công ty TOTO Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh). Ảnh: Nhật Nam

Sản xuất sản phẩm sứ vệ sinh tại Công ty TOTO Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh). Ảnh: Nhật Nam

Đó cũng là lý do giải thích vì sao nền kinh tế đã có sự ổn định và tăng trưởng trong sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc. Tính chung, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8-2023 của cả nước đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022, thể hiện đà đi lên, dù ở mức độ khiêm tốn nhưng là chỉ dấu tăng trưởng rất quan trọng.

Theo Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Trịnh Thị Ngân, trong 8 tháng năm 2023, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 20,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14,8%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 10,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 7%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị tăng 20,1%. Đặc biệt, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 8 đã tăng trên ngưỡng 50 điểm (so với mức 48,7 điểm của tháng 7), cho thấy các ngành sản xuất đã cải thiện, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại. Điều đó cũng phản ánh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã đi đúng hướng và thu được hiệu quả.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội Mạc Quốc Anh:Doanh nghiệp cần tự phát huy nguồn lực

Theo tôi, mỗi doanh nghiệp cần phát huy tinh thần tự chủ và phản ứng linh hoạt trước hoàn cảnh bất lợi. Đơn cử như lãnh đạo doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị, có tầm nhìn và đánh giá đúng về xu hướng thị trường; tiết giảm chi phí bên cạnh việc chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường mới, gia tăng kết quả sản xuất, kinh doanh. Việc chủ động tìm kiếm, hợp tác với đối tác nước ngoài cũng là một gợi ý đáng quan tâm nhằm tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quốc tế, với độ mở và năng lực cạnh tranh rất cao.

Mỗi đơn vị cũng phải xác định rõ mục tiêu, biết cách xây dựng thương hiệu cũng như có chiến lược phù hợp bên cạnh việc tìm hiểu rõ, tận dụng tốt những trợ giúp từ các cấp, ngành. Gần đây, các chính sách miễn, giảm thuế, phí đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận, nhưng vẫn cần được thực thi có hiệu quả và kịp thời hơn. Doanh nghiệp cũng phải chủ động tận dụng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ bên cạnh việc liên kết, hợp tác chặt chẽ để tạo thành chuỗi giá trị cung ứng trong nước.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh:Thách thức cũng là cơ hội phát triển

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt, tìm ra nhiều giải pháp phù hợp tình hình để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cần nhận thức, những khó khăn này vừa là sức ép, vừa là cơ hội để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

So với nhiều nước trong khu vực, sức ép của doanh nghiệp Việt Nam lớn hơn, bởi chúng ta đang thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với những tiêu chuẩn, yêu cầu cao, đặc biệt là về phát triển bền vững. Những áp lực này phần nào giúp doanh nghiệp có sự đầu tư nhất định để chuẩn bị vượt qua với chiến lược kinh doanh mới, phù hợp thị trường. Nếu doanh nghiệp ứng dụng tốt các tiêu chuẩn mới của thị trường vào sản xuất, kinh doanh, tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể đạt trình độ phát triển cao trong khu vực.

Các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương sẽ luôn nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cung cấp thông tin, cơ hội, tạo sự kết nối để doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Thêu may Mỹ Đức Bùi Thị Hoàn:Chuyển hướng tìm thị trường mới

Chưa bao giờ ngành dệt may gặp khó khăn như hiện nay, thị trường sụt giảm, đơn hàng đối với các doanh nghiệp nhỏ hầu như không có. Hiện công ty chúng tôi đã xuất khẩu sản phẩm may mặc tới hơn 10 thị trường. Từ tháng 3 đến tháng 7-2023, doanh nghiệp còn có đơn hàng để duy trì hoạt động, nhưng giai đoạn cuối năm nay vẫn chưa có đơn hàng nào. Thực tế đã có đơn hàng được ký, nguyên vật liệu chuẩn bị đầy đủ nhưng sau đó đối tác báo hủy. Từ hơn 500 công nhân, đến nay công ty chỉ giữ lại một lượng công nhân đủ để duy trì hoạt động. Từ đầu năm đến nay, hàng tồn đọng nhiều, công ty đã phải bù lỗ...

Chúng tôi đã tìm nhiều cách tháo gỡ, đặc biệt là chuyển hướng thị trường. Trước mắt, chúng tôi tận dụng số vải, nguyên vật liệu đã mua để sản xuất trang phục bán tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường châu Á, châu Phi, để có thể bán những sản phẩm đã sản xuất, giá thành thấp hơn, nhằm thu hồi vốn và tiếp tục bổ sung nguyên phụ liệu, duy trì việc làm cho công nhân.

Sơn - Hà ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doanh-nghiep-no-luc-vuot-kho-640524.html