Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, ổn định sản xuất
Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.600 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu như trong 6 tháng đầu năm 2023 (tính đến hết ngày 27/6), trên địa bàn tỉnh có 394 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì cũng trong khoảng thời gian này, tỉnh Hà Nam có tới 482 doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất và phải tạm ngừng hoạt động (tăng trên 65,6% so với cùng kỳ năm 2022); 35 doanh nghiệp tiến hành giải thể (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022).
Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.600 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu như trong 6 tháng đầu năm 2023 (tính đến hết ngày 27/6), trên địa bàn tỉnh có 394 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì cũng trong khoảng thời gian này, tỉnh Hà Nam có tới 482 doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất và phải tạm ngừng hoạt động (tăng trên 65,6% so với cùng kỳ năm 2022); 35 doanh nghiệp tiến hành giải thể (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022).
Số liệu từ Chi cục Hải quan Hà Nam cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều mặt hàng của tỉnh có kim ngạch xuất khẩu giảm tương đối lớn so với cùng kỳ năm 2022 với mức giảm từ 5% đến trên 60% như: xi măng và clinker; túi xách, ví, vali, ô, dù; gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt, may; xơ, sợi dệt các loại; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh; điện thoại và linh kiện; đồ chơi, dụng cụ thể thao; quặng và khoáng sản khác… Những con số này đã phần nào phản ánh những khó khăn mà doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang gặp phải.
Ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhìn nhận: “Tứ bề thọ địch” là cụm từ diễn tả rõ nét nhất về những khó khăn chồng chất mà doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang phải đối mặt. Cụ thể, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất; khó tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ; giá một số nguyên liệu đầu vào tăng cao như điện, xăng, nguyên phụ liệu, dịch vụ vận chuyển… khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị đẩy lên cao, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu giảm sút, thị trường tiêu thụ trong nước yếu khiến cho nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc quy mô đơn hàng bị thu hẹp; thị trường bất động sản bị “đóng băng” trong thời gian dài cũng làm cho doanh nghiệp không có dòng tiền để duy trì hoạt động, thiếu tiền để trả lương, vật tư, ngân hàng... Chính vì thế, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã có trên 500 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và giải thể. Một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, duy trì hoạt động cầm chừng nhằm tạo việc làm và “giữ chân” người lao động.
Trước nhiều khó khăn bủa vây, cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, các doanh nghiệp ở Hà Nam đã lên kế hoạch duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, tìm đơn hàng mới, tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thay đổi sản phẩm để tồn tại, phát triển. Từ đó, có những đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Cụ thể, năm 2022, số thu ngân sách từ các doanh nghiệp đạt gần 7.968 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 57,5% tổng số thu ngân sách của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số thu ngân sách của các doanh nghiệp đạt trên 3.396 tỷ đồng, chiếm khoảng 50,8% tổng số thu ngân sách của tỉnh, tạo việc làm cho trên 174.000 lao động. Nhờ duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, từ năm 2022 đến nay, các hội, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã tuyên truyền, phát động các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đóng góp, thực hiện công tác an sinh xã hội trị giá hàng tỷ đồng.
Sản phẩm nhôm thanh định hình và cửa cuốn của Công ty cổ phần nhôm Khang Minh, Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý đã có mặt tại nhiều công trình, dự án lớn trên cả nước. Ảnh: Hân Hân
Đơn cử như Công ty cổ phần nhôm Khang Minh, Khu công nghiệp Châu Sơn (thành phố Phủ Lý), thành lập và đi vào hoạt động năm 2021, doanh nghiệp này đã trải qua quãng thời gian dài khó khăn về quá trình vận chuyển, thị trường tiêu thụ do tác động của dịch Covid -19. Trong thực hiện các giải pháp vượt khó, Khang Minh đã tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng, đầu tư lắp đặt, ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất. Cùng với đó, quan tâm thực hiện tốt công tác nghiên cứu, phát triển thị trường, cho ra đời sản phẩm phù hợp với thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng nên hơn một năm trở lại đây, doanh nghiệp đã duy trì ổn định sản xuất, bước đầu tạo việc làm cho trên 100 lao động. Hiện, Khang Minh đang duy trì hoạt động của 3 nhà máy đùn nhôm, một dây chuyền sơn tĩnh điện. Mỗi năm, công ty sản xuất và tiêu thụ ra thị trường trên 10.000 tấn thanh nhôm và khoảng 500.000 m2 cửa cuốn.
Ông Bùi Thế Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nhôm Khang Minh cho biết: Khang Minh hiện đang tập trung sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng chính là nhôm thanh định hình, cửa cuốn dân dụng và công nghiệp, cửa nhôm đồng bộ cao cấp với hệ thống phân phối trải rộng khắp các tỉnh, thành phố. Nhờ làm tốt công tác phát triển thị trường, sản phẩm nhôm của Khang Minh đã phục vụ cho rất nhiều công trình, dự án lớn của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lớn trên cả nước. Khang Minh đặt mục tiêu, năm 2024 tiếp tục đầu tư thêm 2 máy đùn nhôm và tăng năng suất sản xuất thanh nhôm lên 20.000 tấn/năm, sản xuất và tiêu thụ khoảng 1.000.000 m2 cửa cuốn/năm, tạo việc làm cho trên 200 lao động.
Tương tự, là doanh nghiệp nhỏ được thành lập từ năm 2018, Công ty TNHH Phát triển công nghệ Dũng Huyền, thị trấn Quế (Kim Bảng) cũng gặp không ít khó khăn về đầu ra của sản phẩm trong những năm 2020-2021. Trước khó khăn, Dũng Huyền đã làm tốt công tác nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm, dịch vụ trên website của công ty, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội và thực hiện giao hàng miễn phí cho khách hàng trên phạm vi toàn quốc. Nhờ đó, tháng 8/2022, Dũng Huyền đã mở được cơ sở 2 tại xã Thi Sơn (Kim Bảng) và ngày càng được khách hàng biết đến là doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực bán lẻ máy tính, máy in, camera, các thiết bị công nghệ.
Ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc công ty cho biết: Trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, sự hài lòng của khách hàng là điều quan trọng nhất. Vì vậy, trong chiến lược xây dựng marketing, thời gian tới, Dũng Huyền sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác tuyển dụng đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên lành nghề, giàu kinh nghiệm; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ, chăm sóc khách hàng, đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh, từ đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá cả hợp lý, cạnh tranh nhất ra thị trường.
Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ còn phải dối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với những nỗ lực và kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực vượt khó, đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng nhau phát triển, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và có nhiều đóng góp đối với công tác an sinh xã hội của địa phương.