Doanh nghiệp nỗ lực vượt sóng
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tái cấu trúc, tối ưu hóa chi phí, hiệu quả hoạt động để vượt qua những khó khăn từ môi trường kinh doanh.
Tìm cách thích nghi
Ngay từ những ngày đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may như Thành Công, May 10… đã bắt tay vào sản xuất. Như ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, “với các doanh nghiệp sản xuất, bận rộn là niềm hạnh phúc, vì điều đó cho thấy Công ty đang có nhiều đơn hàng của các đối tác”.
Năm nay, May 10 đặt kế hoạch kinh doanh tương đương mức thực hiện trong năm 2022, với doanh thu 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 120 tỷ đồng.
Xác định tình hình khó khăn của thị trường trong và ngoài nước vẫn còn tiếp diễn, Công ty nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định. Ông Việt cho biết, thị trường xuất khẩu hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng doanh thu của May 10, với khoảng 80%. Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu tối đa hóa chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số ở tất cả các khâu, từ thiết kế, duyệt mẫu, sản xuất.
Cũng với tâm lý khá lo lắng, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, hoạt động kinh doanh của Công ty đã bắt đầu ghi nhận những khó khăn từ quý III/2022 và kéo dài ít nhất đến quý III/2023.
Đơn hàng giảm sút tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu khi lạm phát tăng cao, kinh tế chậm lại,do vậy, trong năm 2023, Công ty phải nỗ lực ở mức cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) cho biết, năm qua, Công ty nỗ lực hoàn thành mục tiêu kinh doanh, với doanh thu đạt 3.641,7 tỷ đồng, thấp hơn một chút so với kế hoạch 3.703 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.377,75 tỷ đồng, tăng 2,5% so với kế hoạch.
Cơ cấu doanh thu năm 2022 của Công ty có sự dịch chuyển; trong đó, doanh thu từ thủy điện, điện mặt trời và điện gió tăng 69,4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 885 tỷ đồng, lên 2.160,9 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu kinh doanh bất động sản giảm 42,1%, tương ứng giảm 832,5 tỷ đồng, về 1.142,7 tỷ đồng.
Ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô chia sẻ, trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn như hiện tại, năng lượng đang là “cứu tinh” cho Công ty. Đây cũng sẽ là mảng kinh doanh chủ chốt của Hà Đô trong năm 2023.
Ông Tuấn Anh cho biết thêm, 2023 sẽ là một năm triển vọng hơn với phân ngành năng lượng tái tạo, khi mức tiêu thụ điện năng lượng mặt trời và điện gió dự kiến tăng 11% trên toàn cầu. Trong đó, châu Á tiếp tục là thị trường đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, đáng kể là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Giai đoạn từ năm 2023 - 2025, Hà Đô đặt mục tiêu phát triển thêm 478 MW điện năng lượng tái tạo để nâng tổng công suất lên 1 GW. Với chi phí đầu tư thấp, các nhà máy điện của Hà Đô thường xuyên đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn so với các công ty trong ngành.
“Công ty đang cân nhắc kế hoạch kinh doanh năm 2023, tuy nhiên góc nhìn của chúng tôi là vẫn theo hướng thận trọng. Dự báo năng lượng vẫn sẽ là mảng chiếm tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận lớn”, ông chia sẻ.
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí - PVTrans (mã PVT) cho biết, Công ty vừa trải qua một năm kinh doanh thành công, với doanh thu 9.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.094 tỷ đồng, lần lượt vượt 41% và 128% kế hoạch nhưng “không chủ quan với năm 2023”.
Căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới, lạm phát và nguy cơ suy thoái… là thách thức lớn, nhưng có thể cũng mở ra cơ hội cho Công ty. Với bản chất là đơn vị kinh doanh dịch vụ và có đến 85% đội tàu hoạt động quốc tế, PVTrans buộc phải linh hoạt trong công tác quản trị, xây dựng nhiều kịch bản thích ứng với sự biến động không ngừng của thị trường.
Xét trên bình diện chung, năm 2023 là một năm khó khăn và đầy thách thức với cộng đồng doanh nghiệp khi tăng trưởng kinh tế thế giới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo chỉ đạt 2,7%, với rủi ro giảm tốc của nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế EU có dấu hiệu rơi vào suy thoái. Bên cạnh đó, lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt dự kiến kéo dài tại nhiều quốc gia. Sức ép lạm phát, lãi suất, sức cầu tiêu dùng yếu đi, theo đó, các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam đang bị thu hẹp.
Nỗ lực vượt sóng
Theo chia sẻ của ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Fecon (mã FCN), “2022 là một năm tất tả với nhiều lo lắng, khó khăn”. Kết quả kinh doanh năm 2022 của Fecon không đạt được như kỳ vọng là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chi phí thi công tăng vọt khi giá nguyên vật liệu leo thang.
Lãnh đạo Fecon cho biết, 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn không kém, nhưng doanh nghiệp đã lường trước và phấn đấu đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu nhất.
Để tạo động lực kích thích nền kinh tế tăng trưởng, phục hồi hậu đại dịch, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư công. Xây lắp là một trong những ngành được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này.
Cuối năm 2022, Fecon đã chính thức đạt được thỏa thuận chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án điện gió Vĩnh Hảo 6. Dòng tiền từ thoái vốn dự án kỳ vọng sẽ giúp Công ty giải tỏa một phần áp lực nợ vay và tạo dư địa tài chính cho việc đẩy mạnh triển khai các gói thầu lớn trong năm 2023.
Trong một báo cáo phân tích gần đây, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT dự phóng lợi nhuận ròng toàn thị trường trong nửa đầu năm nay sẽ tăng trưởng nhẹ 5% so với cùng kỳ 2022 và được cải thiện trong nửa cuối năm, đưa mức tăng trưởng cả năm lên 14%.
Trong đó, ngành hàng không sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng nổi bật nhờ sự phục hồi gần như hoàn toàn của các chuyến bay quốc tế. Ngành vật liệu xây dựng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể nhờ giá nguyên liệu đầu vào. Ngược lại, ngành dầu khí và hóa chất có thể có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng thấp hơn do so sánh với mức nền cao trong năm 2022.
Môi trường kinh doanh nhiều biến động là thử thách lớn với các doanh nghiệp, doanh nhân, nhưng đây cũng là giai đoạn chứng tỏ sự linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam. Mỗi ngành nghề, doanh nghiệp đang có những ứng phó với khó khăn khác nhau.
Như chia sẻ của lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (mã DIG), ở giai đoạn này, thay vì mở rộng phát triển, Công ty đã nhìn nhận các nguồn thu khả quan nhất để tối ưu hóa dòng tiền, đồng thời xem xét lại các khoản chi tiêu cần thiết.
Những doanh nghiệp xây dựng dân dụng có thể phụ thuộc vào sự phục hồi thanh khoản và dòng vốn vào thị trường bất động sản, trong khi một số doanh nghiệp thi công nền móng, hạ tầng có thể có lợi thế lớn từ hoạt động đầu tư công.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-no-luc-vuot-song-post314605.html