Doanh nghiệp nông sản ở Đông Nam bộ gặp khó vì giá xăng dầu tăng cao

Giá vật tư nông nghiệp chưa có chiều hướng giảm thì mới đây giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nông sản ở Đông Nam Bộ gặp khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Ông Nguyễn Viết Vị - Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện, tỉnh Bình Phước chia sẻ, hợp tác xã của ông đã cố gắng linh hoạt trong vận hành nhằm giảm tối đa chi phí đầu vào, nhưng hơn 1.000 ha diện tích chuyên canh mít ruột đỏ và một số trái cây khác của hợp tác xã chỉ duy trì mức sản xuất gần 70%.

Quá trình canh tác, hợp tác xã cũng giảm tối đa lượng phân bón, thuốc trừ sâu thay bằng phân bón hữu cơ truyền thống. Song song đó, hợp tác xã cũng trực tiếp hiệp thương với các hãng vận tải nhằm duy trì sự ổn định của mặt hàng nông sản.

Xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng cước phí.

Xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng cước phí.

"Hiện hợp tác xã vẫn không dám sản xuất hết công xuất còn e ngại vấn đề thị trường cũng với chi phí đầu tư rất lớn. Thành ra bây giờ còn nhiều khó khăn, lộ trình sản xuất vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng hợp tác xã vẫn chưa thể vay vốn được để đầu tư cho kịp lộ trình tăng giá của thị trường hiện nay" - ông Nguyễn Viết Vị bày tỏ.

Mới phục hồi lại giá chưa đầy 1 tháng, giá thanh long ở Long An tiếp rơi xuống đáy khi đang từ hơn 10.000 đồng/kg nay xuống còn 5.000 đồng/kg.

Hàng hóa về các chợ đầu mối biến động khi cước phí vận tải tăng trong những ngày qua

Hàng hóa về các chợ đầu mối biến động khi cước phí vận tải tăng trong những ngày qua

Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long, tỉnh Long An, việc giá xăng dầu tăng cao đã buộc các doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu cơ sở thu mua ép giá nhà vườn. Bởi, giá thành vận chuyển một container 20 tấn đang tăng từ 70 triệu đồng lên hơn 100 triệu đồng gây khó cho doanh nghiệp. Khó khăn trong sản xuất nông sản kéo theo hoạt động vận tải cũng ít đi.

Ông Lê Thành Thảo, Trưởng phòng Tổ chức- Pháp chế, Công Ty Cổ phần Vận tải Quang Châu (có địa chỉ tại phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay, hơn 200 phương tiện vận tải và container với hơn 180 tài xế của doanh nghiệp đang nằm neo bãi. Giá xăng tăng nhưng lộ trình điều chỉnh cước phí vận tải phải cân nhắc kỹ càng khi lượng hàng sau Tết giảm. Việc điều chỉnh giá cước chỉ là vấn đề thời gian để giảm lỗ, tuy nhiên điều chỉnh như thế nào để giữ sự ổn định, duy trì được sự cạnh tranh là bài toán khó.

"Các khách hàng của tôi cũng yêu cầu giữ cước giá ổn định nhưng mà bây giờ xăng dầu tăng quá thì buộc doanh nghiệp phải tăng thôi. Giờ doanh nghiệp tăng thì sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng, tại vì giá cước vận chuyển cao thì sẽ đôn giá thành sản phẩm lên. Người tiêu dùng sẽ thiệt thòi nhất sẽ phải gánh hết những phí tổn đó" - ông Thảo chia sẻ.

Cước phí tăng giảm sự cạnh tranh nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu

Cước phí tăng giảm sự cạnh tranh nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu

Sau khó khăn của dịch bệnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã đang căng mình ổn định sản xuất. Dù xác định phải linh hoạt theo kinh tế thị trường song sự biến động của giá vật tư nông nghiệp và nhiên liệu buộc những doanh nghiệp, hợp tác xã đang phải "liệu cơm gắp mắm" để tiếp tục tồn tại và cố gắng phục hồi sau đại dịch./.

Vinh Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nong-san-o-dong-nam-bo-gap-kho-vi-gia-xang-dau-tang-cao-post927090.vov