Doanh nghiệp nữ Hà Nội: Sức bật từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Đây là một yêu cầu quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên số. Các doanh nghiệp nữ Hà Nội đã nhanh chóng nắm bắt xu thế, tích cực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo sức bật cho doanh nghiệp nữ Thủ đô.
Đổi mới sáng tạo bằng chính nội lực
“Nói về đổi mới sáng tạo, chúng tôi luôn xác định đổi mới sáng tạo là sự sống còn đối với doanh nghiệp”, đó là khẳng định của chị Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Misa, một nữ tướng của đơn vị hàng đầu về các giải pháp phần mềm cho quản lý doanh nghiệp.
Misa thành lập từ năm 1994, tới nay đã gần 30 năm. Từ phần mềm cốt lõi là phần mềm kế toán, nhưng cũng chính từ sự đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp này đã phát triển và mở rộng thêm nền tảng quản trị doanh nghiệp để có được đầy đủ công cụ quản trị doanh nghiệp. Đó không chỉ là kế toán mà có cả nhân sự, bán hàng,... và nhiều nền tảng khác phục vụ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Nói về đổi mới sáng tạo, chị Thúy cho biết, với sự thay đổi rất nhanh, “chóng mặt” của nền công nghệ số như hiện nay, nếu như bản thân chúng tôi không thay đổi, không đổi mới sáng tạo thì không thể tồn tại và phát triển, các sản phẩm của chúng tôi cũng không thể có cơ chế cạnh tranh trên thị trường để mang đến giải pháp tốt cho khách hàng của mình.
Về các hoạt động cụ thể cho đổi mới sáng tạo của Misa, chị Thúy cho biết, doanh nghiệp có rất nhiều phương pháp, trong đó nổi bật là hai phương pháp: Thứ nhất là đổi mới sản phẩm của mình dựa vào khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm. Khi làm điều này đội ngũ của Misa đã đi tiếp xúc với khách hàng để tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, bởi sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu dịch vụ mà còn phải đáp ứng được thói quen, hành vi, mong muốn của khách hàng.
Phương pháp thứ hai là cải tiến, đổi mới sáng tạo chính hoạt động của công ty. Misa dựa vào ý kiến đóng góp của toàn thể cán bộ nhân viên để điều chỉnh. Theo chị Thúy, với 3.000 cán bộ, nhân viên, những vướng mắc, kiến nghị, đóng góp của họ đã được công ty thu thập ngay và xem xét cải tiến trong quy trình quản lý, phát triển của doanh nghiệp.
Chia sẻ về những ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hợp tác xã (HTX) Đoàn kết (huyện Ứng Hòa), chị Cao Thị Thủy, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn kết huyện Ứng Hòa cho biết, bản thân chị xuất phát từ một phụ nữ, một nông dân ở một vùng quê chuyên canh tác nông nghiệp lúa nước. Từ lâu đời, bà con đã canh tác lúa nước theo quy trình truyền thống, đơn giản, làm theo thời vụ.
Theo chị Thủy, điều này là “quá khổ, quá vất vả” và dẫn đến chị em phụ nữ không còn mặn mà với đồng ruộng nữa. Cho nên bản thân chị rất trăn trở.
“Đi ra những đồng ruộng bị bỏ hoang hóa, tôi rất tiếc. Chính vì vậy tôi đã thành lập HTX Đoàn Kết, tập hợp chị em phụ nữ trên địa bàn huyện để vực dậy những cánh đồng. Có những đồng ruộng bị bỏ hoang đến 10 năm, đồng cỏ mọc ngập đầu. Bằng phương pháp đổi mới trong canh tác, chúng tôi đã có doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Cánh đồng tưởng chừng như bỏ hoang giờ đã mang lại giá trị kinh tế cho người dân và cho kinh tế địa phương”, chị Thủy cho biết.
Kể câu chuyện về vận dụng đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, chị Thủy nói: “Đừng cảm thấy tiếc vì bụi hoa hồng có gai, mà hãy vui vì trong bụi gai có hoa hồng". Đúng, nếu ngành nông nghiệp mà ta biết vận dụng đổi mới sáng tạo thì có thể rất hiệu quả, rất mạnh mẽ. Nếu để nói về ứng dụng công nghệ cao, tôi khẳng định chị em phụ nữ có thể làm ra sản phẩm trên những cánh đồng lúa lớn mà vẫn ăn mặc lịch sự, xinh đẹp, không phải “chân lấm tay bùn” như ngày xưa.
Nếu chúng ta không biết cách làm chúng ta sẽ phải bỏ nhiều sức ra mà vẫn lỗ rất nhiều. Áp dụng khoa học công nghệ, chúng tôi chỉ có 10 người mà có thể làm tới 300ha lúa vẫn nhàn như chơi. Các chị em cố gắng để tâm tới ngành nông nghiệp. Đừng để ruộng bỏ hoang! Hãy làm cho nông nghiệp ngày càng vững mạnh. Nền an ninh lương thực càng giàu thì đất nước càng vững mạnh”.
Ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh đang trở thành vấn đề quan trọng giúp doanh nghiệp trong mở rộng thị trường. Chị Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ tịch Tập đoàn Ruby Group đã chia sẻ nền tảng công nghệ thông tin mà công ty đã áp dụng hiệu quả vào doanh nghiệp.
Cụ thể, Ruby Group đã áp dụng công nghệ thông tin vào công việc kinh doanh của mình rất hiệu quả. Điển hình như việc xây dựng không gian bán hàng. Đây là kênh thương mại điện tử giúp cho doanh nghiệp trưng bày sản phẩm của mình, giúp cho khách hàng có thể dễ dàng xem thông tin các sản phẩm. Đây là kênh mà doanh nghiệp nào cũng rất cần phải có.
Thứ hai là vận động các nền tảng mạng xã hội để tương tác với khách hàng, quảng bá sản phẩm, tuyển các kênh đại lý. Cá nhân chị Quế Anh đã tuyển được rất nhiều đại lý bằng việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên facebook “tick xanh”. Ngoài ra đơn vị này còn xây dựng rất nhiều kênh trên các nền tảng xã hội khác như tiktok, zalo, youtube.
Thứ ba, theo chị Quế Anh chia sẻ, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị và vận hành đơn hàng, vận chuyển kho hàng. “Hiện tại Ruby Group đã thành lập công ty tại Mỹ và vận hành bộ máy kinh doanh để xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ. Đó là những điều tuyệt vời mà công nghệ thông tin mang lại”, chị Quế Anh khẳng định.
Cần tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển luôn là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với vị thế của Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế, Hà Nội luôn đi đầu trong phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Thành phố Hà Nội đã quyết liệt trong chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội cho biết, thực hiện quyết định số 1901/QĐ- UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025”, với vai trò là chủ thể trong tuyên truyền, vận động kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nữ, 9 tháng năm 2023, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chuyên gia tổ chức tập huấn, truyền thông, nâng cao kiến thức, năng lực khởi nghiệp cho trên 1.000 phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm OCOP, ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Theo số liệu thống kê, 8 tháng đầu năm 2023, Hà Nội có 21,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 208,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,35% số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước
Đặc biệt, cuộc thi ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của phụ nữ năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Thành phố phát động đã thu hút trên 100 dự án, ý tưởng gửi về tổ chức Hội. Nhiều dự án được xây dựng có chất lượng, đưa ra được các giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm đa dạng, an toàn cho người tiêu dùng trên cơ sở giá trị tài nguyên, tiềm năng của địa phương.
Có thể thấy, nhờ khởi nghiệp sáng tạo, nhiều nữ chủ doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, ý tưởng tái chế rác thải tuần hoàn, chế biến những nguyên liệu bình dị như củ sắn, hạt kê, phụ phẩm nông nghiệp… nâng tầm trở thành sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều dự án rất nhân văn mang lại cơ hội việc làm, nghề nghiệp cho các cháu tự kỷ.
“Khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tạo nên những giá trị trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới bền vững đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, niềm tin và đam mê, kiên trì bền bỉ, dám đối mặt và vượt qua thử thách, khó khăn thậm chí là định kiến giới và cả thất bại. Chặng đường ấy rất cần sự động viên, khích lệ và đặc biệt sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành thành phố với các cơ chế, chính sách thuận lợi”, bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.
Khẳng định việc sử dụng công nghệ thông tin trong khởi nghiệp là cần thiết, tiến sỹ Vũ Việt Anh, Trưởng Làng công nghệ Martech Techfest Quốc Gia cho biết, Làng công nghệ luôn sẵn sàng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, cụ thể là những khóa đào tạo về marketing, hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp mới về marketing; kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế, sản xuất tiêu dùng xanh. Sẵn sàng đồng hành cùng phụ nữ Thủ đô thực hiện các chương trình đào tạo về công nghệ để mang lại hiệu quả kinh doanh ngay lập tức.
"Các dòng chảy khách hàng hiện nay đều hướng tới internet, nếu chúng ta không có sự đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bỏ lỡ. Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ người dùng điện thoại cao nhất Đông Nam Á. Có hơn 76% người dân hòa mạng internet, vì vậy việc dịch chuyển sang đối tượng khách hàng có sử dụng internet là điều hết sức quan trọng”, tiến sỹ Vũ Việt Anh khẳng định và lưu ý.