Doanh nghiệp nước ngoài xây nhà xưởng trên ruộng: Chủ tịch huyện muốn hợp thức hóa vi phạm

Dù UBND tỉnh Bắc Giang kết luận có sai phạm, cấp sở đề nghị dỡ bỏ nhà xưởng, khôi phục đất lúa nhưng ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế - nơi để xảy ra sai phạm hơn 10 năm qua vẫn nhiều lần đề nghị phạt tiền và hợp thức hóa sai phạm.

Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xác định Công ty Huarong có sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xác định Công ty Huarong có sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Xử phạt hai lần vẫn chưa đúng

Như Tiền Phong phản ánh, Công ty TNHH Công nghiệp Huarong (viết tắt là Công ty Huarong, doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc) tự thỏa thuận, mua hơn 3.500 m2 đất nông nghiệp trái phép của một số hộ dân tại bản Diễn, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (mua không qua công chứng theo quy định), rồi tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở rộng thêm nhà xưởng ra phần đất này.

Vi phạm này đã diễn ra từ hơn 10 năm qua, nhưng gần đây mới được đề cập, các cơ quan chức năng buộc phải làm rõ, xử lý vì có đơn tố cáo gay gắt, liên tục của công dân.

Ngoài vi phạm đất đai, giấy phép xây dựng được UBND huyện Yên Thế cấp cho công ty Huarong là vượt thẩm quyền. Vì theo quy định, nhà xưởng của doanh nghiệp nước ngoài phải do sở xây dựng cấp phép.

Những vi phạm nêu trên đã được UBND tỉnh Bắc Giang kết luận là có thật, các nội dung tố cáo này là tố cáo đúng, nhưng việc xử lý vi phạm lại rối như canh hẹ.

Theo đó, tháng 5/2022, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (cấp xã nơi xảy ra vi phạm) phạt công ty Huarong bằng tiền nhưng sau đó phải thu hồi quyết định vì sai thẩm quyền.

Sau đó, tháng 10/2023, UBND huyện Yên Thế phạt công ty Huarong 22,5 triệu đồng và cho tiến hành các thủ tục để hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không phải khôi phục hiện trạng (nói tóm lại là cho phép hợp thức hóa sai phạm).

Về trách nhiệm, các cán bộ quản lý đất đai tại huyện và xã không bị đặt vấn đề xử lý. Thậm chí, liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng trái thẩm quyền, người ký quyết định là ông Nguyễn Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế và các cán bộ cấp dưới chỉ "rút kinh nghiệm sâu sắc", không bị kỷ luật.

Bức xúc về cách xử lý của huyện Yên Thế, thậm chí là các cán bộ cấp tỉnh, người tố cáo tiếp tục khiếu nại, tố cáo đến nhiều cấp. Ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, người chỉ đạo vụ việc giao cho sở Tư pháp chủ trì kiểm tra về mặt pháp lý.

Tháng 1/2024 vừa qua, Sở Tư pháp đề nghị hủy quyết định xử phạt của huyện Yên Thế vì sai thủ tục và áp dụng không đúng điều khoản và hình thức xử phạt. Tháng 4 vừa qua, UBND huyện Yên Thế phải tự ra văn bản hủy quyết định xử phạt của mình trước đó.

Sở yêu cầu phá bỏ, chủ tịch huyện kiên quyết phạt, cho tồn tại

Như trên đã nêu, huyện Yên Thế quyết định phạt công ty Huarong 22,5 triệu và đề nghị cho làm các thủ tục để hợp thức hóa phần đất 3.500 m2 này và các công trình xây dựng trên đó (Gồm các bể nước, sân, hàng rào...).

Huyện Yên Thế cho rằng, hành vi vi phạm của công ty Huarong là "nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận" (áp dụng theo Điều 28, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của Chính phủ).

UBND huyện Yên Thế cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Huarong trái thẩm quyền

UBND huyện Yên Thế cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Huarong trái thẩm quyền

Tuy nhiên, Sở TN&MT Bắc Giang cho rằng, việc áp dụng điều khoản trên vào trường hợp này chưa chính xác mà phải áp dụng Điều 9, Nghị định 91/2009/NĐ-CP với hành vi "sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác khi không được cơ quan có thẩm quyền cho phép". Nếu áp dụng điều khoản này, mức xử phạt bằng tiền tăng cao và công ty Huarong buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng trên đất vi phạm, cào bóc đất, khôi phục khả năng trồng lúa của phần đất này.

Sở Tư pháp Bắc Giang cũng cho rằng, việc xử phạt của UBND huyện Yên Thế là chưa đủ cơ sở pháp lý vì: Hợp đồng giao dịch đất giữa công ty Huarong và các hộ dân là không hợp pháp, việc xác định ranh giới, diện tích các thửa đất mua của người dân chưa khớp...

Dù hai sở chuyên môn có ý kiến như trên nhưng mới đây, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế lại tiếp tục có văn bản báo cáo UBND tỉnh và các sở sẽ xử phạt công ty Huarong theo phương án cũ (phạt tiền, cho nhà xưởng của công ty Huarong tồn tại và hoàn thiện thủ tục theo Điều 28, Nghị định 91/2019/NĐ-CP) như đã làm trước đây.

Trong văn bản, lãnh đạo huyện Yên Thế đưa ra nhiều luận điểm bảo vệ quan điểm của mình khó hiểu như: Diện tích đất vi phạm trong vụ việc có cả đất lúa và đất trống (?); chủ thể sử dụng đất sai quy định trong trường hợp này là những người dân đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã bán đất cho công ty Huarong hơn 10 năm nay chứ không phải công ty Huarong (?)...

Trao đổi với PV, đại diện Sở TN&MT Bắc Giang khẳng định vẫn giữ quan điểm rằng, trong vụ việc này, hành vi sai phạm của Công ty Huarong là tự chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác khi chưa được cơ quan thẩm quyền đồng ý; phải phạt tiền và buộc khôi phục hiện trạng theo quy định; việc xử lý của UBND huyện Yên Thế là không phù hợp.

Công ty Huarong không được miễn giấy phép xây dựng

Sau khi bị thu hồi giấy phép xây dựng cấp trái thẩm quyền, công ty Huarong và UBND huyện Yên Thế đề nghị xem xét miễn giấy phép xây dựng.

Về nội dung này, trong văn bản giải quyết tố cáo cán bộ huyện Yên Thế cấp phép sai thẩm quyến, UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, Công ty Huarong đang vi phạm về đất đai; giấy chứng nhận đầu tư thời gian xây dựng các hạng mục công trình đến tháng 9/2021 và hoàn thành đi vào hoạt động tháng 10/2021 (đã hết hạn thi công) nên chưa đủ điều kiện miễn giấy phép xây dựng.

Viết Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-xay-nha-xuong-tren-ruong-chu-tich-huyen-muon-hop-thuc-hoa-vi-pham-post1635662.tpo