Doanh nghiệp ở Bình Dương chủ động vượt khó, số lượng đơn hàng phục hồi trở lại
Thời điểm cuối quý III, đầu quý IV/2023, các doanh nghiệp ở Bình Dương đang đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ, tìm cách phục hồi nhanh chóng, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, lấy lại thị phần ở các thị trường chủ lực khi đơn hàng quay trở lại.
Ghi nhận trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thời điểm cuối quý III, đầu quý IV/2023 đã có nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, dày da… có số lượng đơn hàng phục hồi trở lại. Một số doanh nghiệp có lượng đơn hàng mới khoảng 80% so với trước đây.
Ông Nguyễn Quang Vũ - Chủ tịch Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh Bình Dương cho biết, những doanh nghiệp đơn lẻ không thể có đủ nguồn vốn để tự đầu tư, do đó phải tính đến việc sản xuất theo một hệ sinh thái để có thể đáp ứng được các yêu cầu của thế giới. Theo ông Vũ, thời điểm này, không riêng ngành giày da, cộng đồng doanh nghiệp phải cùng hợp sức theo chuỗi liên kết là con đường duy nhất.
Một số doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ cao cấp trên địa bàn xuất khẩu sang Mỹ, EU… cũng cho rằng, để lấy lại thị trường, đơn hàng, doanh nghiệp đang chuyển hướng làm nhiều đơn hàng lớn nhỏ khác nhau, trong đó có các đơn hàng ngách; duy trì toàn bộ công nhân từ đây đến cuối năm để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải nỗ tìm kiếm đơn hàng thông qua phương thức xúc tiến qua thương mại điện tử, sản xuất chế biến theo tiêu chuẩn xanh để thích ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường./.
Theo các doanh nghiệp, hiện các thị trường lớn, đặc biệt là châu Âu đang kiểm soát ngày càng kỹ hơn các sản phẩm gỗ, nông sản đến từ Việt Nam với những quy định mới. Do đó, những đơn hàng tăng thêm chủ yếu rơi vào tay những doanh nghiệp đáp ứng tốt các tiêu chí về môi trường và đa dạng mẫu mã. Do vậy không có cách nào khác doanh nghiệp phải tự chủ động đổi mới cách làm, nâng cất lượng sản phẩm để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.