Doanh nghiệp ở 'thủ phủ titan' đang đóng thuế ra sao?

6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp khai thác titan ở tỉnh Bình Thuận đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 105 tỷ đồng, gồm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền tài nguyên nước, thuế tài nguyên đối với khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường…

Sáng 26/7, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp khai thác titan đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 105 tỷ đồng, còn năm 2023 nộp hơn 138 tỷ đồng.

Theo đó, các loại thuế, phí mà các doanh nghiệp khai thác titan phải chi trả, gồm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền tài nguyên nước, thuế tài nguyên đối với khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường…

Tính đến ngày 8/7, toàn tỉnh Bình Thuận có 7 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác quặng sa khoáng titan - zircon với tổng trữ lượng khai thác gần 6,8 triệu tấn khoáng vật quặng.

Trong 7 doanh nghiệp nói trên có 2 doanh nghiệp không thực hiện khai thác từ khi được cấp phép đến nay do vướng giải phóng mặt bằng, một doanh nghiệp đang làm thủ tục xin đóng cửa mỏ từ năm 2021, một doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục để khai thác và 3 doanh nghiệp đang khai thác.

Công trường của một doanh nghiệp đang khai thác titan ở Bình Thuận.

Công trường của một doanh nghiệp đang khai thác titan ở Bình Thuận.

Liên quan đến việc khai thác titan, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh có 3 dự án khai thác khoáng sản titan được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đang hoạt động khai thác.

Về tiếp tục phát triển, cấp phép thêm các dự án titan hay không, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, theo quyết định số 866, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đối với khoáng sản titan trên địa bàn Bình Thuận dự án cấp mới 14.198 ha (chủ tập trung khu vực Lương Sơn - Bắc Bình với 12.507 ha).

Còn việc thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản titan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong quá trình Bộ Tài nguyên vf Môi trường lấy ý kiến góp ý cấp phép các dự án titan, tỉnh Bình Thuận sẽ rà soát từng khu vực cụ thể để có ý kiến.

Để đảm bảo môi trường, an toàn trong việc khai thác titan, thời gian qua UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi khai thác không đúng thiết kế mỏ.

Năm 2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản các mỏ titan trên địa bàn tỉnh.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doanh-nghiep-o-thu-phu-titan-dang-dong-thue-ra-sao-post1658191.tpo