Doanh nghiệp ở Tứ Kỳ gặp khó vì dịch

Hiện có 4 doanh nghiệp ở Tứ Kỳ phải tạm dừng hoạt động do liên quan đến dịch Covid-19, chịu thiệt hại lớn.

Công ty TNHH Young Tech Việt Nam là 1 trong 4 doanh nghiệp ở Tứ Kỳ vẫn đang tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Công ty TNHH Young Tech Việt Nam là 1 trong 4 doanh nghiệp ở Tứ Kỳ vẫn đang tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều công nhân trở thành F0, F1 đã khiến một số doanh nghiệp ở huyện Tứ Kỳ phải tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh.

4 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động

Từ ngày 25.11-2.12, Công ty TNHH GFT Việt Nam ở xã Cộng Lạc (100% vốn Hồng Kông, chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em) phải tạm dừng hoạt động do trở thành ổ dịch lớn với 153 công nhân mắc Covid-19, 1.944 công nhân thuộc diện F1. Ổ dịch này được đánh giá là phức tạp, nguy hiểm, không chỉ làm lây lan dịch bệnh ra hầu hết các xã, thị trấn trong huyện mà còn xâm nhập vào một số doanh nghiệp khác.

Đại diện Công ty TNHH GFT Việt Nam cho biết chỉ trong 8 ngày tạm dừng hoạt động, công ty đã phải dừng xuất khẩu 4 triệu sản phẩm (tổng giá trị khoảng 150 tỷ đồng) cho các đối tác đã ký kết. Nếu không sớm sản xuất trở lại, doanh nghiệp sẽ mất uy tín, bị các đối tác hủy đơn hàng đã ký và phải đền bù những đơn hàng bị chậm. Ngoài những công nhân thuộc diện F0, F1 cách ly, khoảng 5.000 công nhân còn lại của doanh nghiệp đã 3 lần được xét nghiệm SARS-CoV-2 và đều âm tính.

“Ngày 3 và 4.12, công ty tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho toàn bộ công nhân. Nếu kết quả âm tính hết thì chúng tôi đề nghị tỉnh và huyện xem xét, tạo điều kiện sớm được hoạt động trở lại vì đơn hàng dịp cuối năm rất nhiều”, ông Đào Xuân Khá, Trưởng Phòng Quản lý nhân sự Công ty TNHH GFT Việt Nam cho biết.

Đến ngày 2.12, toàn huyện Tứ Kỳ có thêm 3 doanh nghiệp khác cũng phải tạm dừng hoạt động do có công nhân mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch Công ty TNHH GFT Việt Nam là Công ty TNHH: Young Tech (100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất găng tay xuất khẩu ở xã Văn Tố), Bai Hong (100% vốn Đài Loan, chuyên gia công giày xuất khẩu) và Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Thị Thanh Bình (cùng ở xã Nguyên Giáp).

Đến nay, hơn 700 lao động Công ty TNHH Young Tech Việt Nam đã được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 lần 1 bằng phương pháp PCR. Mặc dù 100% số mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính nhưng theo quy định toàn bộ lao động công ty vẫn phải lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày 3.12, nếu tất cả âm tính thì doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại.

“Bình quân mỗi tháng chúng tôi xuất khoảng 830.000 sản phẩm. Cuối năm nhiều đơn hàng, nếu không sớm hoạt động trở lại, chúng tôi sẽ chịu thiệt hại lớn. Tình cảnh hiện nay như ngồi trên đống lửa”, bà Nguyễn Hoài Phương, đại diện Công ty TNHH Young Tech Việt Nam chia sẻ.

Không ít doanh nghiệp ở huyện Tứ Kỳ có F1, F2 liên quan ổ dịch Công ty TNHH GFT cũng rất lo lắng bởi nếu không may các F1 chuyển thành F0 thì họ cũng phải tạm dừng hoạt động.

Chia sẻ khó khăn

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các doanh nghiệp trên đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan đến ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch... Công ty TNHH GFT Việt Nam phối hợp với xã Cộng Lạc cử lực lượng đi chợ hộ 182 công nhân là người tỉnh ngoài thuộc diện F1 đang cách ly tập trung tại ký túc xá công ty. Doanh nghiệp thanh toán tiền đi chợ giúp công nhân...

Ông Đào Văn Soái, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết quan điểm của huyện là sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sớm được hoạt động trở lại nếu bảo đảm an toàn. Với doanh nghiệp vẫn xuất hiện F0 thì buộc phải tạm dừng hoạt động. Doanh nghiệp nào không phát sinh thêm F0, công nhân xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 thì sẽ xem xét cho hoạt động trở lại. “Chúng tôi sẽ phải xem xét thật kỹ lưỡng, xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Chúng tôi cũng sẽ lắng nghe, đồng hành cùng các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn”, ông Soái nói.

Huyện Tứ Kỳ có gần 60 doanh nghiệp có quy mô lớn đang hoạt động với khoảng 27.000 lao động. Ngày 2.12, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng chống dịch trong các doanh nghiệp. Yêu cầu các doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm hoặc bố trí kinh phí phối hợp các đơn vị y tế đủ điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên cho người lao động có các dấu hiệu nghi ngờ; xét nghiệm ngẫu nhiên, luân phiên 10% số người lao động tại các dây chuyền, phân xưởng.

Lãnh đạo huyện khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, nhất là những doanh nghiệp có nhiều lao động thuộc diện F1, F2. Kịp thời điều chỉnh, tạo điều kiện hoặc đề xuất với cấp trên tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn. Trước mắt là tuyên truyền, vận động hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người lao động đang cách ly y tế tập trung.

MẠNH THẢO

Xem clip

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cong-nghiep/video-doanh-nghiep-o-tu-ky-gap-kho-vi-dich-188473