Doanh nghiệp phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

Đây là lúc các doanh nghiệp phải nhìn lại nhiều điều, về mô hình quản trị, quy mô hoạt động, các quy trình... để tích tụ nội lực và phát triển bền vững.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ

Suy giảm sâu sẽ diễn ra vào quý II

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP. HCM (HAWEE), Chủ tịch HĐQT PNJ nhấn mạnh sự bình tĩnh của người chủ doanh nghiệp, để có thể lên nhiều kịch bản, chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.

Trong bức tranh ảm đạm của kinh tế thế giới và trong nước, các doanh nghiệp Việt đang tìm mọi cách để sống sót và cùng nắm tay nhau vượt qua đại dịch. Không ai có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng này, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra khác gẳn với hai cuộc khủng hoảng trước do độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay lớn hơn nhiều, cũng vì vậy mà khủng hoảng lần này bao trùm hơn.

Sự hưng phấn của doanh nghiệp trong 3 năm gần đây khiến cho đâu đó có sự chủ quan. Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ thường nhắm đến lợi ích trước mắt, làm nhanh, thu lời ngay mà không nghĩ chuyện xây dựng nền tảng, nên khi gặp sự cố sẽ rơi vào khủng hoảng.

Sức khỏe doanh nghiệp cũng như cơ thể con người, cần phải tích tụ nội lực, làm cho năng lực nội tại của mình mạnh lên. Những doanh nghiệp có nền tảng phát triển bền vững thì sẽ vượt qua được khủng hoảng, thậm chí thấy cơ hội nhiều hơn trong thách thức.

Quý đầu năm nay một số doanh nghiệp vẫn tăng trưởng nhờ dư địa của năm trước và Tết, mùa mua sắm và lễ hội vẫn diễn ra. Nhưng vào quý II có giãn cách xã hội, đó là đỉnh điểm khủng hoảng doanh nghiệp, nhất là 3 tuần lễ của tháng 4 không hoạt động dẫn đến suy giảm sâu.

Các nền kinh tế lớn nhất là đầu ra của doanh nghiệp Việt, khi họ khủng hoảng thì khó khăn sẽ không chỉ trong quý II mà còn kéo dài hơn nữa, suy giảm sẽ tăng lên cấp số nhân.

Doanh nghiệp phải tập trung xem lại đâu là giá trị cốt lõi của mình, cái gì cần vứt bỏ, cái gì cần giữ. Quản trị tài chính cực kỳ quan trọng lúc này, đâu là cái cần chi tiêu, đâu là chi phí cần cắt giảm triệt để. Bài toán tài chính cho tương lai cũng cần phải suy tính ngay.

Ngay khi có dịch, PNJ lập ngay ủy ban phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, rà soát trong chuỗi sản xuất của mình cái gì là nguy, cái gì là cơ. Đây là thời cơ cho các ý tưởng mới, cho người tiêu dùng mua online, thiết kế các chương trình mới, tạo ra những trend để thay đổi hành vi, xu hướng tiêu dùng, đó là cơ hội trong thời điểm này.

Thứ ba là bài toán nhân sự, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự nhưng về mặt nhân văn, phải sắp sếp, thỏa thuận, tìm cách giúp cho người lao động duy trì cuộc sống. Bình tĩnh đưa ra kịch bản về nhân sự, tài chính, đồng thời phải chia sẻ các kịch bản đang xảy ra của công ty với nhân sự cốt cán, để cùng nhau đưa ra cách giải quyết, khuyến khích họ cùng chia sẻ khó khăn, giảm chi phí tiền lương cho công ty để cùng nhau đi đường dài.

Những kịch bản về sụt giảm doanh thu theo từng mức độ khác nhau cần được tính đến để có giải pháp ứng phó kịp thời. Thời gian qua nhiều công ty phát triển nóng, rất nhiều việc chưa làm, đây là lúc phải nhìn lại về quy mô hoạt động, về các quy trình.

"Trong nguy luôn có cơ, cơ hội trước hết là nhìn lại chính mình, xây dựng văn hóa phát triển bền vững, bổ sung những gì chưa có để phát triển. Tôi luôn có cái nhìn tích cực nhờ xây dựng nhiều kịch bản khác nhau và chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, nên mọi chuyện xảy ra với chúng tôi cũng hết sức bình thường”, Chủ tịch PNJ nói.

Chìa khóa ở chuyển đổi số

Chủ tịch PNJ cho rằng, chuyển đổi số vẫn là chìa khóa đem lại cơ hội lớn nhất trong khủng hoảng, công tác nghiên cứu phát triển (R&D) rất quan trọng. Những công ty quan tâm chuyển đổi số trong giai đoạn này sẽ tạo ra cú hích lớn.

Bà Dung cho biết, ba tuần giãn cách xã hội, nhờ chuyển đổi số năng suất lao động của nhân viên PNJ lại tăng cao. PNJ làm việc nhiều hơn qua nền tảng công nghệ thông tin, một ngày lãnh đạo tham gia đến 4 cuộc họp, có nhiều người xin giảm 50% lương nhưng lại làm việc nhiều hơn trước. Nhờ dịch bệnh thương mại điện tử của PNJ tăng mạnh, nhân viên làm việc suốt ngày đêm vẫn không kịp bán hàng. Nhân viên nghỉ ở nhà cũng bán hàng online rất tốt.

Kỹ thuật số phải trở thành bình thường như hơi thở của chúng ta, giúp đo lường được sự gắn kết với nhân viên và khách hàng của mình.

Cao Thị Ngọc Dung

Chủ tịch PNJ

"Trước đây chúng tôi đã tiến hành chuyển đổi số, nhưng khó khăn trước hết là chuyển đổi tư duy, trước khủng hoảng dịch bệnh còn chưa triển khai được thuận lợi. Nhưng đùng một cái tất cả đều làm việc trên online, nhờ đó các nhân viên dù lớn tuổi cũng áp dụng công nghệ thông tin rất thành thạo. PNJ có hơn 7.000 nhân viên, hiện 5.000 người đã tiếp cận với khách hàng bằng kỹ thuật số", bà Dung cho biết.

Từng chịu những thất bại cay đắng khi nhảy vào thực hiện chuyển đổi số, bài học đắt giá nhất để thành công theo bà Dung là phải xây dựng được văn hóa kỹ thuật số.

“Khó khăn nhất khi chuyển đổi số ai cũng nghĩ là chi phí, nhưng hiện nay rất nhiều công nghệ, giải pháp miễn phí giúp chúng ta thuận lợi thực hiện, nếu biết cách sẽ tiếp cận được, như tổ chức các cuộc họp chẳng hạn. Khó nhất là ý thức con người, chúng ta có sẵn sàng chuyển đổi số hay không, có xây dựng được văn hóa kỹ thuật số hay không? Không có văn hóa kỹ thuật số thì không thể có doanh nghiệp kỹ thuật số được", bà Dung khẳng định.

Để vượt qua khủng hoảng, bà Dung cho rằng, niềm tin là cái gốc giúp doanh nghiệp vượt lên. Doanh nghiệp phải đặt niềm tin nhiều vào Chính phủ, bởi “giải cứu lớn nhất là giải cứu về chính sách”.

"Qua đại dịch lần này, tôi hy vọng chính phủ cùng các bộ, ngành thấy được sự quan trọng của việc giải tỏa những ách tắc về chính sách sẽ giúp doanh nghiệp như thế nào trong khủng hoảng. Tôi có niềm tin, Việt Nam sẽ trở thành đất nước được thế giới biết đến nhiều nhất về môi trường làm ăn và đầu tư sau đại dịch”, bà Dung khẳng định.

Kim Yến

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-phai-chuan-bi-cho-kich-ban-xau-nhat-1588059247926.htm