Doanh nghiệp phải công khai, minh bạch khi làm thủ tục xuất khẩu

Thực thi Lệnh 248, 249 của Trung Quốc các doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu phải công khai, minh bạch, không gian lận... Nếu bị phát hiện thì hệ lụy rất lớn, thậm chí bị hủy tư cách xuất khẩu.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại Diễn đàn trực tuyến về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu; nhìn lại 1 năm đáp ứng Lệnh 248, Lệnh 249 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 7/12, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh, các doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu phải công khai, minh bạch, không gian lận... Nếu bị phát hiện thì hệ lụy rất lớn, thậm chí bị hủy tư cách xuất khẩu.

Sau 1 năm triển khai Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, tính đến ngày 5/12, đã có 2.426 mã số sản phẩm xuất khẩu của khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép theo Lệnh 248, Lệnh 249. So với các nước trong khu vực thì đây là con số tương đối lớn.

Theo ông Ngô Xuân Nam, việc thực hiện hai lệnh trên vẫn còn nhiều thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, phần mềm https://cifer.singlewindow.cn vừa thực hiện vừa hoàn thiện liên tục nâng cấp. Việc đăng ký online trên hệ thống đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ và ngoại ngữ tiếng Trung và tiếng Anh. Một số doanh nghiệp vẫn chưa nắm được quy trình, quy định đăng ký doanh nghiệp theo hình thức online. Thao tác khai báo thông tin trên hệ thống sai lệch tài khoản tự mở không thông qua cơ quan có thẩm quyền duyệt định danh nên bị ảnh hưởng khi làm thủ tục thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi định danh mã HS thiếu thông tin nên sai lệch so với thực tế, gây trở ngại cho quá trình thông quan của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa tìm hiểu và nắm bắt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm của Trung Quốc nên chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm của Trung Quốc (Lệnh 249).

Để đáp ứng được các điều kiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp cần thiết lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo nguyên tắc HACCP.

Đối với các doanh nghiệp đăng ký nhanh năm 2021, cần nhanh chóng thực hiện việc bổ sung các thông tin đăng ký trên hệ thống trước ngày 30/6/2023. Doanh nghiệp cần chủ động liên hệ cơ quan thẩm quyền đã nộp hồ sơ đăng ký hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thiện bổ sung hồ sơ, mã sản phẩm sẽ bị đưa ra khỏi danh sách của Hải quan Trung Quốc.

Cũng theo ông Ngô Xuân Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cần xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn thực phẩm; phải tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia của Trung Quốc về an toàn thực phẩm. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm nhà xưởng, thiết lập hệ thống ghi chép hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc để đáp ứng kiểm tra trước và sau khi đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc.

Về phía chính quyền địa phương, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, cần tăng cường quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất chế biến; tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình đăng ký mã số doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đảm bảo đáp ứng các quy định về quản lý an toàn thực phẩm của thị trường này. Đồng thời, tăng cường trao đổi các vấn đề kỹ thuật tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện việc đăng ký hồ sơ, đăng ký mã số doanh nghiệp đáp ứng quy định của Lệnh 248 và Lệnh 249.

Chuối được tuyển chọn kỹ càng trước khi đóng gói đưa đi xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Chuối được tuyển chọn kỹ càng trước khi đóng gói đưa đi xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Thông tin thêm về quy định của thị trường Trung Quốc, bà Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính và có sự thay đổi mạnh mẽ. Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch. Đồng thời, Trung Quốc cũng yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm; ký kết nghị định thư xuất khẩu đối với các loại quả truyền thống, bà Phan Thị Thu Hiền thông tin.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ Lệnh 248, 249 nên khi triển khai đăng ký còn nhiều lúng túng, dẫn đến chậm thông quan; hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn ở sản phẩm thô, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Đại diện Công ty cổ phần Nafoods Group chia sẻ, triển khai Lệnh 248, Lệnh 249, Nafoods Group đã chủ động tiếp cận thông tin để phối hợp với các cơ quan chức năng; trong đó có Cục Trồng trọt và các chi cục để xúc tiến liên kết, phát triển vùng trồng, đảm bảo quản lý an toàn phục vụ xuất khẩu.

Nafoods Group đã thiết lập 600 ha sản xuất chanh leo an toàn. Mục tiêu năm 2023, doanh nghiệp có thể đạt diện tích 2.000 ha có mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, triển khai Lệnh 248, Lệnh 249 từ năm 2021, Sở đã tập trung phổ biến cho các cơ quan, đơn vị nội dung thực thi, yêu cầu từ phía thị trường Trung Quốc.

Năm 2022, số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số tại địa phương đã tăng vượt bậc với 28 mã số vùng trồng, 3 cơ sở đóng gói. Tuy hiên, việc thực hiện cấp mã số đang gặp khó khăn do vùng trồng còn nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực để định vị, xác định vùng trồng, từ đó dẫn đến việc khó quản lý các vùng trồng.

Theo đó, ông Nguyễn Tấn Nhơn đưa ra đề xuất các địa phương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo sự minh bạch trong sản xuất, cung ứng, không để gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần cùng phối hợp để tạo dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng đảm bảo chất lượng, sản lượng khi cung ứng cho đối tác Trung Quốc.

Trước đó, tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Theo đó, những doanh nghiệp nước ngoài; trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới. Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-phai-cong-khai-minh-bach-khi-lam-thu-tuc-xuat-khau/271114.html